Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Nguyễn Công Phượng - Cậu bé nghèo mang niềm tự hào Việt Nam ra châu lục

Nguyễn Công Phượng bước sang tuổi 24 trong niềm vui lớn khi lần thứ 2 xuất ngoại và hứa hẹn tạo nên bước ngoặt lịch sử cho bóng đá Việt Nam.

Tuổi 18 - Công Phượng là số 1

Lịch sử bóng đá Việt Nam bước sang những chương mới đầy rực rỡ dưới thời HLV Park Hang Seo. Nguyễn Công Phượng là một trong những nhân tố quan trọng nhất để góp công vào sự thành công lớn lao cho bóng đá Việt Nam. Ngược dòng quá khứ để thấy rằng, Công Phượng đến với bóng đá là một điều may mắn của Việt Nam.

Công Phượng từng bị gạch tên ở SLNA khi không được chọn vào lớp năng khiếu nhưng đó là bước ngoặt quan trọng để cậu bé người xứ Nghệ đến với Học viện Bóng đá HAGL - Arsenal - JMG.

Hồi giữa năm 2013, CLB Arsenal đến Việt Nam du đấu. Nhiều người đã được chứng kiến trận đấu biểu diễn giữa các cầu thủ Arsenal và lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện Bóng đá HAGL. Nhưng ít ai chú ý là bầu Đức từ thời điểm đó đã chính thức cho trình làng lứa Công Phượng. Hôm đó, những cầu thủ tốt nhất của HAGL như Xuân Trường, Công Phượng đều xỏ giày đá.

Công Phượng trở thành thành tượng của bóng đá Việt Nam từ cuối năm 2013. Đó là một cột mốc lịch sử của bóng đá Việt Nam khi U19 Việt Nam trình làng một thế hệ cầu tài năng xuất chúng. Những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Đông Triều… đã mang đến một làn gió mới nhờ thứ bóng đá đẹp mắt, cuốn hút người hâm mộ cả nước.

Công Phượng là niềm tự hào của bầu Đức.

Trong tâm trí những người yêu bóng đá đẹp, không ai có thể quên những pha bóng solo đẳng cấp của Công Phượng vào lưới U19 Australia. Những màn trình diễn để đời ở tuổi 18 của Công Phượng đã đưa tên tuổi chàng trai “mặt búng ra sữa” trở thành thần tượng của người hâm mộ nước nhà.

Ở tuổi 18, Công Phượng xứng đáng là cầu thủ mang đến nhiều cảm xúc nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam. Một viên gạch quan trọng trong lứa Học viện Bóng đá HAGL góp phần làm thay đổi cả nền bóng đá Việt Nam.

Sống giữa lằn ranh yêu - ghét

Từ chàng trai 18 tuổi, Công Phượng được kỳ vọng trở thành “thiên sứ” của bóng đá Việt Nam. Sự yêu mến của người hâm mộ đến mức Công Phượng hôm nay ăn gì? Công Phượng tắm nước đá ra sao? Công Phượng đi đôi giày màu gì? Công Phượng để tóc gì?… Tất tần tật về Công Phượng đều được trưng trên báo chí và mạng xã hội.

Tôi đến bây giờ vẫn hay mở ra xem clip một cô gái khóc thét vì Công Phượng ở sân Mỹ Đình hồi năm 2014. Công Phượng đi ngang qua nhưng cô gái không kịp xin chữ ký. Cô gái ôm mặt khóc nức nở đến mức bảo vệ đành chấp nhận “xé luật” cho xuống gặp Công Phượng.

Ngay đến cảnh đứng chụp hình xong, xin được chữ ký, thì cô gái tiếp tục ôm mặt khóc vì sung sướng. Hai giọt nước mắt chỉ xảy ra trong phút chốc. Lần đầu là khóc vì “bắt hụt” thần tượng nên đau đớn. Lần thứ hai khóc là sung sướng tột cùng vì được thần tượng cho chữ ký, chụp ảnh.

