Điểm cộng lớn nhất để Indonesia nhận giải Fair-play là hoà Thái Lan 2-2 ở trận chung kết lượt về. Có thể hiểu là Indonesia có tinh thần không bỏ cuộc, chơi hết mình ở giải đấu lần này. Tuy nhiên, điều đó không hẳn chính xác khi họ đá với tư thế chẳng có gì để mất sau thất bại 0-4 ở lượt đi. Một trận đấu có thể nhìn theo hướng khác là đá vì danh dự và tránh thua thảm hại của Indonesia.
Ngược lại, những con số thống kê cho thấy Indonesia là đội bóng chơi xấu xí nhất giải. Indonesia có 143 lần phạm lỗi ở AFF Cup 2020, tức trung bình mỗi trận đấu có đến 18 lần phạm lỗi. Indonesia cũng nhận 13 thẻ vàng, chỉ thua Thái Lan - đội nhận nhiều thẻ vàng nhất (17 lần).
Bốn cầu thủ của Indonesia là Elkan Baggott, Rizki Ridho, Rizky Dwi và Victor Igbonefo vi phạm quy định "bong bóng cách ly" Covid-19. Họ đã bị cấm đá trận chung kết lượt về với Thái Lan.
Ngoài ra, Indonesia chơi xấu xí trước tuyển Việt Nam với lối đá “tử thủ” và không ngần ngại đá láo, phạm lỗi để có 1 điểm. Đó là điểm trừ rất lớn để nói về tinh thần Fair-play của Indonesia.
Ở AFF Cup 2020, đội bóng nhận số thẻ phạt ít nhất là Campuchia (2 thẻ). Dù có số trận ít hơn 4 đội vào bán kết nhưng Campuchia luôn đá tấn công trước mọi đối thủ. Đó là vẻ đẹp của AFF Cup 2020.
Nếu xét 4 đội ở bán kết thì tuyển Việt Nam xứng đáng với giải Fair-play. Thầy trò HLV Park Hang Seo có số thẻ vàng bằng với Singapore (8 thẻ) nhưng không có thẻ đỏ, còn đội chủ nhà bị 3 thẻ đỏ trước Indonesia.
Nói về tinh thần không bỏ cuộc, tuyển Việt Nam thua Thái Lan 0-2 ở bán kết lượt đi, sau đó chơi rất hay ở lượt về. Singapore bị đuổi 2 người vẫn suýt loại Indonesia nếu như trọng tài không mắc sai lầm với bàn thua vì lỗi việt vị.
Tựu trung, Indonesia không xứng đáng cho giải Fair-play của AFF Cup 2020. Giải thưởng này trao cho tuyển Việt Nam thì thuyết phục hơn so với Indonesia.