Video tổng hợp những khoảnh khắc vàng của TTVN tại SEA Games 29.
Nguyễn Thị Ánh Viên - Bơi lội
Giành 8 HCV, 2 HCB và phá 3 kỷ lục SEA Games 29, kình ngư quê Cần Thơ tiếp tục là VĐV mang nhiều HCV về nhất cho đoàn thể thao Việt Nam.
Thậm chí nếu thi đấu đúng phong độ, Ánh Viên còn có thể vượt con số huy chương kỷ lục mà cô tạo ra tại SEA Games 29 (cũng 8 HCV). Ngay chính kình ngư sinh năm 1996 cũng bày tỏ việc bản thân chưa thật sự hài lòng với thành tích “khủng” mình có được ở SEA Games năm nay.
Mặc dù vậy, với số lượng huy chương ấn tượng này, Ánh Viên xứng đáng là cái tên xuất sắc nhất của thể thao Việt Nam thi đấu tại Malaysia vừa qua. Cô cũng là người nhận số tiền thưởng cao nhất với khoảng hơn 550 triệu đồng.
Các nội dung giành vàng của Ánh Viên: 100m bơi ngửa, 200m bơi ngửa, 400m tự do, 200m hỗn hợp, 800m tự do, 400m hỗn hợp, 50m bơi ngửa, 200m tự do.
Lê Tú Chinh - Điền kinh
VĐV sinh năm 1997 xứng đáng là người kế thừa danh hiệu “nữ hoàng tốc độ” Đông nam Á với 2 chiếc HCV nội dung 100m và 200m nữ.
Bên cạnh đó, Chinh còn cùng đồng đội xuất sắc vượt qua Thái Lan để giành vàng, phá luôn kỷ lục SEA Games đường chạy 4x100m tiếp sức nữ.
Lập hat-trick vàng tại SEA Games 29 nhưng Tú Chinh khiêm tốn cho rằng bản thân chưa xứng đáng với danh hiệu nữ hoàng tốc độ.
Dương Thúy Vi - Wushu
Cái duyên “mở hàng” của người đẹp Hà thành tiếp tục tỏa sáng rực rỡ khi Thúy Vi là người mang về chiếc huy chương vàng đầu tiên cho thể thao Việt Nam tại SEA Games tại nội dung kiếm thuật nữ.
Tiếp sau đó, Thúy Vi gây sốt khi lấy HCV thứ 2 ở nội dung thương thuật nữ trong điều kiện đang bị cảm sốt hành hạ.
Màn phát biểu sau đó của người đẹp Wushu cũng ấn tượng không kém khi Thúy Vi cho biết sau khi hết SEA Games sẽ về nhà “dùi mài kinh sử” để trả nợ đến…20 môn.
Nguyễn Hữu Kim Sơn - Bơi lội
Chiến thắng của chàng kình ngư mới 15 tuổi tại nội dung 400m hỗn hợp cá nhân làm bất ngờ với cả truyền thông nước nhà lẫn quốc tế. Không chỉ vậy, Sơn còn xuất sắc phá kỷ lục SEA Games.
Đáng nói hơn, nội dung trên không phải sở trường của Sơn khi kình ngư này khi trước đó, Sơn hầu hết chỉ tập thi đấu ở đường đua 1500m.
Có thể nói, chiếc HCV của Sơn là chiếc huy chương lịch sử ở nội dung không được kỳ vọng cao của bơi lội Việt Nam.
Nguyễn Thị Oanh - Điền kinh
Nữ VĐV sinh năm 1995 trước đây vốn là VĐV nội dung 3000m nữ vượt chướng ngại vật và chỉ luyện tập cho nội dung 1500m khoảng 2 tháng trước SEA Games.
Ấy vậy mà bước vào thi đấu, Oanh xuất sắc về nhất ở nội dung vốn có nhiều đối thủ được đánh giá cao hơn mình về sức mạnh.
Không chỉ vậy, cô gái có thân hình nhỏ nhắn tiếp tục “gây bão” khi giành HCV ở nội dung 5000m.
Cảm động và ấn tượng nhất là giây phút Oanh đỡ Phạm Thị Huệ đứng dậy khi thấy đồng đội mình kiệt sức sau khi về đích. Hình ảnh này đã chạm đến trái tim của các khản giả trên sân và của người hâm mộ quê nhà.
Lê Thanh Tùng - Thể dục dụng cụ
Thể dục dụng cụ Việt Nam đang sở hữu một thế hệ đầy tài năng, nổi bật trong số đó chính là Lê Thanh Tùng. VĐV sinh năm 1995 đã đạt được nhiều thành tích nổi bật ở cấp châu lục hay cúp thế giới.
Đến với SEA Games 29, Thanh Tùng tiếp tục phát huy phong độ và mang về 3 tấm HCV cho thể dục Việt Nam ở các nội dung: đồng đội, nhảy chống và xà đơn.
Nếu như ở nội dung nhảy chống, Tùng xuất sắc bảo vệ tấm HCV cách đây 2 năm thì nội dung xà đơn là một bất ngờ lớn khi VĐV này thi đấu xuất thần, vượt qua sự kỳ vọng của ban huấn luyện.
Nguyễn Thị Thật - Xe đạp
Cua-rơ nữ Nguyễn Thị Thật đã khẳng định được vị thế số 1 Đông Nam Á của mình với tấm HCV SEA Games 29 nội dung Criterium (đua nhiều vòng).
Không dừng lại đó, cô tiếp tục thể hiện phong độ xuất sắc bằng việc bảo vệ thành công chiếc HCV nội dung 104km xuất phát đồng hàng nữ.