Hai giọt nước mắt đó của cô gái ở sân Mỹ Đình cũng là hình ảnh phản chiếu thu nhỏ dành cho Công Phượng trong những năm tháng tiếp theo. Phượng phải sống giữa lằn ranh yêu - ghét, một sự nghiệt ngã của bóng đá đối với cầu thủ nổi tiếng. Nhưng Công Phượng lúc đó còn quá trẻ để có thể đứng vững trước sự quan tâm từ hàng triệu người hâm mộ và truyền thông…

Tuổi 20, Công Phượng đã trở thành niềm tự hào của bầu Đức và bóng đá Việt Nam. Công Phượng lần đầu xuất ngoại đi Nhật Bản với nhiều sự kỳ vọng. Dù chưa thể hiện được nhiều nhưng Công Phượng mang tên tuổi bóng đá Việt Nam ra châu lục, giúp cho cả châu Á phải nhìn về nền bóng đá của “vùng trũng” có một tài năng chỉ mới 20 tuổi đã chơi bóng ở nền bóng đá hàng đầu châu lục.

Nhưng không nhiều người nhìn vào những giá trị tích cực từ hiệu ứng những đứa con của bầu Đức đi nước ngoài. Phần lớn đánh giá, nhìn nhận theo khía cạnh chuyên môn, áp đặt quan điểm về thành tích, thay vì nhìn nhận về một quá trình dài hơi và tốn công sức của bầu Đức, hay sự nỗ lực của các cầu thủ trẻ như thế nào để được thừa nhận, sau đó bước ra V.League.

Bầu Đức thực sự đã bảo vệ rất nhiều cho Công Phượng. Ông chủ CLB HAGL “cấm” lứa Công Phượng trả lời báo chí. Bầu Đức cũng nhiều lần đứng lên phản bác nhằm bảo vệ Công Phượng. Nhưng chỉ mỗi bầu Đức là chưa đủ…

Yêu và ghét trong bóng đá luôn song hành. Công Phượng càng được yêu thì càng bị soi rất nhiều. Công Phượng chỉ cần một tình huống chơi không tốt, một trận đấu không ghi bàn thì lập tức trở thành chủ đề để bàn tán.

Công Phượng từng thấu chịu áp lực lớn từ những chỉ trích.

Áp lực lớn đến mức những người thân tín của Công Phượng tiết lộ với tôi là cậu ấy từng có thời điểm bị trầm cảm. Bởi hôm nay ghi bàn thì Phượng được tung hô nhưng ngày mai “tịt ngòi” sẽ bị chỉ trích. Đến mức người ta bảo rằng thay Công Phượng thì Việt Nam sẽ thắng dù bóng chưa lăn. Nghe đến cay nghiệt!

Dường như ở thời điểm Công Phượng chơi chưa tốt thì nhiều người chỉ trích nhưng quên mất rằng, họ từng đội mưa xem Công Phượng thi đấu, từng đến vây kín các buổi tập của CLB HAGL chỉ muốn được chụp hình, xin chữ ký của Công Phượng.

Sức hút của Công Phượng và đồng đội nhiều lúc khiến cho người thân phải phát hoảng. Mỗi lần xuất hiện có đến hàng trăm, nghìn người vây kín. Phượng giống như “thỏi nam châm” hút khán giả, mang đến sự tươi mới của cả một nền bóng đá vốn thiếu vắng những thần tượng, những cầu thủ có thể khiến cho người hâm mộ không ngại đường xa mấy trăm cây số tìm đến xem chơi bóng.

Thực sự, lịch sử bóng đá Việt Nam hiếm có cầu thủ nào sớm nổi lên như một ngôi sao khi chỉ trình làng sau 1 giải đấu như Công Phượng. Nhưng có thuộc diện đặc biệt vì sống giữa lằn ranh yêu - ghét từ quá sớm.

Nghịch cảnh của Công Phượng có thể gói gọn: Nếu một tờ giấy trắng tinh bị vẩy lên 1 vết mực thì phần lớn đều nhìn chăm chăm vào vết mực ấy, mà quên đi phần trắng sạch. Đó là điều thiếu công bằng với Công Phượng trong nhiều năm qua khi nhiều người phủi sạch đi sự đóng góp, dù lẽ ra phải trân trọng và ghi nhận.

Ý chí “Phượng Hoàng” và niềm tự hào bóng đá Việt Nam

Lịch sử bóng đá chứng kiến nhiều cầu thủ được gọi là thần đồng, ngôi sao lớn tương lai, sau cùng không đứng vững trước sự quan tâm từ dư luận và người hâm mộ nên “chết yểu”. Thế nên, nhiều cầu thủ sợ gắn mác thần đồng, khi số đông đều lụi tàn trong niềm hy vọng của người khác.

