1. Leipzig là đội bóng bị cả nước Đức ghét. Xe buýt của Leipzig từng bị CĐV Cologne chặn. CĐV Dortmund từng từ chối đến Red Bull Arena. Truyền thông Đức gọi Leipzig với cụm từ "đội bóng nhựa" - tức không bền vững, dù đội bóng này đã có những bước tiến thần tốc để vào trong nhóm các đội bóng mạnh nhất ở Bundesliga.
Có hai vấn đề để nói về "đứa con ghẻ" của Bundesliga. Một là cách làm bóng đá đi ngược hoàn toàn công thức chung của bóng đá Đức. Hai là tính bền vững và khán giả.
Liên đoàn bóng đá Đức (DFB) quy định rằng, tất cả CLB phải hoạt động theo quy tắc "50+1". Cụ thể, các thành viên (đa số là người hâm mộ) được sở hữu phần lớn cổ phần, có quyền quyết định những chuyện như giá vé vào sân. Leipzig lách luật để trao quyền cho các thành viên thân thiết của họ. Ví dụ Bayern Munich có đến 300 nghìn hội viên thì Leipzig được vài trăm người. Đây là lý do Leipzig bị cả nước Đức ghét, vì đội bóng phụ thuộc vào nhà tài trợ chính. Tức nhà tài trợ có thể rút ống thở bằng cách thôi đầu tư thì đội bóng sẽ “chết”. Người Đức muốn bóng đá phải xây dựng có tính truyền thống, có giá trị bền vững.
GĐĐH DFL (cơ quan điều hành Bundesliga) Christian Seifert nói rằng: “Chúng tôi bắt đầu từ lợi ích của người hâm mộ. Trên cơ sở đó, chúng tôi tìm các nhà tài trợ và giới truyền thông. Người hâm mộ luôn được đặt lên cao nhất trong mục tiêu phát triển của Bundesliga”.
Khán giả có vị trí đặc biệt cho sự phát triển của bóng đá và bóng đá Đức xếp khán giả đứng số một, bên cạnh đó là truyền thông và tài trợ. Leipzig muốn phát triển thì không chỉ có mỗi tình yêu của khán giả được gói gọn trong thành phố, đội bóng này cần vươn xa ra cả nước Đức và ngoài nước Đức. Rào cản cho Leipzig là phần lớn khán giả Đức phản ứng.
2. Tất nhiên, câu chuyện Leipzig chỉ bị phản ứng ở Đức, còn các nền bóng đá Anh, Ý, Tây Ban Nha... không bị phản ứng. Chelsea, Man United, Arsenal, Liverpool, Man City, hay PSG (Pháp) đều có ông chủ sở hữu và hoạt động theo Luật công bằng tài chính (FFP).
Hiện Liên đoàn bóng đá châu Âu đã thay thế bằng luật mới có tên Tài chính Bền vững (FSCLR). Mục đích ra đời luật mới có tên Tài chính Bền vững (FSCLR) là ngăn cản giới tài phiệt "bơm tiền" vào các đội bóng quá nhiều. Họ chỉ được đầu tư có giới hạn, còn đội bóng phải tồn tại trên doanh thu, trường hợp vi phạm thì các CLB sẽ bị trừ điểm, giới hạn chi tiêu...
Những câu chuyện kể trên có điểm chung là chung tay tạo ra cuộc chơi công bằng và đảm bảo sự tồn tại cho đội bóng. Tức ý nghĩa sau cùng là trách nhiệm của những người làm bóng đá với khán giả và quyền lợi của cầu thủ được luôn đảm bảo.
Cũng từ doanh thu, thương hiệu đội bóng, danh hiệu và sự ảnh hưởng với khán giả, bảng xếp hạng về các đội bóng nhà giàu được công bố sau mỗi năm.
3. Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện tại không dựa vào bất cứ điều gì kể trên. Ranh giới của sự giàu - nghèo, tồn tại - chết, gần như rất mong manh.
Hồi cuối tháng 8 năm nay, Sài Gòn FC được cho trở thành đại gia V.League, điển hình là những con số tiền thưởng được đồn thổi như suất trụ hạng có 10 tỷ, trận hoà là 1 tỷ, trận thắng 2 tỷ.
Chỉ vỏn vẹn 2 tháng, Sài Gòn FC thay đổi số phận với chuyện đang bị nợ thưởng 2 trận. Các ngoại binh không chịu ra Nam Định thi đấu, có thể hiểu là đình công.
Trong 2 năm qua, bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam chứng kiến cảnh 7 đội bóng lâm nợ, có đội giải thể. Đáng nói, chuyện này xảy ra ở 5 CLB V.League, tức gần 1/2 số đội tham dự giải đấu.
Một vấn đề khác là chuyện một ông chủ ảnh hưởng nhiều đội bóng. Hãy đặt trường hợp ông chủ rút thì số phận các đội bóng này sẽ đi về đâu?
Bức tranh chung của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam có thể nói không khác gì so với những năm đầu tiên. Số phận các đội bóng giống như “quả bóng nhựa”, bởi cuộc chơi chưa hết có thể rơi vào cảnh giải tán.
Nỗi buồn lớn cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam là các cầu thủ, HLV, thành viên Ban huấn luyện rơi vào cảnh bị nợ tiền. Trường hợp đội bóng giải tán thì họ không biết làm sao đòi tiền bị nợ!
Một nền bóng đá nói về sự thay đổi, tích cực…, mà quyền lợi của cầu thủ không được đảm bảo. Số phận một đội bóng có thể chết bất cứ lúc nào. Đó là sự bất cập rất lớn, VFF và VPF cần phải có phương án, luật chơi để thay đổi chuyện nghịch lý lớn này. Vì không có tính bền vững thì mọi giá trị đều mất đi ý nghĩa, còn sân chơi chuyên nghiệp bấp bênh thì cả nền bóng đá bị ảnh hưởng nghiêm trọng.