Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Vì sao bóng đá sinh viên có ý nghĩa lớn, hứa hẹn góp phần đưa ĐTVN đến World Cup?

"Tôi muốn thông qua giải sinh viên để tìm những tài năng cho bóng đá Việt Nam".

Đó là chia sẻ của bầu Thắng - một trong những người cống hiến nhiều nhất, lâu nhất và tâm huyết nhất cho bóng đá nước nhà trong gần 20 năm qua.

Trước khi nói về sân chơi sinh viên, có lẽ cần nhìn lại quan điểm và tư tưởng của bầu Thắng với bóng đá nước nhà là lớn lao đến mức nào. 

Tôi vẫn còn nhớ mãi câu phát biểu của bầu Thắng về việc "tặng" HLV Calisto cho VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam): "Khi Tổ quốc cần chúng tôi không tiếc gì cả, thậm chí cả nhà của mình. VFF muốn có ông Calisto, chúng tôi sẵn sàng nhường, miễn sao đem lại thành công cho bóng đá Việt Nam".

Và trong những năm tháng làm ở VPF, bầu Thắng rất nhiều lần bỏ tiền túi để giúp cho sân chơi V.League phát triển, kể cả tiền xăng thì ông cũng không đụng đến túi tiền của VPF. Ông chủ tập đoàn Đồng Tâm có thể nói luôn tận hiến và suy nghĩ làm sao tạo ra những điều tốt đẹp cho bóng đá Việt Nam.

Lẽ đó, bầu Thắng không tham gia cuộc chơi nào chỉ mang tính cho vui, hay quảng bá hình ảnh. Tất cả đều có mục đích, kế hoạch và sự phát triển lâu dài. Sâu xa hơn là có thể tạo ra giá trị xã hội và cống hiến cho bóng đá Việt Nam. Ví dụ nhiều năm qua thì bầu Thắng hỗ trợ học bổng cho sinh viên, rất nhiều cử nhân thành công có dấu ấn từ quỹ học bổng của bầu Thắng.

Bây giờ, giải sinh viên mở rộng với sự hiện diện của 8 ông chủ, trong đó có những người làm bóng đá lâu năm như bầu Đức, bầu Thắng, bầu Hải, ông Đào Hồng Tuyển, ông Nguyễn Quốc Kỳ, ông Nguyễn Anh Khiêm, ông Nguyễn Hoàng Anh và ông Nguyễn Miên Tuấn. Sự kỳ vọng rõ ràng rất lớn chứ không đơn thuần là sân chơi giúp cho sinh viên rèn luyện sức khỏe.

Bầu Thắng tâm sự là sân chơi sinh viên sẽ được nhân rộng trong các năm tới, từ 8 đội lên 16 đội, 32 đội, có thể trở thành giải đấu lớn trên toàn quốc. Dĩ nhiên, sân chơi càng tăng số đội thì càng có thêm các doanh nhân tham gia để góp phần phát triển giải đấu, cũng như bảo trợ cho các trường.

Vì sao bóng đá sinh viên có ý nghĩa lớn, hứa hẹn góp phần đưa ĐTVN đến World Cup? Ảnh 1
Tám ông bầu siết chặt tay và hành trình thắp sáng tinh thần yêu thể thao cho sinh viên, cũng như vì tương lai bóng đá Việt Nam.

Nếu đặt trên phương diện so với giải chuyên nghiệp V.League thì giải sinh viên là sân chơi nhỏ, nhưng về ý nghĩa và bản chất thì SV-League hứa hẹn tạo nên một sức bật rất lớn cho cả nền bóng đá. Điều này cần thời gian để phát triển và đi đúng lộ trình của các ông bầu.

Thầy của Công Phượng, HLV Guillaume Graechen chia sẻ với người viết trong cuộc gặp cách đây vài ngày: "Bóng đá học đường là nơi tìm kiếm những tài năng cho các nền bóng đá. Hiện tại, tôi biết Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản đang làm tốt điều này".

Đúng hơn, sự phát triển của sân chơi học đường sẽ mang đến cơ hội cho nhiều tài năng từ ghế giảng đường theo đuổi giấc mơ cầu thủ chuyên nghiệp. Ví dụ đội trưởng của trường Đại học Nông Lâm (TPHCM) nói với người viết rằng từng được chọn vào lò PVF, sau đó gia đình không cho nghiệp cầu thủ. Nhưng nếu em có cơ hội lần nữa sẽ theo đuổi đam mê từ nhỏ, tức làm cầu thủ chuyên nghiệp.

Tuyển Việt Nam có 2 cầu thủ trưởng thành từ học đường là Hải Anh và Đình Luật. Điều này chứng tỏ nếu bóng đá học đường phát triển thì có thêm nhiều tài năng cho bóng đá nước nhà.

Một nền bóng đá muốn mạnh thì cần phát triển toàn diện, cần một chân đế thật to, cũng như quy tụ được sự chung tay của nhiều người tâm huyết cống hiến cho bóng đá nước nhà. Bóng đá Việt Nam rõ ràng đang lãng phí tài năng từ sân chơi học đường, trong khi nhiều nền bóng đá trên thế giới đã sớm phát triển để chọn lọc nhân tài cho ĐTQG.

Một điều quan trọng không thể bỏ qua là sân chơi sinh viên và V.League có nhiều điểm khác biệt. Đó là tư cách cầu thủ, sự fair-play và học thức. Sân chơi V.League còn rất nhiều vấn đề, kể cả đá xấu xí khiến dư luận bức xúc, hay chuyện chạy theo thành tích... Nhưng sân chơi sinh viên được quán triệt rất rõ ràng với quan điểm: Bóng đá sạch - thật - xanh. Đây cũng là tiêu chí của SV.League 2020.

Do đó, những tài năng từ bóng đá học đường hứa hẹn có thể mang đến hơi thở mới cho bóng đá Việt Nam, ít nhất là câu chuyện văn hóa đá bóng, ý thức cống hiến và đá thật.

Tựu trung, bóng đá Việt Nam muốn đi xa, muốn đến World Cup trong tương lai thì cần phải phát triển toàn diện, chứ không chờ đợi mỗi khâu đào tạo trẻ ở các CLB, hay trung tâm, vì rất nhiều đội chuyên nghiệp chỉ lo phần ngọn, bỏ qua phần gốc. 

Một niềm tin lớn rằng, nếu sân chơi bóng đá sinh viên phát triển đúng như mong đợi của các ông bầu thì chắc chắn tạo ra một ý nghĩa rất lớn. Câu trả lời có lẽ chúng ta phải chờ đợi trong tương lai, vì "quả ngọt" cần có nhiều thời gian để thu hoạch.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất