Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Tranh cãi chuyện đặt tên đội bóng: Có nên lấy tên theo doanh nghiệp?

Phần lớn các đội bóng Việt Nam đều chọn đặt tên đội bóng theo doanh nghiệp và sự tranh cãi vừa xảy ra với hai đội bóng Vị Trí Vàng Kon Tum và Cung Đình Tháp.

Trả lại nguyên vẹn vì người hâm mộ tỉnh nhà

Hai ngày sau khi CLB Vị Trí Vàng Kon Tum ra mắt và làm lễ xuất quân, một số ý kiến nói về chuyện đội bóng của ông Trần Văn Quỳnh có ba chữ “Vị Trí Vàng” là không hợp lý. Sự tranh luận xảy ra là nên thêm tên doanh nghiệp, hay bỏ ra.

Thực tế, vấn đề này đã được Saostar hỏi Chủ tịch Trần Văn Quỳnh trong ngày làm Lễ ra mắt và xuất quân của CLB Vị Trí Vàng Kon Tum. Saostar đặt câu hỏi: “Tên đội bóng là CLB Vị Trí Vàng Kon Tum nhưng nhiều đội bóng khác chỉ để tên địa phương, ông Trần Văn Quỳnh có giải pháp gì cho tương lai”?

Trước sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum, ông Trần Văn Quỳnh nói: “Thực ra, cá nhân tôi và anh em tập đoàn Vị Trí Vàng không hề muốn đặt cái tên là CLB Vị Trí Vàng Kon Tum. Nhưng do thời điểm thành lập CLB thì Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Trung tâm HLTDTT tỉnh Kon Tum vẫn đang có một đội bóng thi đấu ở giải hạng Nhì (tên là CLB Kon Tum - PV) và rớt hạng. Chúng tôi tránh nhầm lẫn với đội bóng này nên buộc phải đặt tên khác đi bằng cách thêm Vị Trí Vàng phía trước để phân biệt.

Chúng tôi xin hứa là hết mùa bóng năm nay sẽ trả lại cho tỉnh với cái tên: CLB Bóng đá Kon Tum. Vì đội bóng đại diện cho tỉnh Kon Tum và niềm yêu mến của người hâm mộ Kon Tum”.

Trao đổi với Saostar, ông Trần Văn Quỳnh cho biết CLB Vị Trí Vàng Kon Tum đã tổ chức một cuộc thi thiết kế logo cho đội bóng. Đây là logo dành cho CLB Bóng đá Kon Tum để người hâm mộ cả nước nhìn vào hiểu được đội bóng đại diện cho tỉnh Kon Tum, còn tập đoàn Vị Trí Vàng không quảng bá gì trên tên lẫn logo đội bóng.

Tranh cãi chuyện đặt tên đội bóng: Có nên lấy tên theo doanh nghiệp? Ảnh 1
Ông Trần Văn Quỳnh trả lại tên đội bóng cho tỉnh Kon Tum sau mùa bóng 2022 với tên gọi: CLB Bóng đá Kon Tum.

“Làm bóng đá thì ai cũng có tham vọng và mong muốn lên chơi ở V.League nhưng tôi muốn đi chậm, xây thật chắc và chăm lo thật tốt cho đội bóng. Tôi xác định rằng, đội bóng có đá hạng mấy thì nhất định phải làm bóng đá tử tế để đội bóng trở thành niềm tự hào của tỉnh nhà, xây dựng mục tiêu bóng đá đẹp, đá thật, đá trung thực và đá hết mình.

Tôi sẽ chăm lo thật tử tế cho các cầu thủ. Đó là lời hứa của tôi với người hâm mộ và trách nhiệm của bóng đá”, ông Trần Văn Quỳnh nói về mục tiêu làm bóng đá.

Chuyện cũ và trách nhiệm

Thực tế, không chỉ CLB Vị Trí Vàng Kon Tum gây tranh luận mà một đội bóng khác của giải hạng Ba Quốc gia 2022 cũng bị soi. Đó là đội bóng của Đồng Tháp gắn tên doanh nghiệp, sau đó bỏ luôn chữ Đồng Tháp.

Liên đoàn bóng đá Việt Nam thông báo rằng: “Ban tổ chức (BTC) giải chấp thuận cho đội CĐT Đồng Tháp điều chỉnh tên gọi thành Cung Đình Tháp. BTC giải thông báo tới các đội bóng và các thành viên tham dự giải được biết và phối hợp thực hiện”.

Có thể thấy chuyện giữ tên đội bóng của tỉnh hay doanh nghiệp là vấn đề trách nhiệm và ý thức từ các ông chủ vào làm bóng đá. Đúng hay sai thì người hâm mộ địa phương sẽ nhìn nhận, khi đội bóng được xem là niềm tự hào của địa phương nếu lên chơi chuyên nghiệp.

Tranh cãi chuyện đặt tên đội bóng: Có nên lấy tên theo doanh nghiệp? Ảnh 2
Cái tên đội bóng gắn với doanh nghiệp là chuyện cũ, vấn đề đội bóng có làm bài bản, tử tế và tồn tại lâu dài hay không.

Xuyên suốt chiều dài bóng đá Việt Nam, từ các CLB V.League đến giải nữ thì phần lớn đều gắn tên doanh nghiệp. Ngay đến tên giải đấu V.League cũng thay đổi liên tục theo nhà tài trợ. Điển hình là Hà Nội T&T (Hà Nội FC), Hoàng Anh Gia Lai, QNK. Quảng Nam (CLB Quảng Nam), SHB. Đà Nẵng, Topenland Bình Định, Đông Á Thanh Hoá, Becamex Bình Dương, Viettel… 

Tất nhiên, hầu hết doanh nghiệp đều muốn được gắn tên lên đội bóng, thậm chí logo CLB để làm thương hiệu. Vì mỗi năm doanh nghiệp chi rất nhiều tiền để nuôi đội bóng và bóng đá Việt Nam chưa thể sinh lời. Các ông chủ cần quảng bá doanh nghiệp để làm ăn tốt, có tiền nuôi đội bóng sống khoẻ và sống tốt.

Vấn đề ngược lại thuộc về trách nhiệm và sự đóng góp cho bóng đá theo mục đích gì, còn đánh bóng tên tuổi doanh nghiệp là điều khó tránh khỏi trong bóng đá. Nếu làm bóng đá bền vững, bài bản và phát triển lâu dài thì chuyện gắn cái tên doanh nghiệp cần được nhìn nhận đúng và hợp lý. Ví dụ có những đội bóng thay chủ đầu tư thì đổi tên, điều đó trở thành rời cản lớn cho bóng đá địa phương phát triển và thương hiệu tỉnh nhà, khi mỗi lần đổi tên cũng đồng nghĩa khai sinh với cái tên mới.

Tựu trung, cái tên đội bóng là chuyện cũ của bóng đá Việt Nam. Điều quan trọng nhất vẫn là làm thật, làm tử tế và đội bóng phải tồn tại lâu dài.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Cơ hội cho Hoa hậu Ý Nhi