Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Mặt trái từ hợp đồng của HLV Park Hang Seo và VFF

Nếu không thể tự trả tiền cho hợp đồng của HLV Park Hang Seo trong việc tái ký thì VFF cần phải nhìn lại cách kiếm tiền so với sự thành công của bóng đá Việt Nam.

“HLV Park đã đưa Việt Nam tới ngôi vô địch AFF Cup2018, và tôi hy vọng ông ấy được đổi xử công bằng khi gia hạn hợp đồng. Tuy vậy, chúng tôi phải xem xét khả năng tài chính từ phía Việt Nam.

Thành tích của ông ấy là rõ ràng. Dưới thời HLV Park, đội tuyển Việt Nam ít có thất bại, trong khi họ giành HCB U23 châu Á, vào tới bán kết ASIAD 2018 và vô địch AFF Cup 2018″.

Đó là chia sẻ của Lee Dong-jun, người đại diện của HLV Park Hang Seo chia sẻ với tờ Chosun (Hàn Quốc). Lee Dong-jun sẽ đến Việt Nam vào tuần này để đàm phán hợp đồng của HLV Park Hang Seo và VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam).

Một số ý kiến phát đi thông điệp HLV Park Hang Seo không quan trọng chuyện tiền bạc nhưng từ chia sẻ của Lee Dong-jun thì cụm từ “chúng tôi phải xem xét khả năng tài chính từ phía Việt Nam” đã nói lên tất cả. Chuyện tiền lương chính là mấu chốt trong chuyện hợp đồng của HLV Park Hang Seo và VFF.

Rõ ràng, tình cảm và sự quý mến nhau, hay có ơn với nhau là một chuyện, còn hợp đồng thì cần có điều khoản, mục tiêu và những con số. Câu chuyện tiền lương phải hợp lý không chỉ cho VFF mà còn cả HLV Park Hang Seo.

Tiền là yếu tố quan trọng nhưng mặt trái trong câu chuyện hợp đồng của HLV Park Hang Seo và VFF rất đáng để suy ngẫm. Vì một giải thiết chắc chắn hàng triệu người hâm mộ không chờ đợi là HLV Park chọn giải pháp chia tay thì VFF cũng phải tìm một nhà cầm quân khác thay thế, câu chuyện tiền sẽ tiếp tục tái diễn. Cái giá cũng không thể rẻ, vì rẻ thì khó có người giỏi để tiếp nối thành của của HLV Park.

Nên nhớ, HLV Calisto từng nhận mức lương lên đến 25 nghìn USD sau khi giúp Việt Nam vô địch AFF Cup 2008. Đó là điều bắt buộc vì VFF phải nâng lương cho ông thầy Bồ Đào Nha, thay vì vẫn bình giá. Trường hợp HLV Park Hang Seo cũng như thầy “Tô”, nâng lương là điều không thể nào khác.

Đúng hơn, VFF sắm vai người làm chủ muốn có người giỏi thì phải có tiền để chi trả. Thậm chí, VFF cần rất nhiều tiền để lo cho HLV Park Hang Seo, đội ngũ trợ lý người Hàn Quốc, các HLV ở các cấp độ U… Vậy làm cách nào để VFF kiếm tiền?

VFF có hệ thống các giải đấu trẻ nhưng phần lớn đã bán. Giải U15 đang diễn ra ở sân Thống Nhất là ví dụ. VFF cũng từ lâu không còn tổ chức các giải U19, U21 vì đã bán. Bán tất cả thì VFF chỉ có một khoản tiền cứng nhận lại, họ không thể suy nghĩ cách kinh doanh để kiếm tiền theo kiểu mỗi năm làm sao tăng doanh thu.

Một nguồn tiền khác là VPF (Công ty cổ phần bóng đá Việt Nam) có chi hơn 10 tỷ mỗi năm cho VFF. Nhưng tiền này có ý nghĩa là phát triển bóng đá trẻ.

Những khoản tiền kể trên rõ ràng chưa đủ để VFF đầu tư cho các ĐTQG. VFF có một nguồn thu lớn hơn là thương hiệu các ĐTQG. VFF đi vận động tài trợ bán thương quyền ĐTQG, nguồn thu này là “xương sống” cho VFF có thể vận hành.

Hợp đồng của HLV Park Hang Seo sẽ được tái ký với sự hậu thuẫn từ doanh nhâ, doanh nghiệp?

Kể ra những khoản tiền trên để thấy VFF đang có nhiều nguồn để kiếm tiền nhưng chưa hiệu quả. Mặt trái vấn đề là VFF dường tiến bộ hơn so với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Nói như bầu Đức thì ông và các doanh nghiệp, doanh nhân sẵn sàng bỏ tiền giúp cho VFF trả lương HLV Park Hang Seo nhưng làm thế thì vai trò VFF quá lu mờ. Tức bóng đá đang tốt, có thành tích thì VFF phải chứng tỏ được sự tiến bộ, ít nhất là trong việc tự lo tiền lương cho HLV Park Hang Seo.

Tiền túi của Bầu Đức hay các doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp không phải là thước đo sự phát triển của một nền bóng đá. Họ yêu bóng đá nên đóng góp, còn bộ mặt quan trọng nhất phải là VFF. Liên đoàn bóng đá Việt Nam cần làm đầu tàu, những người lãnh đạo bóng đá phải cho thấy tầm nhìn và năng lực.

Ngược lại, nếu VFF trong tư thế làm chủ mà không tự lo được tiền lương cho HLV Park Hang Seo, phải nhờ cậy các doanh nghiệp, doanh nhân thì cũng chẳng khác nhiều so với giai đoạn bóng đá Việt Nam chưa thành công. Đó là điều đáng buồn khi bóng đá nước nhà đi lên chuyên nghiệp gần 20 năm, thành tích thay đổi quá lớn nhưng VFF vẫn chưa thể sống khỏe, sống tốt, cứ phải nhờ túi tiền của người ngoài.

Bao giờ VFF có thể tự lo tiền lương cho HLV ĐTQG? Câu hỏi này có lẽ đáng để những người làm bóng đá phải suy ngẫm!

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất