Thế vận hội mùa hè năm 1988 tại Hàn Quốc, võ sĩ Đặng Hiếu Hiền (48kg) được đặc cách tham dự, đã đánh bại đối thủ của Tây Ban Nha ở vòng loại và phải dừng bước ở vòng 1/8, trước một võ sĩ của Mỹ, cường quốc về boxing.
Sau hơn 30 năm, Nguyễn Văn Đương không chỉ giành vé trực tiếp đến Olympic Tokyo 2020, mà còn xuất sắc tái lập thành tích của võ sĩ Đặng Hiếu Hiền, khi giành chiến thắng ấn tượng trước võ sĩ hạng 9 thế giới Tayfur Aliyev (Azerbaijan) ở vòng 1/16.
Dừng bước ở vòng 1/8 trước võ sĩ số 1 châu Á Erdenebat Tsendbaatar người Mông Cổ, nhưng chàng trai sinh năm 1996 quê Bắc Giang đã giúp cho boxing Việt Nam gây được tiếng vang và để lại dấu ấn ở đấu trường Olympic.
Trong cuộc phỏng vấn với Saostar, Nguyễn Văn Đương bồi hồi nhớ lại kỷ niệm tại Olympic Tokyo, con đường đến với boxing, quãng thời gian sống chung với dịch Covid-19 và cả những dự định cho tương lai…
Gần nửa năm sau khi tham dự Thế vận hội Olympic Tokyo, cảm xúc của Đương lúc này như thế nào?
Thật sự rất khó tả! Cho đến thời điểm này, mọi thứ vẫn như vừa mới diễn ra vậy. Khi vừa đặt chân tới Tokyo, đến đấu trường Olympic, cảm xúc đầu tiên của Đương là thấy vô cùng choáng ngợp. Choáng ngợp vì sự quy mô và đồ sộ của nó. Một đấu trường cực kỳ lớn. Bước chân vào đó mình cảm thấy vô cùng nhỏ bé.
Các đối thủ đều rất mạnh. Đặc biệt là VĐV Tsendbaatar của Mông Cổ - người đã thắng tôi tại trận thứ hai. Qua thi đấu với đối thủ này, tôi tích lũy được nhiều kinh nghiệm khi thấy họ có bộ chân rất nhanh, thể lực tốt và khi ra đòn hoặc phản đòn đều có lực mạnh. Chính vậy, mình thấy được điểm yếu mà bản thân cần bổ sung. Họ đã cho tôi những bài học quý.
Sau khi trở về từ đấu trường Olympic, Đương nhận thấy rằng để đến được đó cũng là một niềm tự hào, nhưng đồng thời cũng là động lực thôi thúc để mình phải cố gắng hơn nữa, để nhiều lần hơn nữa được góp mặt tại Olympic.
Đương đã đặt được một chút dấu ấn và hy vọng Olympic sau lại được tham gia và tiến xa hơn.
Dịch Covid-19 khiến Đương đã không có được sự chuẩn bị tốt nhất cho Olympic?
Gần như Đương chỉ “tập chay” trong suốt 2 năm qua, đấy là một thiệt thòi cũng như hạn chế với cá nhân Đương cũng như với bất kỳ vận động viên nào. Ngoại trừ những trận đấu ở Olympic, Đương không được tham gia bất kỳ một giải đấu nào, chỉ dừng ở mức tập luyện không được thi đấu nên không thể biết được mình tiến bộ đến đâu.
Ngay khi vừa trở về từ Nhật Bản, Đương phải cách ly tổng cộng 3 tuần. Cách ly xong trở về thăm nhà được một thời gian ngắn, Đương lại bay vào TP.HCM để tập luyện và lại tiếp tục phải cách ly.
Đương đến với boxing như thế nào?
Đương mê phim võ thuật từ nhỏ và học taekwondo ở trường. Hết năm lớp 7, Đương có một người anh họ đang học boxing ở đội Công an nhân dân, nên xin bố mẹ lên Hà Nội tập cùng.
