Thể thao

Phát biểu của bố siêu sao Son Heung-min có khiến bóng đá Việt Nam giật mình?

Văn Nhân
Chia sẻ

"Tôi lo nền bóng đá Hàn Quốc đổ bệnh. Hàn Quốc không nên vô địch Asian Cup", bố siêu sao Son Heung-min nói trên hãng tin Yonhap.

Đó là một phát biểu đáng suy ngẫm khi bóng đá Hàn Quốc được đánh giá có hàng đầu châu Á. Nhưng bố Son Heung-min có suy nghĩ khác và không muốn đội tuyển Hàn Quốc vô địch Asian Cup 2023, vì vinh quang này có thể khiến bóng đá Hàn Quốc bỏ qua những việc cần thay đổi để phát triển lên một tầm cao mới. 

Ông Son Woong-jung phân tích thêm: "Tuyển Hàn Quốc chưa vô địch Asian Cup suốt 64 năm nhưng chúng ta thắng Nhật Bản bằng một thứ năng lực rỗng tuếch, đó chỉ là sự tự lừa dối chính mình". Có thể hiểu bố Son Heung-min đánh giá bóng đá Hàn Quốc phát triển chậm và thua xa Nhật Bản.

Phát biểu của bố siêu sao Son Heung-min có khiến bóng đá Việt Nam giật mình? Ảnh 1
"Tôi lo nền bóng đá Hàn Quốc đổ bệnh. Hàn Quốc không nên vô địch Asian Cup", bố siêu sao Son Heung-min nói trên hãng tin Yonhap.

Hãy lấy một dẫn chứng tương đồng với quan điểm của bố Son Heung-min, đó là câu chuyện của bóng đá Trung Quốc sau 22 năm dự World Cup 2002. Trung Quốc đến được World Cup 2002 có một phần lý do nhờ Hàn Quốc và Nhật Bản làm đồng chủ nhà, còn tuyển Úc chưa gia nhập Liên đoàn bóng đá châu Á. Đặc biệt, Trung Quốc may mắn vào bảng đấu né được Iran và Saudi Arabia. Không có Nhật Bản và Hàn Quốc đá vòng loại, không đụng Iran và Saudi Arabia thì cơ hội đi World Cup trong tầm tay của Trung Quốc. Tấm vé lần đầu dự World Cup 2002 trở thành cột mốc lịch sử của bóng đá Trung Quốc và họ lấy làm tiền đề để đặt ra tham vọng vô địch World Cup 2050, dù bản chất trình độ chưa thể vào top 4 châu Á và chưa có đẳng cấp World Cup.

Cái gì cũng có hai mặt và ngay cả tấm vé World Cup kể trên cũng "báo hại" bóng đá Trung Quốc. Mặt tích cực là tạo tiền đề và cột mốc để một nền bóng đá có kế hoạch đi xa hơn, thu hút nhiều nhà đầu tư vào bóng đá, sự quan tâm của khán giả. Nhưng mặt trái là phát sinh ra một loạt vấn đề cho bóng đá Trung Quốc, bởi họ thực chất chỉ ăn may và chưa có đủ sức mạnh lẫn nền tảng của một đội tuyển đạt tầm World Cup. Những kế hoạch phát triển bóng đá Trung Quốc phá sản, tiền bạc đầu tư cho bóng đá quá lớn phát sinh ra chuyện tiêu cực. Nền bóng đá Trung Quốc đổ bệnh đến mức truyền thông nước này bình luận  vào năm ngoái: "Bệnh tật chỉ được chữa trị khi chúng ta cạo độc từ xương. Bóng đá Trung Quốc không thể chờ thêm được nữa".

Và phát biểu của bố siêu sao Son Heung-min liệu có đáng suy ngẫm với bóng đá Việt Nam?

Đội tuyển Việt Nam từng vô địch AFF Cup 2008, sau đó đổ bệnh với một loạt vấn đề tiêu cực của các đội như Đồng Nai, Ninh Bình. Cả nền bóng đá bị mất niềm tin đến mức trong giai đoạn đó thì những người lãnh đạo VFF không ít lần dùng cụm từ "bán bộ" để nói về các trận thua mà theo họ đáng nghi ngờ.

10 năm sau, bóng đá Việt Nam "cất cánh" với bầu Đức, HLV Park Hang Seo và thế hệ Công Phượng, Quang Hải. Những thành công liên tiếp thời HLV Park Hang Seo thực sự đáng tự hào, đặc biệt lần đầu vào vòng loại thứ ba World Cup 2022 và Á quân U23 châu Á 2018. Tuy nhiên, tham vọng World Cup 2026 sẽ là câu chuyện đáng để nói. Chưa bàn về năng lực đội tuyển và lối chơi thời HLV Troussier, vấn đề đặt ra là thực trạng chung của bóng đá Việt Nam. Liệu có hội tụ đủ mọi yếu tố nghĩ về World Cup?

Phát biểu của bố siêu sao Son Heung-min có khiến bóng đá Việt Nam giật mình? Ảnh 2
Tuyển Việt Nam khó dự World Cup 2026. 

Không khó để thấy kể từ sau thành công thời HLV Park Hang Seo thì số phận các CLB chuyên nghiệp vẫn như "quả bóng nhựa". CLB Quảng Ninh, Sài Gòn FC, Cần Thơ FC lần lượt bỏ giải, có đội bị khai tử. Chuyện nợ tiền cầu thủ diễn ra thường xuyên, họ bị "xù" tiền và mất trắng tiền lương và lót tay. Các cầu thủ bị nợ tiền nên tồn tại tình trạng dọa đình công trong lúc giải đang diễn ra. Chất lượng mặt sân được cải thiện ở một số đội nhưng thực trạng chung vẫn chưa tốt. Chính HLV Troussier đã chê mặt sân Mỹ Đình trong ngày thua Iraq 0-1 ở vòng loại World Cup 2026. Một số đội bóng đội chơi chuyên nghiệp nhưng không đáp ứng được các tiêu chí của Liên đoàn bóng đá châu Á, thường xuyên phải chơi theo diện xin đặc cách. Các cầu thủ Việt Nam chưa thể xuất ngoại thành công, tất cả đều phải dự bị. Chân đế bóng đá vẫn đang trong cảnh phần đỉnh có số lượng đội nhiều hơn phần đáy, V.League có 14 đội nhưng giải hạng Nhất được 11 đội... Bóng đá Việt Nam rõ ràng còn tồn tại quá nhiều vấn đề nan giải cần được thay đổi.

Bất cứ ai cũng mong muốn bóng đá Việt Nam đến World Cup nhưng chuyện một nền bóng đá mạnh, phát triển toàn diện sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì sức mạnh nền bóng đá được nâng tầm từng ngày thì đến một ngày sẽ đạt tầm World Cup. Ngược lại, nỗi lo sẽ có thể giống như phát biểu của bố siêu sao Son Heung-min về bóng đá Hàn Quốc. 

Chia sẻ

Bài viết

Văn Nhân

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất