Những ngày qua, chuyện Vũ Văn Thanh bị đứt dây chằng được xem là thông tin nóng nhất làng bóng đá Việt. Trong đó, câu chuyện y tế trong bóng đá thêm một lần được mổ xẻ với việc hậu vệ người Hải Dương chỉ được phát hiện đứt dây chằng sau cuộc tái khám ở TP.HCM.
Sự yếu kém về y tế ở bóng đá Việt Nam vốn dĩ là câu chuyện tồn tại từ rất lâu nhưng hầu hết đều chưa bao giờ có một sự đầu tư nghiêm túc để cải thiện. Thế nên, các đội bóng ở V.League vẫn hay bị “hớ” một cách khó tin khi ký hợp đồng với các ngoại binh.
Năm 2016, làng bóng đá Việt từng xôn xao với chuyện CLB Đồng Tháp ký hợp đồng với Vua phá lưới giải đấu cao nhất của Indonesia - Udo Fortune. Bản hợp đồng có phí lót tay 25 nghìn USD và lương 70 triệu đồng/tháng. Dẫu vậy, chỉ sau 1 vòng đấu thì Đồng Tháp đã bất ngờ thanh lý hợp đồng với Udo Fortune.
Hồi đó, tôi có hỏi GĐĐH CLB Đồng Tháp, ông Phạm Hữu Phước về chuyện kỳ lạ này. Ông Phước nói: “Udo Fortune đã bị chấn thương rất nặng là đứt toàn bộ dây chằng chéo trước và sụn chêm bị có vấn đề trước khi ký với Đồng Tháp.
Trong trận đấu với SHB.Đà Nẵng thì chúng tôi thấy cầu thủ này di chuyển khá kỳ lạ và tiến hành khám sức khỏe cho cầu thủ này tại TP.HCM đã phát hiện ra sự thật. Thế nên Đồng Tháp sẽ thanh lý hợp đồng với Udo Fortune”.
Có thể hiểu là Đồng Tháp đã bỏ qua quá trình kiểm tra y tế với Udo Fortune và mọi thứ chỉ được bác sỹ của đội bóng xem qua. Thế nên, đội chủ sân Cao Lãnh bị chân sút này lừa ký hợp đồng trong tình trạng đã đứt dây chằng và gần như chỉ đứng trên sân khi đá với CLB Đà Nẵng.
Cũng trong năm 2016, tôi từng trò chuyện với một bác sỹ thể thao có tiếng ở TP.HCM. Vị bác sỹ này cho biết cầu thủ nhập tịch Lê Văn Tân đã đứt dây chằng trong 6 năm qua. Chuyện của Lê Văn Tân chỉ vỡ ra khi CLB Long An kiểm tra y tế và quyết định thòng vào bản hợp đồng với điều kiện nếu dính thương ở dây chằng bị đứt thì họ không đền bù, qua đó thanh lý.
Bóng đá Việt Nam có đủ các chuyện kỳ lạ về việc ký hợp đồng với ngoại binh, sau đó mới phát hiện ra các chấn thương hay bệnh tim… “Ván đóng thuyền xong”, các đội bóng mới “té ngửa” và thanh lý hợp đồng. Cũng không ít trường hợp bị chuẩn đoán sai nên CLB thanh lý, sau đó ngoại binh vẫn thi đấu tốt ở một giải vô địch quốc gia khác.
Một HLV nổi tiếng ở V.League khẳng định với tôi rằng: “Việt Nam chưa có bác sỹ thể thao đúng nghĩa. Họ có trình độ không cao nên chuẩn đoán và điều trị không tốt”.
Thực tế, chuyện các đội bóng ở V.League có được bác sỹ giỏi để chăm sóc cho cầu thủ là thuộc diện rất hiếm. Gần nhất, CLB TP.HCM đã mời 1 bác sỹ trẻ ở ĐTQG về phục vụ cho các cầu thủ. Nguyên nhân là đội bóng này có người am hiểu về vấn đề y tế của bóng đá Việt Nam nên nhất định phải có bác sỹ giỏi phục vụ cho đội.
Chuyện y tế chưa được đầu tư và nhìn nhận đúng mức không chỉ gây ra những thiệt thòi lớn cho chính CLB (ví dụ như Đồng Tháp mất tiền vì ký ngoại binh hỏng đầu gối) mà còn xảy ra nhiều hệ lụy lớn với các cầu thủ. Một câu chuyện không mới nhưng hướng giải quyết thì thực sự nan giải.