1. Hãy bỏ qua những tranh cãi về chuyện cho thuê sân Mỹ Đình để nói đến ý nghĩa của một sân vận động với một đội bóng. Điển hình tuyển Indonesia vừa bị Lào cầm quân trên sân nhà.
Indonesia hòa Lào 3-3, kết quả này gây sốc cho đông đảo người hâm mộ Đông Nam Á. Nhưng một chi tiết quan trọng mà ít người quan tâm, đó là trận đấu diễn ra ở sân Manahan với sức chứa 20 nghìn khán giả. Nguyên nhân là "chảo lửa" Gelora Bung Karno tổ chức một sự kiện giải trí nên không kịp đáp ứng tuyển Indonesia đá sân nhà.
Và tuyển Lào đã tạo ra một trận đấu kinh điển nhưng mọi thứ có thể khác nếu tối qua họ phải đá ở dưới sức ép gần 8 vạn khác ở Gelora Bung Karno. Vì việc đá trên sân Manahan và Gelora Bung Karno có sự khác biệt rất lớn với tuyển Indonesia, khi sức nóng của gần 80 nghìn khán giả khác xa 20 nghìn. Bầu không khí cuồng nhiệt của Gelora Bung Karno là nỗi khiếp sợ với nhiều đội tuyển, kể cả tuyển Thái Lan cũng lo sợ khi làm khách trước Indonesia.
2. Xét từ vấn đề tuyển Indonesia giảm sức mạnh về "cầu thủ số 12" trước Lào. Tuyển Việt Nam liệu có thiệt thòi khi đá với Indonesia và Myanmar ở sân Việt Trì (Phú Thọ) do sức chứa chỉ vào khoảng 20 nghìn người?
Chuyện đá trên sân vận động có sức chứa gần 40 nghìn khán giả so với 20 nghìn rõ ràng chênh lệch đến 1/2 số người. Sức ép dành cho tuyển Indonesia khi làm khách trước Việt Nam được suy giảm đáng kể. Đây là thiệt thòi lớn với tuyển Việt Nam khi trận đấu này có tính chất đặc biệt quan trọng ở bảng B và cả hai đội đều phải tận dụng lợi thế nhỏ nhất để giành chiến thắng.
Tính từ bán kết lượt về AFF Cup 2016, tuyển Việt Nam chưa thua trên sân Mỹ Đình ở sân chơi này. Hy vọng tuyển Việt Nam không phải hối tiếc theo kiểu "nếu như", "giá như" sau trận đấu với Indonesia vào ngày 15/12 tới.
3. Bỏ qua câu chuyện sức nóng của "cầu thủ số 12" trên sân khán đài, chuyện tuyển Việt Nam và sân Mỹ Đình có gì để đáng nói?
Đầu tiên, thật buồn cho đông đảo người hâm mộ khi tuyển Việt Nam không thể đá vòng bảng AFF Cup 2024 ở sân vận động quốc gia Mỹ Đình. Vì bàn về sức chứa để phục vục tốt nhất cho người hâm mộ thì cả miền Bắc chỉ có sân vận động quốc gia Mỹ Đình (gần 40 nghìn chỗ ngồi). Và mỗi khi tuyển Việt Nam đá các trận đấu quan trọng thì khán giả cả nước đổ về Hà Nội để cổ vũ. Dòng người về càng đông thì càng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và du lịch. Các trận đấu của đội tuyển quốc gia còn là cơ hội tuyệt vời để quảng bá hình ảnh bóng đá Việt Nam nói riêng và đất nước con người Việt Nam ra quốc tế. Vì bóng đá có sức lan tỏa rất lớn và đội tuyển quốc gia luôn thuận lợi để làm thương hiệu nhờ có nhiều chất liệu đẹp đẽ nhất như niềm tự hào, nỗ lực vượt khó, tinh thần đoàn kết, quyết tâm chiến thắng...
Bây giờ sân Mỹ Đình lại mang đến nỗi trăn trở lớn. Liệu tuyển Việt Nam vào bán kết, chung kết AFF Cup 2024 thì có đá trên sân Mỹ Đình hay không? Trường hợp tổ chức thì sân Mỹ Đình có viết tiếp tranh cãi về chuyện mặt sân bị chê xấu, hay khán đài bị nói dơ bẩn hay không? Đây là vấn đề về trách nhiệm với đội tuyển quốc gia Việt Nam!