Xuyên suốt lịch sử V.League, chưa có ai dám làm một điều hết sức dũng cảm như bầu Đức là kỷ luật cầu thủ đội nhà đến hết lượt đi V.League 2018, dù mùa giải chỉ diễn ra được 4 vòng đấu.
Cụ thể, bầu Đức cấm Tăng Tiến vì tình huống đá xấu với Đỗ Duy Mạnh trong trận đấu Hà Nội FC- HAGL ngày 5/4. Ông chủ CLB HAGL nói với Saostar: “Trước mắt, tôi cho nghỉ hết lượt sau đó mới xem xét lại, ít nhất phải nghỉ hết lượt đi. Cần thiết thì tôi cho nghỉ luôn. Vì trường hợp này với cá nhân tôi là không được.
Ở đây, tôi không nói đến chuyện ảnh hưởng hình ảnh CLB gì hết. Tôi đã tuyên bố không chấp nhận bạo lực. Nếu không xử thì tôi xem như đồng ý với chuyện đá bạo lực à. Duy Mạnh đá ra sao thì tôi không biết nhưng lính của tôi sai thì tôi phải xử trước”.
Bầu Đức có tính cách sòng phẳng rất đáng ngưỡng mộ. Ông chủ CLB HAGL có thể để móc tiền túi cho Quế Ngọc Hải 400 triệu để trả viện phí cho Anh Khoa mà không hề suy nghĩ. Nhưng bầu Đức cực kỳ nghiêm khắc với quân HAGL, ai đáo láo xem như “no đòn” từ án nội bộ.
Thử hỏi lịch sử bóng đá Việt Nam có ai dám đưa ra án phạt nội bộ như bầu Đức? Ở V.League, người hâm mộ chỉ thấy các đội bóng khiếu nại, xin giảm án cho cầu thủ, thậm chí dọa bỏ giải. Ví dụ CLB Thanh Hóa từng khiến VPF đau đầu khi Omar bị cấm 8 trận, hành vi khiêu khích khán giả đến mức HLV Petrovic còn chạy theo “tẩn” cậu học trò để răn đe.
Ngoài Omar, những án phạt gần nhất gây xôn xao là chuyện Văn Quyết giật chỏ Nghiêm Xuân Tú ở vòng cuối V.League 2017, Samson đạp đùi Châu Ngọc Quang nhưng Ban kỷ luật chỉ cho rằng “vào bóng liều lĩnh”. Sau đó, người hâm mộ lẫn báo chí lên tiếng thì cầu thủ nhập tịch mới bị cấm 2 trận. Một bản án vô cùng hài hước của bóng đá Việt Nam, chỉ ra những bất cập và tùy tiện trong cách làm chỉ có ở V.League.
Trong cả ba cái tên tiêu biểu kể trên ở mùa bóng năm ngoái, có thể thấy không ai dám làm điều dũng cảm như bầu Đức. Một bản án “lịch sử” đáng ghi nhận, ít nhất là khía cạnh làm gương trong việc giáo dục cầu thủ của chính đội bóng mình, thay vì chờ Ban kỷ luật ra án. Thậm chí, án phạt của bầu Đức nghiêm khắc gấp nhiều lần so với án từ Ban kỷ luật, có sức răn đe cực lớn cho các cầu thủ.
Cần nhắc, Văn Quyết từng lãnh án phạt 5 trận ở V.League 2016, đến V.League 2017 tiếp tục gây xôn xao với quả giật chỏ thô bạo. Hoàng Vũ Samson làm “xấu” bóng đá Việt Nam với hành vi thô bạo ở AFC Cup. Ban tổ chức giải đã phạt cầu thủ này 4 trận cùng 1.000 USD.
Kể ra những điều ấy để thấy rằng, nếu không có một bản án nghiêm khắc thì họ vẫn “ngựa quen đường cũ”. Vì sau khi phạm lỗi, thiếu fair-play thì đội bóng chủ quản chỉ lo gỡ án, hy vọng được giảm nhẹ để các cầu thủ này sớm trở lại thi đấu. Một điều hoàn toàn khác biệt với bầu Đức, người dám tuyên bố: “Cầu thủ nào đá láo, tôi đuổi thẳng cổ”.
Nếu Samson, Văn Quyết hay những cầu thủ đá rắn, đá xấu ở Việt Nam làm quân của bầu Đức, chắc chắn họ lĩnh án nội bộ cực nặng. Chuyện tái diễn gần như không thể, vì đồng nghĩa có thể bị ông Đức đuổi luôn.
Vậy nên, bản án của bầu Đức dành cho Tăng Tiến có thể nhìn về hướng tích cực, thay vì nghĩ méo mó đi. Bởi bầu Đức vì bóng đá Việt Nam, nói không với bạo lực để giúp cho V.League thoát dần khỏi biệt danh buồn: “Võ” League.