Luật bàn thắng sân khách bắt đầu được áp dụng kể từ mùa giải 1965-66, ở giải Winners Cup. Luật này quy định, trong trường hợp hai câu lạc bộ hòa nhau sau hai lượt trận, đội nào ghi nhiều bàn thắng trên sân khách hơn, bao gồm cả thời gian hiệp phụ của trận lượt về, sẽ giành vé đi tiếp.
Mục đích ban đầu của luật này là nhằm khuyến khích các đội bóng chơi tấn công nhiều hơn để gia tăng số lượng bàn thắng.
Từ đó đến nay, luật bàn thắng sân khách luôn gắn liền với các giải đấu của UEFA cấp câu lạc bộ. Nhưng bóng đá ngày càng có nhiều sự thay đổi, luật lệ này nhiều lần trở thành chủ đề gây tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng nó không còn phù hợp với bóng đá hiện đại và bị đánh giá là thiếu tính công bằng.
Sau thời gian cân nhắc, UEFA mới đây đã đưa ra quyết định cuối cùng về vấn đề trên. Theo đó, kể từ mùa giải 2021/22, luật bàn thắng sân khách sẽ bị hủy bỏ ở các giải đấu châu Âu cấp câu lạc bộ.
“Luật bàn thắng sân khách sẽ không còn áp dụng tại các giải đấu cấp câu lạc bộ trực thuộc UEFA kể từ mùa 2021-22. Trong các trận đấu, hai đội ghi số bàn bằng nhau sau 2 lượt trận sẽ tiếp tục thi đấu thêm hiệp phụ, mỗi hiệp kéo dài 15 phút. Sau đó, nếu vẫn bất phân thắng bại, 2 đội sẽ tiến hành đá luân lưu để phân định thắng thua”, trang chủ UEFA thông báo.
Theo thống kê, kể từ những năm 1970 tới nay, khoảng cách giữa chiến thắng sân khách và sân nhà ở Cúp châu Âu đã bị thu hẹp (từ 61%/19% xuống 47%/30%). Số bàn thắng trung bình sân nhà/khách cũng giảm mạnh (từ 2,02/0,95 xuống 1,58/1,15). Cân nhắc nhiều yếu tố, UEFA đã quyết định bỏ điều luật này để tăng tính hấp dẫn cho các trận đấu.
Ở Champions League mùa 2020/21, Bayern Munich và Juventus là những "nạn nhân" tiêu biểu của luật bàn thắng sân khách.
Ở vòng tứ kết, Bayern Munich thua 2-3 trước PSG trên sân nhà Allianz Arena ở lượt đi và thắng 1-0 tại Paris ở lượt về nhưng vẫn bị loại. Trong khi đó, Juventus thua 1-2 trước Porto ở Bồ Đào Nha và thắng 3-2 ở trận lượt về tại Turin. Tuy nhiên, Ronaldo cùng các đồng đội vẫn phải dừng bước ở vòng knock-out đầu tiên.