Chưa có một cuộc họp trực tuyến giữa VPF và các CLB để bàn về việc hoãn giải dài hạn, chỉ có một cuộc thăm dò ý kiến gửi đến 27 đội bóng (14 CLB ở V.League và 13 CLB ở giải hạng Nhất). Chuyện này xảy ra khi có thông tin VPF đề xuất hoãn giải đến tháng 2/2022, trong đó có nhiều đội bức xúc và phản ứng mạnh mẽ.
Chủ tịch CLB Hải Phòng - Văn Trần Hoàn nói thẳng: Nên giải tán VPF và bầu lại vì năng lực điều hành kém.
Bầu Đức (Chủ tịch CLB HAGL) cũng nhận xét VPF không tôn trọng các CLB. Bầu Đức muốn các đội bóng họp lại để cùng được nêu ý kiến, tìm ra giải pháp tốt nhất cho V.League.
Theo bản báo cáo của Ban giám đốc VPF, chỉ có 11/27 CLB đồng ý với phương án của VPF. 8/27 CLB muốn giải tiếp tục nhưng khác với phương án của VPF. 7/27 CLB muốn dừng giải. 1 phiếu không hợp lệ. Tức có 15/27 đội không đồng ý với phương án của VPF.
Một điều quan trọng cần được nhìn nhận sòng phẳng là có đến 6 CLB không trả lời VPF. Và VPF cho rằng không trả lời là đồng ý. Tức 11/27 đội bóng tán thành với phương án của VPF, thực chất chỉ có 5 CLB gửi phiếu và 6 đội không đưa ra ý kiến. Ví dụ bầu Đức từng nói thẳng: "Tôi không bàn đến VPF, kể cả khi họ đã ra thông cáo hôm qua rằng các CLB có quyền nêu ý kiến đến hết ngày 23/7. VPF chỉ là đơn vị thực thi nhiệm vụ tổ chức...".
Với quan điểm trên của ông chủ CLB HAGL, nếu được tính không trả lời là đồng ý thì thật sự khập khiễng. Vì ý tứ của bầu Đức đã quá rõ ràng.
Và cái thiếu từ bản báo cáo của Ban giám đốc VPF: Bao nhiêu CLB ở V.League không đồng ý hoãn giải đến tháng 2/2022?
Câu hỏi này rất quan trọng khi VPF tiếp tục đề xuất hoãn V.League 2021 đến tháng 2/2022. Bởi vấn đề này cần được số đông CLB ở V.league chấp nhận, nói như bầu Đức thì "VPF chỉ là đơn vị thực thi nhiệm vụ tổ chức".
Nên nhớ, nhiều đội bóng ở V.League 2021 công khai muốn dừng giải và không tán thành với phương án của VPF. Ví dụ như Nam Định, Hà Nội FC, Hải Phòng, Bình Dương, Thanh Hoá, Sài Gòn FC, SLNA...
V.League 2021 có 14 đội tham gia và hơn 1/2 số đội không đồng ý với phương án hoãn giải đến tháng 2/2022 của VPF. Với tư thế là đơn vị tổ chức giải, VPF phải tôn trọng và có giải pháp cùng các CLB chứ không phải giữ nguyên đề xuất cũ.
Một lãnh đạo CLB V.League chia sẻ với Saostar là VPF coi ý kiến của các CLB không là gì cả.
Lời chê trách này có lý do để lắng nghe, bởi bản báo cáo của Ban giám đốc VPF được cho là sơ sài, không có phần ý kiến từ các CLB. Còn chuyện hoãn V.League dài hạn sẽ mang đến nhiều vấn đề lớn cho 14 CLB, thậm chí có đội bóng phải rơi vào cảnh "phá sản" nếu không lo nổi về tài chính.
"Các CLB trực tiếp bỏ tiền đào tạo, nuôi dưỡng cầu thủ. Lùi giải nửa năm sẽ gây thiệt hại lớn chứ không đùa đâu. Vì không thi đấu thì không có khán giả, không thể bán vé, không kiếm được tài trợ..., trong khi vẫn phải nuôi cầu thủ, trả lương cho nhân viên. Nhiều CLB sẽ chịu không nổi đâu", bầu Đức nói về chuyện VPF muốn hoãn V.League 2021 đến tháng 2/2022.
Bây giờ có nhiều vấn đề đặt ra như sau:
- Nếu V.League 2021 hoãn như đề xuất của VPF thì số phận của gần 400 cầu thủ sẽ ra sao?
- Nếu hoãn V.League 2021 đến tháng 2/2022 nhưng tới thời điểm đó bóng tiếp tục không thể lăn thì thiệt hại của 14 đội phải làm sao?
- Tại sao nhiều đội (15/27 đội) không tán thành ý tưởng hoãn giải qua năm 2022 nhưng VPF tiếp tục đề xuất cũ?
Nếu chỉ hoãn mà chưa có phương án cho các đội về bài toán kinh phí thì thật nghịch lý, hoặc hoãn rồi mới tính đến giải pháp thì dễ phát sinh tranh cãi lớn. Càng nghịch lý khi nhiều đội không đồng ý hoãn đến tháng 2/2022 nhưng VPF muốn hoãn, đó chẳng khác nào "ép" chơi.
CLB nợ lương nhiều tháng, chờ "cứu"
Đó là tình trạng của CLB Quảng Ninh. Nhiều cầu thủ của đội bóng đất Mỏ đang phải thở dài vì bị nợ tiền. Nhưng họ cũng chỉ biết "kêu trời, kêu đất" trên mạng xã hội, hoặc chia sẻ với truyền thông.
Bây giờ VPF muốn hoãn V.League 2021 đến tháng 2/2022 thì tình cảnh của các cầu thủ Quảng Ninh càng thêm bi đát.