Đau cho bầu Đức và bầu Thắng
Bầu Đức tuyên bố nếu bầu Tú ôm nhiều ghế sẽ bỏ bóng đá. Cả xã hội đều biết nhưng Hội đồng quản trị VPF vẫn nhất quyết giữ ghế cho bầu Tú, với tất cả thông qua và chỉ có 1 phiếu trắng.
Nếu đúng như chia sẻ của ông Trần Mạnh Hùng với báo giới về tỷ lệ bỏ phiếu gần 100% kể trên thì bao gồm người của VPF, V.League, hạng Nhất, VFF đều góp phần đẩy bầu Đức và bầu Thắng đến gần quyết định bỏ bóng đá.
Ở đó, bầu Đức rất đau buồn vì HAGL góp công sức kéo khán giả đến cho V.League, đóng góp nhiều cho bóng đá Việt Nam. Bây giờ, đội bóng phố Núi… cũng chẳng khác gì V.Ninh Bình (đội bóng bỏ giải vì tiêu cực) trong mắt lãnh đạo VPF, nếu bỏ giải đấu.
Cụ thể, trả lời báo chí về việc HAGL nghỉ V.League như tuyên bố của bầu Đức, phó Tổng giám đốc VPF - ông Nguyễn Minh Ngọc chia sẻ: “Trong giải có nhiều tình huống xảy ra và VPF luôn có phương án để chuẩn bị. Năm 2014, giải đang diễn ra và CLB Ninh Bình xin rút khỏi giải. Khi ấy, VPF cũng sắp xếp phù hợp khi có CLB xin rút”.
Trước đó, bầu Tú nói:“Tôi tiếp tục mà người khác bỏ giải thì không phải lỗi của tôi. Về mặt chuyên môn nhờ anh Nguyễn Minh Ngọc - phó Tổng giám đốc VPF trả lời”.
Điều này đồng nghĩa là HAGL nghỉ V.League thì VPF cũng chẳng “ngán”. Lãnh đạo VPF xem HAGL cũng giống như 13 đội còn lại, có nghỉ thì họ sẽ giải quyết như chuyện V.Ninh Bình bỏ giải vào mấy năm trước.
Còn gì đau hơn khi HAGL của bầu Đức đá sạch, đá đẹp, cống hiến vì khán giả, giờ chẳng hơn kém gì đội bóng dính chàm như V.Nình Bình?
Với bầu Thắng, 6 năm ròng rã bỏ không biết bao nhiêu tiền bạc, hy sinh thời gian và tâm huyết vì VPF. Ông Thắng cho rằng các đội bóng còn nghèo nên Hội đồng quản trị không được xài tiền, vì đó là tiền chỉ dành cho các CLB. Kết cục, bầu Tú ký cho mua xe giá 1 tỷ 180 triệu và phát biểu trước báo chí là hợp lý.
6 năm không đụng 1 lít xăng và chỉ móc tiền túi cho thêm VPF, bầu Thắng bây giờ mọi thứ đang bị đảo ngược. Bảo sao bầu Thắng không đau. Chỉ có thể nói là quá đau!
Bầu Đức và bầu Thắng sẽ không ngồi yên?
Những động thái từ chuyện người ngồi nhiều ghế cũng như câu trả lời của lãnh đạo VPF có lẽ mang đến bất ngờ lớn cho bầu Đức. Lẽ đó, ông chủ CLB HAGL cũng không vội hồi đáp và chọn cách hoãn binh bằng cách không nói đến chuyện bóng đá hay VPF trong ngày hôm qua.
Nguyên nhân là bầu Đức đang đi công việc ở nước ngoài. Ông chủ CLB HAGL chỉ nghe mọi chuyện lại từ truyền thông. Bầu Đức hiểu cần làm gì và lúc nào sẽ hồi đáp lại những gì đang diễn ra ở làng bóng đá Việt Nam.
Vì vậy, chuyện bầu Đức ngán nói về bóng đá hay VPF là câu trả lời tượng trưng. Mọi việc sẽ được rõ ràng trong những ngày tới.
Cần nhắc, bầu Đức rất uy tín và nói là làm. Ông Đức từng tuyên bố nghỉ VFF sau SEA Games 29 nếu không vô địch. Thế nên, bầu Đức sẽ không nhường bước trong việc bầu Tú ôm nhiều ghế. Còn chuyện bầu Đức đóng góp cho bóng đá Việt Nam, có lẽ không cần kể vì cả xã hội thừa nhận.
Trong khi đó, bầu Thắng mất 1/3 cuộc đời vì bóng đá Việt Nam, 6 năm xây dựng VPF. Ông Thắng sẽ không ngồi yên để rồi bỏ bóng đá vì tuyên bố: “Nếu Hội đồng quản trị VPF xài tiền sai mục đích, tôi không tài trợ cho Long An”.
Bầu Thắng có cái uy, chữ tín và được nhiều người hết mực yêu mến. Ông Thắng đóng góp lớn cho nền bóng đá Việt Nam có thể nhìn qua lăng kính đem HLV Calisto “gả” cho VFF, móc tiền túi trả thêm. Nhờ vậy, ĐTVN mới vô địch AFF Cup 2008.
Tất cả những phản biện của bầu Đức và bầu Thắng trong thời gian qua về VPF nhận được sự ủng hộ rất lớn từ dư luận. Thậm chí, những khán giả lớn tuổi gửi tâm thư về động viên họ đóng góp cho bóng đá Việt Nam.
Vậy nên, bầu Đức và bầu Thắng không dễ dàng “chịu thua” vì một cuộc họp của VPF. Họ sẽ không ngồi yên để phụ lại niềm tin của người hâm mộ, trong việc phản đối chuyện tham chức, tham quyền của bóng đá Việt Nam (như lời bầu Đức).
Cuộc gặp mặt ngày 14/2 của bầu Tú, bầu Đức và bầu Thắng sẽ diễn ra như dự kiến, khi ba ông bầu hứa gặp mặt nhau.