Công Phượng từng có giai đoạn khiến nhiều người lo lắng, nghĩ về một kết cục không hay. Nhưng cái may của Công Phượng là sự che chở của bầu Đức, tạo mọi điều kiện tốt nhất để trưởng thành. Đúng hơn, bầu Đức trao cơ hội, còn Công Phượng có đủ ý chí, nghị lực và phẩm chất của một ngôi sao để vượt qua áp lực, khẳng định chính mình.

Trong các hình xăm của Công Phượng có hình chim Phượng Hoàng bay lên mái nhà tranh. Đó là sự nhắc nhở của Công Phượng cho chính mình về tuổi thơ khốn khó, cần phải cố gắng vươn lên, không được gục ngã để phụ lại niềm tin của gia đình, bầu Đức và người hâm mộ.

Bây giờ, chim Phượng Hoàng của Học viện Bóng đá HAGL đã tung cánh bay ra khỏi mái nhà tranh, tức bay ra khỏi giải V.League để sang Hàn Quốc. Dù chỉ là bản hợp đồng có thời hạn mượn 1 năm nhưng mang đến rất nhiều giá trị lớn lao cho cả một nền bóng đá.

“Phường Hoàng” của bóng đá Việt Nam.

Nếu không có tài năng thực sự, không có ý chí và khát vọng tột cùng thì Công Phượng có thể mãi mãi là “ngôi sao tuổi 18”. Công Phượng xứng đáng là tấm gương lớn cho các cầu thủ trẻ có khát vọng vươn tầm ngôi sao. Không chỉ là tài năng, mà còn là sự nỗ lực và cố gắng mỗi ngày, cũng như học cách vượt qua “búa rìu” dư luận và định của người hâm mộ.

Nhiều người hâm mộ Việt Nam cảm thấy rất vui khi xem lại đoạn clip Công Phương sang Hàn Quốc. Từ hình ảnh được truyền thông săn đến ở sân bay đến cuộc kiểm tra y tế, họp báo đều diễn ra rất trân trọng, hoành tráng.

Phải tự hào khi một cầu thủ Việt Nam sang Hàn Quốc chơi bóng được chào đón theo cách trân trọng nhất, phản phất hình bóng theo kiểu ngôi sao. Càng vui hơn khi chính lãnh đạo CLB Incheon United đặt kỳ vọng rất lớn là Công Phượng sẽ tỏa sáng ở Hàn Quốc. HLV Park Hang Seo chờ đợi Công Phượng chứng tỏ được đẳng cấp của tiền đạo hay nhất bóng đá Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên ông Park gọi Công Phượng là tiền đạo nhất Việt Nam. Công Phượng có 2 năm liên tiếp ghi bàn nhiều nhất bóng đá Việt Nam. Công Phượng từ sân U23 châu Á đến AFF Cup 2018, ASIAN Cup 2019 đều góp công những bàn thắng cực kỳ quan trọng, gần như là bước ngoặt làm nên lịch sử cho bóng đá nước nhà.

Đẳng cấp của Công Phượng có lẽ gói gọn đầy đủ trong các màn trình diễn trước Iraq và Nhật Bản. Phượng chơi thức bóng đá thêu hoa dệt gấm, nhảy múa trước những trung vệ cao to, khiến cho họ phải bở hơi tai theo kèm. Với trình độ và đẳng cấp của cầu thủ Việt Nam ở hiện tại, chỉ có Công Phượng mới hội tụ đủ phẩm chất để làm được những điều như thế.

Hình ảnh Công Phượng nhảy múa trước Nhật Bản chắc chắn làm nhiều người gợi nhớ lại thời điểm tiền đạo này solo trước các hậu vệ U19 Australia. Bước đi của thời gian rõ ràng giúp cho Phượng trưởng thành lên rất nhiều nhưng sự hào hoa và phong cách chơi bóng không thể lẫn lộn với bất kỳ cầu thủ nào khác. Chỉ có Phượng mới có thể chơi thứ bóng đá khiến cho người hâm mộ bật dậy vỗ tay tán thưởng trong niềm sung sướng và tự hào.

Thật vui nếu trong thời gian tới, Công Phượng được xem là hình mẫu cho cầu thủ Việt Nam noi theo trong hành trình xuất ngoại, mang niềm tự hào Việt Nam ra châu lục. Vì còn gì tuyệt vời hơn khi cậu bé xứ Nghệ “bay” từ mái tranh ở Đô Lương (Nghệ An) ra châu lục (Hàn Quốc) trong sự thừa nhận của cả châu Á.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Gian nan nuôi dạy cầu thủ của bầu Đức