Theo thông tin mới nhất, Tuấn Anh khả năng phải lên bàn mổ lần thứ 3 trong sự nghiệp. Đây thực sự là nỗi ám ảnh quá lớn với “Nhô” (biệt danh của Tuấn Anh), vì điều này xảy ra thì đồng nghĩa Tuấn Anh khép lại V.League 2018 bởi cần khoảng nửa năm để lành lặn chấn thương.
Cụ thể, Tuấn Anh được chẩn đoán rạn sụn lồi cầu ngoài khớp gối phải, phù nề dây chằng chéo trước, phù nề trước sụn chêm ngoài, tổn thương gân cơ kheo… Thế nên, bác sỹ Choi Joo Yong (người từng điều trị cho Park Ji Sung) khuyên tiền vệ người Thái Bình nên mổ để chữa dứt điểm chấn thương.
Ám ảnh vì chấn thương liên tục kể từ ngày theo đuổi niềm đam mê bóng đá, Tuấn Anh vẫn chưa quyết định có lên bàn mổ lần thứ 3 hay không. Một lý do có thể hiểu được vì “Nhô” vừa trở lại thi đấu sau một thời gian dài bị chấn thương hành hạ. Tuấn Anh giống như “chim sợ cành cong” vì từng trải qua 2 lần phẫu thuật, sợ cảnh ngồi chơi xơi nước nhiều tháng như trong quá khứ.
Tuấn Anh sẽ mổ hay không? Có lẽ phải chờ thêm vài ngày tới để biết chính xác nhưng gần như khó có sự chọn lựa thứ 2 cho tiền vệ người Thái Bình. Bởi “Nhô” cần phẫu thuật để dứt điểm chấn thương, thay vì điều trị phục hồi để ra sân trong bối cảnh “tai họa” có thể ập đến bất kỳ lúc nào.
Bóng đá với Tuấn Anh thực sự nghiệt ngã đến mức gọn là “bạc phận”. Cựu quả bóng đá nữ Việt Nam - Đỗ Thị Ngọc Trâm “khóc” cho người đàn em rằng: “Theo dõi chặng đường em đi, tôi như thấy hình ảnh mình ở đó. Thương em vô cùng.
Ai từng trải qua sự nghiệp quần đùi áo số và trải qua quãng thời gian khủng hoảng về chấn thương thì mới thấu hiểu được những giọt nước mắt của em, nhìn đồng đội thi đấu trên sân mà em đã khóc. Nước mắt đàn ông không dễ để rơi vậy mà họ đã khóc dù biết rằng triệu ánh mắt đang dồn về mình.
Có lẽ em sẽ nghĩ sao cuộc sống thật bất công với em, số phận thật nghiệt ngã với em, sao cứ bắt em phải chịu đựng hết chấn thương này đến chấn thương khác”.
Thế nhưng, bỏ qua khía cạnh kiểu “trời kêu ai nấy dạ”, hay đen đủi hơn các cầu thủ khác, Tuấn Anh liên tiếp dính chấn thương cũng một phần đến từ “chấn thương kiểu Việt Nam”. Đó là chuyện điều kiện sân bãi kém chất lượng, nhiều sân vận động ở V.League chẳng khác nào… mặt sân ruộng. HAGL phản ánh sân Lạch Tray xấu là ví dụ.
Bên cạnh đó, V.League là sân chơi từ xưa đến nay nổi tiếng với chuyện đá láo, đá xấu. Muôn màu chấn thương của các cầu thủ thì phần lớn nghỉ dài hạn là bị ăn đòn từ các pha vào bóng thô bạo từ các đồng nghiệp.
Xét riêng trường hợp của Tuấn Anh, hệ lụy ấy không chỉ đơn thuần là các yếu tố nêu trên mà đến từ chuyện điều trị kiểu bóng đá Việt Nam. “Nhô” luôn rơi vào cảnh vừa phục hồi đã cho vào sân thi đấu. Điều này khiến cho tiền vệ người Thái Bình trở thành “nạn nhân” của chính mình.
Hồi năm ngoái, Tuấn Anh phẫu thuật đầu gối ở Singapore và trở lại HAGL tập phục hồi. Mức độ chấn thương chỉ bình phục vào khoảng 70-80% thì “Nhô” đã ra sân thi đấu, với việc được gọi lên ĐTQG đá trận giao hữu gặp U20 Argentina. Một điều rất bất cập khi một cầu thủ nghỉ hơn 6 tháng, không đá ở V.League nhưng gọi lên ĐTQG để đá giao hữu trong bối cảnh giáo án phục hồi chưa thực hiện xong.
Hệ lụy nhãn tiền là sau SEA Games 29 thì Tuấn Anh tiếp tục chống chọi với các chấn thương khác nhau, lỡ hẹn VCK U23 châu Á 2018 một cách đáng tiếc.
Từ trường hợp của Tuấn Anh, tôi chợt nhớ về chuyện Công Vinh từng bị đứt dây chằng nhưng đá đến hết sự nghiệp vẫn không bao giờ tái phát. Công Vinh cho biết chấn bị đứt dây chằng phục hồi 100% và đá khỏe như ngày xưa. Nguyên nhân là Vinh phục hồi chấn thương xong nhưng không vội ra sân thi đấu mà chấp nhận ngồi ngoài đến hết năm, mục đích là để đầu gối đạt trạng thái khỏe mạnh nhất.
Vậy nên, Tuấn Anh thuộc mẫu cầu thủ phẫu thuật ở nước ngoài, còn chấn thương kiểu Việt Nam. Tất cả đến từ sự thiếu chuyên nghiệp, chủ quan cũng như cầu thủ không được giữ gìn đôi chân tốt nhất trong tình trạng trước và sau chấn thương.