Tại cuộc họp Hội đồng quản trị VPF, bầu Tú đứng dậy xin nghỉ ghế Tổng giám đốc nhưng chỉ có 1 phiếu trắng, còn lại không cho ông Tú nghỉ.
Theo đó, bầu Tú nói với báo chí trong cuộc họp báo rằng: “Chức danh mà tôi lo lắng, hao tổn sức lực nhất là Tổng giám đốc VPF. Không phải vì báo chí hay những người khác gây sức ép mà tôi có ý định từ bỏ vị trí Tổng giám đốc”.
Hơn hết, bầu Tú nói về việc HAGL có thể nghỉ bóng đá với những tuyên bố từ bầu Đức: “Tôi tiếp tục mà người khác bỏ giải thì không phải lỗi của tôi. Về mặt chuyên môn nhờ anh Nguyễn Minh Ngọc - phó Tổng giám đốc VPF trả lời”.
Trong khi đó, phó Tổng giám đốc VPF - ông Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: “Trong giải có nhiều tình huống xảy ra và VPF luôn có phương án để chuẩn bị. Năm 2014, giải đang diễn ra và CLB Ninh Bình xin rút khỏi giải. Khi ấy, VPF cũng sắp xếp phù hợp khi có CLB xin rút”.
Như vậy, VPF sẵn sàng cho việc HAGL có bỏ V.League hay không. Nếu bỏ thì VPF cũng không có gì phải lo lắng vì chuẩn bị mọi thứ để đối phó.
Trả lời báo chí về việc mua xe, ông Trần Anh Tú cho rằng việc mua xe là bình thường, điều này nằm trong hoạt động của VPF. Lý do ký để mua xe là do văn phòng đề xuất, điều này nằm trong quy chế tài chính. Chiếc xe này phục vụ cho phó Chủ tịch Hội đồng quản trị - Trần Mạnh Hùng.
Nhắc lại, bầu Đức tuyên bố sẽ bỏ bóng đá nếu bầu Tú kiêm nhiệm nhiều ghế ở VPF. Bầu Đức có nhất 3 lần nói với báo chí và khẳng định luôn HAGL có sẵn lộ trình để rút dần khỏi bóng đá Việt Nam trong trường hợp ông Tú không buông các ghế ở VPF.
Bầu Đức nói rằng: “Không chỉ VFF, tôi phản ứng anh Tú cả ở vai trò VPF. Cá nhân tôi phản đối cho bằng được việc đưa anh Tú vào chức phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính cũng như trước đó là một loạt chức vụ tại VPF. Tôi là chủ tịch một CLB, là một thành viên VPF, tôi không bao giờ cho anh Tú kiêm nhiệm 3 chức vụ Chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc VPF và trưởng Ban điều hành giải V-League như thế.
Rõ ràng và khách quan, xã hội nhìn vào sẽ thấy VPF giờ chẳng khác nào công ty gia đình chứ không phải tổ chức xã hội của nhiều người nữa. Bản thân tôi và CLB HAGL không cho phép chuyện đó.
Tôi lấy danh dự tuyên bố với một câu, nếu việc này không thay đổi, tôi sẽ bỏ bóng đá, không bao giờ làm nữa. Tôi không thiếu tiền để chơi bóng đá, nhưng tôi không thể ở lại trong một tổ chức lộn xộn như thế này được.
Không thể có chuyện anh kiêm nhiệm 3 chức vụ quyền lực nhất VPF, rồi bây giờ nhảy qua kiêm luôn cả chức phó chủ tịch VFF nữa, như vậy toàn bộ quyền lực nằm ở trong tay anh hết, trong khi anh Tú lại là ngoại đạo về bóng đá, không đóng góp gì cho bóng đá hết, chỉ có futsal thôi.
Vậy mà anh thâu tóm tất cả trong vòng 1 năm, toàn bộ các vị trí chủ chốt của bóng đá Việt Nam đều giao hết cho anh ấy, đó là điều không thể chấp nhận được”.
Bầu Thắng cũng thẳng thắn nói với Saostar: “Tôi sẽ không tài trợ cho Long An, nếu Hội đồng quản trị xài tiền không đúng mục đích”. Cụ thể, ông Thắng cho rằng các thành viên ở Hội đồng quản trị không được xài tiền của cổ đông. Ví dụ trường hợp mua xe giá 1 tỷ 180 triệu của VPF thời bầu Tú là không đúng.
Xét trong các trường hợp cụ thể, với uy tín của bầu Đức và bầu Thắng chắc chắn không có chuyện nói để vui. Khả năng lớn là hai ông bầu này sẽ có câu trả lời ngày 12/4 trong cuộc gặp mặt với bầu Tú, theo danh nghĩa “bữa cơm thân mật” của bóng đá Việt Nam.
Về kế hoạch của HAGL, bầu Đức có khả năng đưa các cầu thủ đi nước ngoài thi đấu, hoặc cho lứa Công Phượng về quê như tuyên bố ban đầu. Tất nhiên, đội bóng của bầu Đức chỉ có thể sớm thực hiện điều này trong trường hợp thương thảo xong các điều kiện với nhà tài trợ chính.
Trường hợp của bầu Thắng thì đơn giản hơn bầu Đức, ông Võ Quốc Thắng chỉ cần cắt hợp đồng với Long An trước khi giải hạng Nhất 2018 khởi tranh. Điều này cũng đồng nghĩa là CLB Long An bị “đem bỏ chợ”.
Ngay từ lúc này, người hâm mộ Việt Nam có thể đứng trước viễn cảnh không còn thấy hai đội bóng nổi tiếng là HAGL và Long An ở giải chuyên nghiệp, nếu như bầu Đức và bầu Thắng quyết hành động vì chữ tín và danh dự theo kiểu “một lời nói ra, bốn ngựa đuổi không kịp”.