Không ít ý kiến lo ngại cho bóng đá Việt Nam nếu nhìn vào lứa U23 ở hiện tại. Các nhân tố giỏi chưa xuất hiện một cách rõ ràng, thậm chí thiếu sự nổi bật khi nhìn về lứa Công Phượng, Quang Hải.
Những nhân tố được đánh giá cao của U23 Việt Nam gồm Việt Anh, Văn Xuân, Hoàng Anh. Nhưng sự thật là điều khác biệt so với các cầu thủ khác đến từ lý do họ được thi đấu nhiều hơn ở sân chơi V.League. Về tài năng, chúng ta khó đánh giá các cầu thủ này vượt trội so với đồng đội.
Đúng hơn, những cầu thủ trẻ sẽ được đánh giá chính xác khi có nhiều trận đấu ở các cấp độ khác nhau. Trường hợp ít được tạo điều kiện thi đấu ở CLB thì thật khó để có một cái nhìn tổng quan, vì nhiều cầu thủ không xuất sắc ở cấp độ trẻ nhưng càng đá càng hay tại sân chơi chuyên nghiệp. Một trường hợp tiêu biểu là tiền vệ Đỗ Hùng Dũng - QBV Việt Nam năm 2019.
Câu chuyện kể trên không chỉ nói riêng cho bóng đá, đó còn là mẫu số chung trong mọi lĩnh vực. Phần lớn đều cần có môi trường phù hợp và sự trải nghiệm thực tế để phát triển, ngược lại có năng lực nhưng thiếu sự mài giũa thì khó thành tài.
Với bóng đá Việt Nam, chuyện cầu thủ trẻ có cơ hội phát triển hay không thì phụ thuộc rất lớn vào các ông chủ CLB hoặc lò đào tạo. Ví dụ lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường là những trường hợp đặc biệt của bóng đá Việt Nam. Bầu Đức liên tục tạo điều kiện cho thi đấu ở nhiều cấp độ trẻ, các sân chơi giao hữu với những tên tuổi lớn như U19 Roma, U19 Tottenham. Bầu Đức còn có quyết định lịch sử là đưa cả lứa U19 lên đá chính ở V.League mà không cần quan tâm đến chuyện thành tích. Đó là sự may mắn rất lớn của lứa Công Phượng khi có một ông chủ dám nghĩ, dám làm và làm những điều mà phần lớn ý kiến nhận xét là "điên rồ".
Tuy nhiên, quan điểm bóng đá của Việt Nam đang có sự mâu thuẫn lớn, làm cản trở các tài năng phát triển. Điển hình là chúng ta đang ra sức "vắt cạn" tài năng của lứa Công Phượng, Quang Hải mà quên mất sự bồi đắp cho các cầu thủ trẻ tiềm năng. Vấn đề này dễ dàng nhìn thấy qua việc các tuyển thủ phải xuống đá U22, U23 Việt Nam. Các nền bóng đá phát triển không chọn cách đưa các ngôi sao ĐTQG xuống chơi ở cấp độ U, trừ sân chơi Olympic.
Ngoài ra, quá trình tìm kiếm tài năng cho các ĐTQG cần có sự bao quát toàn diện, thay vì chỉ trông chờ vào sân chơi V.League và hạng Nhất. Bởi không phải CLB nào cũng tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ thi đấu. Nòng cốt U23 Việt Nam ở hiện tại là bài học chung cho những người quản lý bóng đá.
Hãy đặt vào một trường hợp cụ thể là Phan Văn Đức, anh được phát hiện từ sân chơi U21 chứ không phải ở V.League. Văn Đức được nhấc lên U23 Việt Nam nhờ chơi hay ở giải U21 và nhanh chóng phát triển tài năng vượt bậc dưới thời HLV Park Hang Seo.
Với U23 Việt Nam, HLV Park Hang Seo đang phụ thuộc quá nhiều vào các cầu thủ ở các CLB chuyên nghiệp mà tạm bỏ quên các tài năng trẻ ở cấp U. Điển hình là Vua phá lưới U19 Quốc gia 2021 - tiền đạo Nguyễn Quốc Việt của Học viện Nutifood. Sự thua thiệt của Quốc Việt là chưa thi đấu ở chuyên nghiệp, nên ông Park và các cộng sự đã bỏ qua.
Thầy của Công Phượng và Văn Toàn - HLV Graechen nói về Quốc Việt: "Văn Toàn cần đến 4 hoặc 5 cơ hội để ghi bàn, còn Quốc Việt thì 1 phát có thể ăn ngay. Đó là lý do Toàn chơi dạt biên, còn Quốc Việt đá trung phong".
Bóng đá Việt Nam không thiếu tài năng, vấn đề là làm cách nào không bỏ sót và phát hiện "các viên ngọc thô" để mài sáng. Ngược lại, ĐTQG và các CLB chuyên nghiệp chạy theo mục tiêu phải có thành tích ở một giải đấu mà bỏ qua sự đầu tư dài hạn thì nhiều tài năng trẻ khó phát triển.