Cách đây vài ngày, một HLV V.League đăng đàn trên mạng xã hội rằng: “Em xin phép mấy anh không phải BHL (ban huấn luyện) thì đừng xen vào chuyên môn của em nữa. Em mệt mỏi với mấy anh lắm rồi”.
Một dòng trạng thái vài chục chữ này trở thành chủ đề cho người hâm mộ bóng đá và truyền thông quan tâm. Điều đó chắc chắn làm ảnh hưởng đến hình ảnh đội bóng này ở V.League. Khi suy nghĩ tiêu cực thì vị HLV này bị người khác can thiệp vào chuyên môn. Có ý kiến nhận định đội bóng sa sút, thành tích không tốt vì lãnh đạo CLB “phá” HLV.
Chưa bàn đến bản chất sự việc nhưng có thể thấy HLV thiếu chuyên nghiệp, thiếu ý thức xây dựng hình ảnh đội bóng. HLV đăng đàn như thế thì không thể làm gương cho các cầu thủ về văn hoá ứng xử trong bóng đá. Sau này, các cầu thủ lên mạng xã hội “phát ngôn” về đội bóng, về chiến thuật, về nội bộ… thì HLV làm sao trách phạt cầu thủ? Tất cả sẽ mất kiểm soát và đội bóng trở thành “cái chợ”.
Ở V.League, CLB HAGL rất đặc biệt về chuyện phát ngôn. Bầu Đức đặt ra quy định cụ thể cho đội bóng về chuyện trả lời truyền thông, hay đăng đàn lên mạng xã hội. Ngay cả lãnh đạo CLB HAGL cũng không được tuỳ tiện phát biểu nếu điều đó ảnh hưởng đến hình ảnh chung của đội bóng.
HLV Kiatisuk là một trường hợp cụ thể. Ông chưa bao giờ có một trạng thái gì về chuyên môn hay nội bộ của đội bóng, dù trong giai đoạn thăng hoa hay sa sút. Kiatisuk chỉ tập trung vào chuyên môn để cải thiện mọi thứ. Kiatisuk chính là tấm gương về sự chuyên nghiệp, là hình mẫu để các học trò noi theo.
Không phải ngẫu nhiên mà CLB HAGL thay đổi thay từng ngày và càng ngày càng đẹp. Đội bóng phố núi cũng từng có cảnh thành viên ban lãnh đạo chạy vào sân vì bức xúc trọng tài, cầu thủ phản ứng trọng tài… Nhưng sau một chuyện xảy ra thì bầu Đức bắt thay đổi, cấm tái diễn, thậm chí phạt rất nặng với cầu thủ đá xấu xí. Tăng Tiến từng bị phạt nội bộ đến hết lượt đi V.League 2018 là ví dụ. Bầu Đức sẵn sàng thanh lý hợp đồng với bất cứ cầu thủ nào, kể cả là Xuân Trường, Công Phượng, Văn Toàn nếu có hành vi xấu xí.
Bầu Đức hiểu rõ phạm lỗi trong bóng đá là bình thường, phản ứng trọng tài cũng như thế. Ông rất thương và chăm lo từng chút cho các cầu thủ nhưng cấm triệt để về hành vi, tư tưởng xấu xí. Tức tình thương và sự tử tế phải đi đôi với tính kỷ luật, sự nghiêm khắc để giữ gìn thương hiệu, xây dựng văn hoá đẹp cho CLB HAGL.
Trong một đội bóng, mỗi thành viên là đại diện hình ảnh cho CLB chứ không chỉ riêng HLV, cầu thủ, ban lãnh đạo. Sự kỷ luật sẽ tạo ra tính chuyên nghiệp, ý thức giữ gìn hình ảnh cho CLB.
Nhìn vào bức tranh chung của V.League, chúng ta sẽ thấy có những câu chuyện thiếu chuyên nghiệp cần thay đổi. Các cầu thủ có thói quen lên mạng xã hội bày tỏ quan điểm, hay đăng đàn về đội bóng để đòi hỏi quyền lợi. Một ông chủ tịch có thể quên mất vai trò để bức xúc với trọng tài. Các HLV, cầu thủ sẽ hùa nhau “quay” trọng tài…
Văn hoá bóng đá thực sự rất quan trọng với mọi đội bóng. Có những cái sai cần phải sửa và hình thành dần ý thức về sự chuyên nghiệp, tinh thần fair-play theo từng ngày. Nếu không thay đổi sẽ thành thói quen, thậm chí bị gán cho thương hiệu không mong muốn với một đội bóng.
Ngược lại, một đội bóng được quán triệt với tư tưởng đúng, chịu thay đổi cái sai từng ngày thì càng ngày càng hoàn thiện. Văn hoá bóng đá của CLB HAGL cũng đến từ sự quyết liệt của bầu Đức trong nhiều năm liền theo đuổi bóng đá đẹp và tử tế với người hâm mộ.
Với bóng đá Việt Nam, một phông văn hoá đẹp và chuyên nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng, bởi còn tồn tại nhiều vấn đề nan giải làm ảnh hưởng bộ mặt chung ở sân chơi V.League.