Ở khán đài A, bầu Đức và nhiều khán giả vỗ tay tán thưởng. Tất cả cùng chúc mừng HAGL có bàn thắng mở tỷ số. Một bầu không khí quen thuộc là sự sôi động trên sân Pleiku, các tràng pháo tay không ngớt để cổ vũ cho các chàng trai phố núi.
Bốn trận thắng liên tiếp đang giúp cho HAGL có thêm nhiều khán giả đến sân Pleiku. Lượng khán giả đến sân đang tăng theo từng trận đấu của đội bóng phố núi. Nhưng HAGL có đón khán giả kín sân Pleiku thì hình ảnh này cũng không mới. Họ thường tạo ra cảnh "vỡ" sân, hàng nghìn người phải theo dõi qua màn hình LED ở ngoài sân...
Tuy nhiên, khán giả có ngồi kín sân Pleiku trong mọi trận đấu thì HAGL cũng thu về được vài tỷ tiền vé trong cả mùa. Tính trung bình mỗi trận đấu thì HAGL kiếm được tiền vé không bằng tiền thưởng cho một trận thắng. Hầu hết đội bóng ở V.League có khung thưởng mỗi trận là 400 - 500 triệu đồng/trận thắng. Đây là bài toán thu - chi mà nhiều CLB cần phải suy ngẫm.
Một trong những nghịch lý lớn dành cho CLB HAGL là người hâm mộ mong muốn đội bóng tốt nhưng yêu theo kiểu... đăng trạng thái trên mạng xã hội. Một CĐV yêu đội bóng là không chỉ đến sân cổ vũ mà còn dùng sản phẩm của CLB, tức góp phần cho đội nhà kinh doanh tốt.
CLB Buriram - "gã nhà giàu" của bóng đá Thái Lan là ví dụ điển hình để thấy bóng đá sinh ra nhiều tiền, góp phần phát triển xã hội. Trong quá khứ, PEA FC là đội bóng đá của Cơ quan Điện lực tỉnh, ông Newin Chidchob tiếp quản vào tháng 12 năm 2009. Ông đưa đội bóng này đến Buriram và đổi tên thành CLB Buriram PEA, tiếp tục đổi tên thành Buriram United vào năm 2012.
Có nghĩa CLB Buriram chỉ bắt đầu thay đổi mọi thứ vào năm 2010. Buriram United đã mở học viện đào tạo trẻ đầu tiên vào năm 2011. Về khán giả, Buriram là đội bóng ở Đông Bắc của Thái Lan nên có lực lượng phần lớn CĐV nông thôn. Kình địch của Buriram là Muangthong United - đội bóng có lực lượng CĐV thuộc tầng lớp giàu.
Đội ngũ lãnh đạo Buriram rất giỏi trong quá trình kinh doanh bóng đá. Họ có 2 năm để ổn định, xây Học viện và thay đổi thương hiệu từ PEA FC thành Buriram United. Doanh số từ năm 2013 bắt đầu tăng lên chóng mặt.
Lấy cột mốc từ năm 2013 đến 2016 để thấy được Buriram giỏi như thế nào: 300 triệu baht (2013), 464 triệu baht (2014), 585 triệu baht (2015) và 805 triệu baht (2016). Tính ra số tiền mà Buriram thu về ở thời điểm năm 2016 là gần 700 tỷ đồng, và có khoản lãi vào mức gần 600 tỷ đồng. Địa phương phát triển nhờ CLB Buriram với nền kinh tế thu về 4-5 tỷ baht.
Doanh thu của Buriram đến từ tiền bán vé, vật phẩm lưu niệm, tiền tài trợ - quảng cáo và bản quyền truyền hình. Vấn đề tiền bán vé thấp hơn so với tiền bán đồ lưu niệm của Buriram, như năm 2016 có 44,7 triệu baht tiền bán đồ lưu niệm và 19,8 triệu tiền vé.
Câu chuyện của Buriram không chỉ nằm ở thành tích tốt mà họ giỏi trong việc phát triển thương hiệu bóng đá. Họ biết cách quản lý "tài sản" là người hâm mộ yêu đội bóng và nhân rộng lên để kinh doanh với nhiều loại hình khác nhau. Hình ảnh CĐV mặc áo Buriram ngồi phủ kín sân là minh chứng.
