Sòng phẳng, tuyển Việt Nam thua ở vòng loại cuối cùng World Cup 2022 là chuyện bình thường. Vì đội bóng của HLV Park Hang Seo thua toàn diện các đối thủ về đẳng cấp, trình độ, kinh nghiệm lẫn so sánh từng cá nhân. Đây là câu chuyện chung của bóng đá Việt Nam khi so sánh với những Nhật Bản, Úc, Saudi Arabia...
Ở tư thế kể trên, tuyển Việt Nam đến vòng loại cuối cùng World Cup 2022 là kỳ tích, còn ước mơ giành vé dự ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh là "khó như hái sao trên trời". Điều này đáng để nói khi xác định hành trình của tuyển Việt Nam ở bảng B với mục đích chính là gì, thay vì đá theo kiểu đội bóng có đủ khả năng giành vé đi World Cup.
Đầu tiên, câu chuyện con người được lựa chọn phải tính toán kỹ. Những cầu thủ nào là tương lai của tuyển Việt Nam trong 4 năm tới, các vị trí nào chỉ có thể đá thêm đỉnh cao trong 1-2 năm tới. Vì không dễ để có cơ hội cho các cầu thủ được cọ xát và tích luỹ kinh nghiệm ở sân chơi tầm châu lục với các màn đối đầu trước Úc, Saudi Arabia, Nhật Bản...
Ví dụ cụ thể là thủ môn Bùi Tấn Trường không thể là tương lai ở khung gỗ của tuyển Việt Nam. Anh từng muốn giải nghệ, trở lại chơi bóng theo kiểu vá víu của Hà Nội FC. Tấn Trường không thể làm điểm tựa ở khung gỗ cho tuyển Việt Nam trong vài năm tới. Vậy ông Park có cần sử dụng Tấn Trường bắt chính, còn Văn Lâm phải dự bị?
Trọng Hoàng vẫn đang chơi tốt nhưng có dấu hiệu mệt mỏi. Trọng Hoàng cũng lớn tuổi, anh khó duy trì đỉnh cao phong độ trong 4 năm nữa. Tại sao Văn Thanh không được trao cơ hội, phải đá lệch cánh trái? Hay Hồ Tấn Tài - một trong những tài năng trẻ đầy triển vọng của bóng đá Việt Nam.
Vấn đề thứ hai là nhân tố mới ở tuyển Việt Nam. Ông Park đóng khung hàng thủ, "trói cứng" Phan Văn Đức và Quang Hải. Văn Đức là cầu thủ có đẳng cấp nhưng phong độ không tốt thì cần có người thay thế. Quãng thời gian Hồng Duy vào thay ở trận đấu với Saudi Arabia cho thấy sự khác biệt lớn. Hồng Duy chơi tốt, có thể hỗ trợ cánh trái phòng ngự.
Một ví dụ thực tế là Minh Vương từng được trao cơ hội ở trận đấu với UAE. Nếu Minh Vương không vào sân thì không ai nhận thấy được làn gió mới ở tuyển Việt Nam.
HLV Park Hang Seo cũng từng khiến cho nhiều người bất ngờ khi liên tục gọi thủ môn Bùi Tiến Dũng lên tuyển Việt Nam dù anh chỉ dự bị ở CLB. Ông Park chỉ thay đổi khi Bùi Tiến Dũng liên tục mắc sai lầm. Một điều thiết thực để thấy ông Park có những lúc dường như bảo thủ trong cách dùng người.
Câu chuyện kể trên phản ánh phần nào việc ông Park gọi những cầu thủ có vấn đề liên quan chấn thương lên tuyển Việt Nam như Văn Hậu, Đình Trọng, dù khả năng họ có thể thi đấu là cực thấp và dễ tái phát chấn thương.
Vấn đề thứ ba là lợi thế đặc biệt của tuyển Việt Nam. Trong tư thế yếu hơn đối thủ toàn diện, tuyển Việt Nam kiên trì đá thủ như một chiếc xe buýt, liệu có phải là giải pháp tốt cho một hành trình "vừa đá vừa học" trước các đối thủ mạnh nhất châu lục?
Ông Park từng rơi vào cảnh không có Văn Hậu (chấn thương), Trọng Hoàng không đủ thể lực, nhưng tuyển Việt Nam đá với bộ khung HAGL thì cực hay trước Thái Lan ở lượt đi vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Tuyển Việt Nam cũng chơi sòng phẳng, kiểm soát bóng tốt trước đội tuyển cực mạnh là Curacao khi có bộ khung HAGL.
Nói về bộ khung cầu thủ HAGL ở tuyển Việt Nam, họ chính là lợi thế đặc biệt của ông Park so với phần còn lại ở bảng B. Họ giỏi kiểm soát bóng, tự tin cầm bóng đá, phối hợp và ban bật nhanh theo kiểu "nhắm mắt" cũng biết đồng đội chạy ở đâu. Nên nhớ, những Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy... đang rất sung mãn và khát khao thể hiện khi chơi tốt ở V.League cùng HAGL.
Tuyển Việt Nam rõ ràng không thể đá 10 trận ở bảng B theo kịch bản chung là 10 cầu thủ phòng ngự, cắm mỗi Tiến Linh ở phía trên. Lối chơi này chỉ có ý nghĩa chúng ta có cơ hội giành vé dự World Cup, còn tâm thế đá để học hỏi thì lãng phí.
Phải chăng HLV Park Hang Seo cần thay đổi trong cách dùng người và cách chơi cho tuyển Việt Nam? Vì giá trị cuối cùng ở vòng loại thứ 3 không phải là thành tích, là sự học hỏi và tiến bộ để tuyển Việt Nam hướng đến tương lai.