Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Ngôi trường bóng đá cho trẻ em và giấc mơ World Cup của Việt Nam

Sau khi HAGL trình làng lứa Công Phượng thì các trung tâm bóng đá cộng đồng ở Việt Nam bắt đầu nở rộ.

Hiệu ứng bóng đá trẻ ở Việt Nam càng tăng chóng mặt sau U23 châu Á 2018. Bóng đá trở thành môn thể thao được yêu thích rộng rãi nhất ở Việt Nam, khi không chỉ trên góc độ tinh thần mà nhiều phụ huynh muốn cho con đi học bóng đá.

Điều trăn trở lớn nhất của nhiều phụ huynh chính là môi trường để gửi các con theo học bóng đá. Họ cần một nơi đủ uy tín, bài bản và có xu hướng giống ngôi trường hơn “lò” bóng đá. Tức một môi trường phải vừa học văn hoá bài bản vừa dạy bóng đá cho trẻ em.

Trong thực tế, trẻ em học bóng đá không phải chỉ có ý nghĩa duy nhất là trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Bóng đá sẽ giúp trẻ em rèn luyện và nâng sức khỏe, phát triển chiều cao, kỹ năng sống, tinh thần tập thể, tinh thần vượt khó, sự đoàn kết...

Ngôi trường bóng đá cho trẻ em và giấc mơ World Cup của Việt Nam Ảnh 1
Lứa Công Phượng làm thay đổi đào tạo trẻ về bóng đá ở Việt Nam.

Ở Mỹ, bóng đá không phải là môn thể thao vua nhưng từ năm 2015 thì con số thống kê có khoảng 3 triệu trẻ em (độ tuổi 6-14) chơi bóng đá. Hàng năm nhiều CLB lớn của châu Âu đến Mỹ du đấu để phục vụ cho người hâm mộ bóng đá nơi này.

Ở Nhật Bản, bóng đá chưa phải là môn thể thao yêu thích nhất, đó là bóng chày. Nhưng bóng đá Nhật Bản đang phát triển với tốc độ chóng mặt. Lý do Nhật Bản làm rất tốt việc phát triển bóng đá học đường với nhiều trường học dạy môn thể thao này cho trẻ em.

Bóng đá học đường của Nhật Bản phát triển đến mức đội bóng của trường trung học có thể vô địch giải U18 toàn quốc Nhật Bản, dù sân chơi này bao gồm nhiều đội trẻ của các CLB mạnh nhất ở xứ mặt trời mọc. Đây là lý do thời điểm bóng đá Việt Nam chưa phát triển thì ĐTQG cũng đá thua đội sinh viên Nhật Bản.

Bóng đá Nhật Bản dạy trẻ em chơi bóng dựa trên một nguyên tắc quan trọng gồm 5 yếu tố: Tự tin, tập trung, kiểm soát, trung thành và giao tiếp.

Con đường bóng đá của Nhật Bản đáng để nhìn nhận như một mô hình chuẩn mực cho bóng đá Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Người Nhật tạo ra một phông văn hoá bóng đá đúng đắn, xây dựng một hình lý tưởng cho các trẻ em đến với bóng đá để được thoả sức đam mê và phát triển.

Với bóng đá Việt Nam, thói quen về tư tưởng chung là bóng đá trở thành cơ hội đổi đời cho các em nhỏ có đam mê và gia cảnh nghèo khó. Điều đó đúng nhưng không phản ánh đầy đủ ý nghĩa về bóng đá, đặc biệt dành cho các em nhỏ đam mê bóng đá.

Tư tưởng trên cũng khiến cho các phụ huynh có suy nghĩ cho con đi học bóng đá thì mục tiêu phải trở thành cầu thủ. Tác dụng phụ là biến đứa nhỏ đi xây ước mơ cho bố mẹ. Các em có thể trở thành những cầu thủ bất đắc dĩ khi mỗi ngày ra sân tập vì áp lực từ phụ huynh.

Chúng ta có thể nhìn rộng ra cuộc sống, không ít phụ huynh chọn nghề, chọn trường cho con, thậm chí chọn luôn môn thể thao cho con. Họ không cho con phát triển theo cách riêng mà phải làm theo ý bố mẹ. 

Tôi từng trò chuyện với Phương Trâm - cô bé lên 14 tuổi đã được ví như “tiểu Ánh Viên” của bơi Việt Nam. Tôi hỏi em có đam mê bơi lội không? Em nói không thích bơi, chỉ xuống nước vì muốn kiếm tiền cho bố mẹ. Hậu quả là Phương Trâm rất tài năng nhưng em mãi mãi không trở thành một VĐV xuất chúng, bởi môn bơi không phải là ước mơ của cuộc đời em.

Và nói về Phương Trâm, tôi còn biết thêm một vấn đề khác là rào cản trong tương lai của thể thao Việt Nam. Phương Trâm học rất giỏi nhưng em theo đuổi sự nghiệp bơi lội thì đánh mất việc học giống như các bạn cùng lứa, tức chuyển sang học bổ túc văn hoá. Ban ngày tập luyện và ban đêm học văn hoá. Không ai dám chắc một đứa trẻ theo sự nghiệp thể thao sẽ thành tài, nhưng chuyện học bổ túc văn hoá ảnh hưởng lớn đến tương lai. Xu thế của thể thao phải theo con đường thể thao học đường, một đứa trẻ đam mê thể thao vẫn được học văn hoá bài bản và có nhiều sự lựa chọn cho tương lai nếu không muốn theo thể thao chuyên nghiệp.

Ngôi trường bóng đá cho trẻ em và giấc mơ World Cup của Việt Nam Ảnh 2
Những học viên của Học viện HAGL nhập học ở trường Quốc tế cách đây vài ngày.

Mới nhất, Học viện HAGL có một khoá học viên bóng đá nhập vừa học. Những đứa trẻ đều được đến trường học quốc tế để học văn hoá. Tôi nghĩ là một điều đúng đắn, phù hợp với xu hướng chung.

Bóng đá Việt Nam phải cần nhiều môi trường như Học viện HAGL để đào tạo cầu thủ theo xu hướng: Thoả mãn đam mê và học hành tử tế.

Đó là xu thế để một nền bóng đá phát triển, giống như Nhật Bản đã làm rất tốt. Bóng đá Việt Nam đang nói về giấc mơ World Cup thì điều đầu tiên phải làm tốt mô hình đào tạo trẻ và thắp sáng đam mê, ước mơ được chơi bóng đá cho các em nhỏ.

Đúng hơn, bóng đá Việt Nam cần nhiều môi trường bóng đá giống như ngôi trường cho trẻ em với tiêu chí “tiên học lễ, hậu học bóng đá” - một hình mẫu giống như HAGL, thay vì các “lò” bóng đá chỉ có mục tiêu duy nhất là trẻ em trở thành cầu thủ. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Siêu mẫu Bình Minh tái xuất