Về kinh doanh, CĐV Buriram dùng sản phẩm của CLB, nhà tài trợ của CLB. Ví dụ CĐV Buriram uống bia Chang (nhà tài trợ của Buriram) thay vì uống một loại bia nổi tiếng khác. Họ mua áo chính hãng của CLB để đến sân... Tức CĐV Buriram có ý thức dùng đồ của CLB để ủng hộ cho đội nhà phát triển. Một câu chuyện nghe rất đơn giản nhưng khó làm khi nhìn về V.League nếu thiếu đi các ý tưởng để thực hiện.
Trong bóng đá, tất cả đều có sự liên kết để tạo ra sức mạnh, và phát triển đồng bộ chứ không phải các cầu thủ đoàn kết để chiến thắng. Một nhãn hàng tìm đến nếu đội bóng có nhiều người hâm mộ và thành tích tốt, điều đó đúng nhưng chưa đủ. Đội bóng phải bán được áo đấu, đồ lưu niệm thì tên tuổi nhãn hàng bay xa khắp nơi, tới trực tiếp người hâm mộ, thay vì nghĩ đơn giản chạy quảng cáo trên sân bóng có nhiều khán giả. Một CĐV dùng đồ của CLB thì góp phần tăng doanh số cho doanh nghiệp, nhà tài trợ. Đội bóng sẽ có thêm tiền để mua sắm cầu thủ giỏi và cải thiện thành tích.
Nhìn từ Buriram để thấy nhiều CLB Việt Nam có quyền nghĩ đến chuyện kinh doanh bóng đá khi có nền tảng tốt về người hâm mộ. Chúng ta phải đặt ra câu hỏi rằng: Tại sao người Thái đi sau nhưng làm tốt, còn các CLB Việt Nam không làm được?
Có những điều rất quan trọng trong bóng đá nhưng phần lớn các CLB Việt Nam bỏ qua, thậm chí lãng phí để người khác kinh doanh dù không thuộc CLB. Ví dụ chuyện gìn giữ thương hiệu và nỗ lực kết nối người hâm mộ, giúp họ có đầu mối để liên kết với đội bóng.
Về kinh doanh áo đấu và đồ lưu niệm, không ít đội bóng viện lý do người hâm mộ Việt Nam thích mặc đồ nhái nhưng có bao giờ tự đưa ra những câu hỏi rằng:
Đồ chính hãng của đội bóng liệu có đẹp hơn khi so với đồ nhái?
Nếu là CĐV thì lãnh đạo CLB có bỏ tiền mua đồ đội nhà để mặc hay không?
Một trang phục xấu, một món đồ lưu niệm không có tính thẩm mỹ hay gần gũi với CĐV, các CLB không thể bắt người hâm mộ bỏ tiền túi để mua!
Một CLB không thể kinh doanh và phát triển nếu bỏ qua việc chăm lo người hâm mộ, CĐV của đội bóng, làm tốt hình ảnh đội bóng và cầu thủ trên mọi nền tảng.
Đúng hơn, không ít người điều hành CLB ở V.League chỉ thích làm việc với nhà tài trợ bởi ra tiền lớn và có phần trăm hoa hồng. Còn bán áo hay đồ lưu niệm cho CĐV thì suy nghĩ theo kiểu chỉ nhặt bạc lẻ nên "bỏ xó", không kiểm soát được sự chuyển động xung quanh, hay kế hoạch phát triển. Nên nhớ rằng, các sản phẩm như áo đấu không chỉ tạo ra doanh thu mà còn có mục đích tăng sự thu hút và quảng bá cho doanh nghiệp của CLB, nhà tài trợ...
Ở V.League, HAGL của bầu Đức là đội bóng có nhiều điểm tương đồng nhất với Buriram. HAGL có thương hiệu bóng đá hơn 2 thập kỷ, có hàng triệu người yêu mến trên khắp cả nước, có nhiều cầu thủ giỏi thu hút khán giả và truyền thông. Đội bóng phố núi sẽ làm tốt để trở thành một hình mẫu ở V.League nếu làm quyết liệt và có một kế hoạch đúng về truyền thông lẫn kinh doanh.