Ý chí và con đường của King Kazu
Kazuyoshi Miura, sinh ngày 26/2/1967, hiện đang chơi cho CLB Yokohama F.C của Nhật Bản. Lịch sử bóng đá đã ghi nhận Kazuyoshi Miura là người lớn tuổi nhất thi đấu chuyên nghiệp (52 tuổi). Câu chuyện bóng đá về Kazuyoshi Miura - người có biệt danh King Kazu là nguồn cảm hứng bất tận cho bóng đá Nhật Bản…
King Kazu thi đấu kể từ lúc Ronaldo, Messi vẫn chưa chào đời. Bây giờ, hai ngôi sao lớn nhất của bóng đá thế giới bước vào đoạn cuối sự nghiệp, còn King Kazu vẫn tiếp tục chơi bóng. Chỉ bấy nhiêu thôi đã cho thấy Miura là cây trường thọ của Nhật Bản. Nhưng suốt 37 năm chơi bóng chuyên nghiệp của King Kazu là một di sản sống về hành trình ước mơ, hy vọng và ý chí Nhật Bản.
Năm 1982, Miura mới 15 tuổi đã một mình lặn lội sang Sao Paulo (Brazil) chơi bóng. Miura lưu lạc ở Brazil đến 7 năm, trải qua nhiều đội bóng khác nhau, mỗi đội bóng chỉ đá được vài tháng. Miura không chỉ chơi bóng, mà còn bán hàng, làm nhiều việc để có tiền trụ lại Brazil, với một giấc mơ duy nhất là được chơi bóng ở xứ Samba.
Hành trình xuất ngoại của Miura nếu xét ở yếu tố chuyên môn thì rõ ràng chẳng để lại điểm nhấn gì đặc biệt. Nhưng người Nhật không nghĩ thế. Miura có ý chí tột cùng, còn người Nhật luôn yêu mến những người có ý chí như Miura.
Hơn 7 năm ở Brazil, Miura quay trở lại Nhật Bản vào năm 1990. Miura không còn là chàng thiếu niên lưu lạc xứ người, khi anh trở thành biểu tượng của bóng đá Nhật Bản với biệt danh: “Vua Kazu của bóng đá Nhật Bản”. Sau này, người Nhật mới rút ngắn lại còn: “King Kazu”.
Hành trình sang Brazil của Miura trễ hơn 1 năm sự ra đời của tập đầu tiên về bộ truyện tranh Tsubasa (năm 1981). Nhưng tác giả Yoichi Takahashi thừa nhận King Kazu chính là nguồn cảm hứng để ông cho ra đời Tsubasa, bộ truyện từng là nguồn cảm hứng bất tận để Zinedine Zidane, Andres Iniesta chắp ước mơ trở thành cầu thủ. Còn người Nhật bắt đầu một sự thay đổi chóng mặt về bóng đá từ khi có bộ truyện Tsubasa.
King Kazu bắt đầu hành trình xuất ngoại với tư cách là cầu thủ Nhật Bản đầu tiên chơi bóng ở Serie A (giải đấu từng một thời hay nhất thế giới ở những năm 90). Đó là mùa bóng năm 1994/1995 và truyền thông Ý thường xuyên chế giễu về Miura… Nhưng người Nhật vẫn không rời bỏ đứa con của họ, vì King Kazu là biểu tượng cho ý chí Nhật.
Đáng nói, Miura đến Serie A chơi bóng không phải vì lý do chuyên môn, khi tiền lương được chính một hãng truyền hình Nhật Bản trả, đổi lại được phát sóng tất cả trận đấu của Genoa (đội bóng của Miura đầu quân) cho người dân Nhật Bản xem.
Sau mùa giải, Miura trở lại Nhật Bản vì Genoa rớt hạng. Nhưng Miura chưa bao giờ bỏ cuộc trong hành trình xuất ngoại, anh còn thi đấu ở Croatia, Australia…
Thế nên, Yasuhiko Okudera là cầu thủ đầu tiên của Nhật chơi bóng và ghi bàn tại châu Âu (Đức) nhưng King Kazu mới được tôn sùng.
Hành trình ra nước ngoài của Miura khiến tất cả ngả mũ, không chỉ đơn thuần nói về tài năng, mà quan trọng hơn cả, đó là ý chí không bỏ cuộc, nghị lực phi thường - đúng với tính cách của người Nhật Bản. Do đó, người Nhật chọn King Kazu trở thành biểu tượng bóng đá và truyền cảm hứng cho các thế hệ đi sau về tình yêu bóng đá, dám xuất ngoại để đưa hình ảnh Nhật Bản ra thế giới.
Từ King Kazu nghĩ về Nguyễn Công Phượng
Cuối tháng 7 này, Công Phượng sẽ chính thức có tên ở giải vô địch quốc gia Bỉ. Công Phượng sẽ trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên chơi bóng ở châu Âu bằng 1 bản hợp đồng chuyên môn đúng nghĩa của bóng đá.
Nhưng có những ý kiến trái chiều đang dành cho Công Phượng, nhiều người ủng hộ nhưng không ít sự chê bai, thậm chí là buông lời mỉa mai Công Phượng đi châu Âu cũng chỉ dự bị, đi chắc được vài tháng như chơi bóng ở Hàn Quốc…
Phải chăng chúng ta đang khắt khe với Công Phượng, một cầu thủ luôn ước mơ chơi bóng ở nước ngoài với ý chí không bỏ cuộc?
Ở tuổi 20, Công Phượng từng sang Nhật Bản chơi bóng, sau đó trở lại Việt Nam. Công Phượng tiếp tục xuất ngoại sang Hàn Quốc, bây giờ là Bỉ. Từ một hành trình chơi bóng ở châu Á, Công Phượng đã “cất cánh” đến châu Âu và mang theo hoài bão lớn lao của người Việt Nam về sự hội nhập với bóng đá thế giới, giống như một người mở đường để sau này các cầu thủ khác xóa đi sự tự ti nếu có cơ hội ra nước ngoài chơi bóng.
Hãy nhớ rằng, Công Phượng đến với bóng đá từ một cậu bé nghèo sinh ra ở một vùng quê của Nghệ An. Phượng vượt qua rất nhiều định kiến, sự giới hạn về thể hình… để đến ngày chơi bóng chuyên nghiệp, nhận được yêu mến của hàng triệu người, giống như một trong những gạch nối làm sống lại tình yêu bóng đá cho người Việt Nam. Sau tất cả, cậu bé xứ Nghệ đi lên từ mái nhà tranh đã in dấu giày ở Nhật Bản, Hàn Quôc và sắp tới là Bỉ - một nền bóng đá mạnh ở châu Âu.
Bấy nhiêu thôi, chưa cần bàn đến sự thành công hay thất bại thì Công Phượng đã đủ trở thành một cầu thủ đại diện cho tinh thần dám ước mơ, cầu tiến, ham học hỏi và không bỏ cuộc của Việt Nam.
Vậy tại sao chúng ta không ủng hộ Công Phượng như cách người Nhật Bản dành cho King Kazu?