Hồi đó, Đương chỉ nặng 32 kg, bé xíu nên được gọi là 'Gà con'. Thầy ban đầu còn tuyên bố không nhận vì người nhỏ quá, và chỉ cho tập hai tháng hè để rèn sức khoẻ. Nhưng sau đó, nhận thấy tố chất và sự quyết tâm của Đương, thầy cho ở lại, để rồi Đương theo nghiệp boxing cho đến tận bây giờ.
Đương từng thừa nhận có máu điên trong người?
(Cười) Thực ra cái “điên” ở đây chính là để thể hiện lối chơi tấn công ào ạt mà Đương theo đuổi, cũng như không sợ bất cứ đối thủ nào khi lên đài. Luôn chiến đấu hết mình, dù thắng hay thua. Nhưng điều đó cũng khiến Đương đôi khi mất đi một chút sự tỉnh táo cần có khi thi đấu.
Tùy vào đối thủ, không phải đối thủ nào mình cũng “điên” được. Mỗi một đối thủ có một sự kiềm chế mình khác nhau.
Được biết, Đương sắp tham gia một show truyền hình về boxing. Vì sao Đương gật đầu khi nhận được lời mời?
Đương không sợ đối thủ nào khi bước lên võ đài, nhưng thực ra Đương nhát lắm, nhất là khi xuất hiện ở chốn đông người hay phải đứng trước ống kình truyền hình. Nhưng The Champion thực sự là một chương trình rất hay và ý nghĩa, không chỉ với cá nhân Đương mà với những anh em chơi boxing.
Trước đây, bộ môn boxing tại Việt Nam chưa được nhiều người biết đến và chưa thịnh hành. Các bậc phụ huynh, những người lớn tuổi còn khá định kiến về môn thể thao này, vì nghĩ rằng đây là một môn bạo lực, chỉ có đánh nhau. Nhưng thực tế không phải vậy, boxing là một môn thể thao. Nói hơi quá nhưng cũng có thể là một môn nghệ thuật đối với cá nhân Đương.
Đương muốn mọi người biết đến boxing nhiều hơn, để sau khi tiếp xúc có thể hiểu hơn về bộ môn thể thao này, thấy được cái hay, cái đẹp, tinh thần cao thượng của võ sĩ khi thượng đài. Tình cảm của các võ sĩ khi đang thi đấu và thi đấu xong.
Trên đài chúng ta có thể là đối thủ, nhưng rời khỏi sàn đấu, chúng ta vẫn là anh em.
Đương có gặp khó khăn gì khi tham gia The Champion?
Đương là một võ sĩ chuyên nghiệp, theo tập boxing hơn chục năm nay rồi, nên không gặp khó khăn gì khi tham gia các phân cảnh. Vì những gì diễn ra trên khung hình chính là những bài tập hàng ngày của Đương.
Tham gia The Champion, được tiếp xúc với nhiều ngôi sao giải trí, cảm xúc của Đương thế nào?
Một cảm giác rất mới lạ và thú vị. Mọi người rất vui vẻ, nhiệt tình, và thân thiện. Đương là một vận động viên thể thao, vốn không quen với máy quay hay diễn xuất. May mắn được các anh chị em nghệ sĩ nhiệt tình hướng dẫn, giúp Đương có thể hoàn thành được những cảnh quay, động tác…
Đương có dự định hay mục tiêu gì sắp tới?
Sau khi trở về từ đấu trường Olympic, với những bài học và kinh nghiệm tích lũy được, Đương đặt mục tiêu sẽ giành HC vàng tại SEA Games 31 sẽ được tổ chức ở Việt Nam, cũng như thi đấu thật tốt tại đấu trường Asian Games 2022.
Xin cảm ơn Đương về cuộc trò chuyện!
Chúng tôi chân thành gửi lời cảm ơn đến đơn vị tài trợ chính “NovaWorld Phan Thiet" đã đồng hành cùng chương trình The Champion - Nhà vô địch.
The Champion - Nhà Vô Địch 2021 lên sóng vào lúc 21g15 thứ Bảy hàng tuần trên kênh VTV3 và 21g45 trên kênh YouTube Viva Network.