Bầu Hiển có thể gọi là "đại gia" săn Cúp ở V.League. Từ Quảng Nam đến Đà Nẵng, Hà Nội FC đều trở thành nhà vô địch giải đấu số 1 Việt Nam, đây cũng là các đội bóng liên quan đến bầu Hiển.
Tuy nhiên, ông chủ Hà Thành vẫn phải "ngước nhìn" cách làm bóng đá của bầu Đức nếu nhìn sòng phẳng về tính chuyên nghiệp. Hà Nội FC, Đà Nẵng, Quảng Nam, Sài Gòn FC, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh... đều sử dụng phần lớn cầu thủ trẻ được "tặng" từ PVF, lò Gia Lâm (thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội).
Từ Quang Hải đến Đình Trọng, Duy Mạnh, Hùng Dũng, Đức Huy đều được sản sinh từ lò Gia Lâm, sau đó họ cho CLB Hà Nội. Hà Đức Chinh, Bùi Tiến Dụng... là cầu thủ của PVF.
Có thể nói rằng, bầu Hiển may mắn khi được cho những cầu thủ giỏi. Những cá nhân nêu trên cũng góp phần lớn tạo ra sức hút cho Hà Nội FC.
Ngược lại, bầu Đức tạo ra bản sắc riêng trong cách làm bóng đá chuyên nghiệp với Học viện HAGL - JMG. Ông chủ phố Núi cũng là người mở đường cho sự phát triển về đào tạo trẻ của bóng đá Việt Nam.
Sau Học viện HAGL, PVF, VIettel, Học viện Juventus... đồng loạt ra đời, qua đó góp phần giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển. Đó cũng là tiền đề để mở ra sự thành công lớn lao dưới thời HLV Park Hang Seo. Câu chuyện này cũng được truyền thông quốc tế nhắc đến rất nhiều, trong đó bầu Đức được nhắc đến như "người hùng thầm lặng".
Có nhiều cách để làm bóng đá chuyên nghiệp, một số ông chủ có thể chọn con đường thành công khi bỏ tiền mua nhiều ngôi sao, hay đánh bóng tên tuổi với việc mua về những cầu thủ hết thời, sau đó đưa về Việt Nam thi đấu. Nhưng bầu Đức chọn một hành trình dài và tâm huyết với Học viện HAGL.
Bây giờ, một điều có thể thấy rất rõ là HAGL của bầu Đức thừa quân để cho nhiều đội bóng mượn. Họ sẽ còn có thêm rất nhiều cầu thủ trẻ trong tương lai. Nhưng Hà Nội FC của bầu Hiển vẫn đang được Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, hay PVF cho quân.
Cũng trên con đường làm bóng đá, bầu Hiển thường xuyên có những cuộc chuyển giao đội bóng. Gần nhất, bầu Hiển tặng đội U21 cho CLB Phú Thọ. Trước đó, đội B của Hà Nội FC lên V.League và chuyển giao sang Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ngược về quá khứ, CLB Hà Nội đổi tên thành Sài Gòn FC. Những cầu thủ quan trọng nhất đều được sản sinh từ công lao đào tạo của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ví dụ như Đình Trọng, Văn Thuận...
Một HLV trẻ thuộc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết rằng, phần lớn lứa cầu thủ của đội Hà Nội (sau chuyển thành Hồng Lĩnh Hà Tĩnh) là do "lò" Gia Lâm đào tạo. Tức Hà Nội FC của bầu Hiển được tặng, sau đó lại chuyển giao đi nơi khác.
Trong khi đó, bầu Đức xác định mục tiêu quan trọng nhất: Cầu thủ HAGL đào tạo ra để cống hiến cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Bầu Đức chấp nhận đẩy đi nhiều cầu thủ lớn, qua đó giúp lứa Công Phượng có đất diễn ở V.League để trưởng thành.
Cùng làm bóng đá chuyên nghiệp nhưng rõ ràng bầu Đức và bầu Hiển có cách làm đối nghịch nhau. Một người liên quan đến các đội bóng, có ảnh hưởng nhất định để giành những chiếc Cúp ở V.League nhưng không có dấu ấn lớn trong đào tạo trẻ, thậm chí là Hà Nội FC không được dự AFC Cup 2020 vì thiếu đội U15 thi đấu ở U15 Quốc gia. Một người không cần danh hiệu, quyết tâm làm đào tạo trẻ một cách bài bản nhất và tạo ra sự ảnh hưởng rất lớn trong sự thành công chung của bóng đá Việt Nam.
Bóng đá cần thành tích nhưng danh hiệu chưa phải là thước đo quan trọng nhất để người hâm mộ ngợi ca và ghi nhận sự đóng góp của các ông bầu làm bóng đá. Thiết thực nhất là, bầu Hiển đang thành công với nhiều Cúp nhưng khán giả chọn cách cảm ơn bầu Đức.