Tối 25/4, bầu Tú bất ngờ xin rút khỏi danh sách ứng cử chức phó Chủ tịch VFF nhiệm kỳ III. “Ông trùm” Futsal Việt Nam phát biểu trên báo chí rằng: “Kết quả công việc mới là thước đo đánh giá năng lực của mỗi người chứ không phải số chức vụ người đó nắm.
Tôi rời khỏi cuộc tranh cử này vì thấy rằng những tranh cãi xung quanh Đại hội VFF đang tạo ra dư luận không tốt, ảnh hưởng tới hình ảnh những người làm bóng đá Việt Nam.
Quan trọng là cần có ai đó chấm dứt những tranh cãi này để tập trung cho những nhiệm vụ của bóng đá Việt Nam”.
Một vấn đề đặt ra là bầu Tú không tranh cử chức phó Chủ tịch VFF và nếu không lọt vào ủy viên Ban chấp hành VFF nhiệm kỳ sẽ mất quyền đại diện vốn cho Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Điều ấy đồng nghĩa bầu Tú đối diện nguy cơ mất ghế ở VPF.
Cần nhắc, Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng ký đơn đề cử ứng viên vào Hội đồng quản trị VPF vào ngày 30/11/2017. Ba thành viên của VFF được cử sang VPF là ủy viên Thường trực Trần Anh Tú, Tổng thư ký Lê Hoài Anh, phó Tổng thư ký - Đinh Thị Thu Trang.
Đại diện vốn cho VFF ở VPF là 35,4%. Theo đó, bầu Tú ứng cử tại Đại hội cổ đông thường niên VPF vào ngày 3/12/2017 và thắng ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF.
Một quan chức bóng đá Việt Nam cho biết, tương lai của bầu Tú ở VPF phụ thuộc vào ủy viên Ban chấp hành VFF khóa VIII, sau khi ông Tú không tranh cử chức phó Chủ tịch tài chính VFF.
Vị này nói: “Bầu Tú có làm Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF sau Đại hội VFF khóa VIII hay không, điều này sẽ do thường trực VFF quyết định. Thường trực sẽ giao cho ai là người được đại diện vốn ở VPF.
Trong trường hợp anh Tú không còn đại diện vốn của VFF ở VPF thì đương nhiên không còn trong Hội đồng quản trị. Tuy nhiên, anh Tú có thể làm Tổng giám đốc VPF nếu Hội đồng quản trị thấy cần sự đóng góp của anh ấy ở vai trò này”.
Một điều quan trọng khác cũng cần nhắc là bầu Thắng từng không đứng ở tư cách đại diện vốn của VFF nhưng vẫn ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF. Thời điểm ấy, ông Võ Quốc Thắng được các thành viên ở VPF tín nhiệm và chọn làm Chủ tịch VPF.