Biết bắt đầu từ đâu nhỉ? Tôi muốn kể bạn nghe chuyện ông nội đã làm thay đổi đời tôi thế nào. Tôi cũng muốn kể bạn nghe về Ronaldo, về Romario thò đầu ra khỏi máy bay, hay về chiếc Volkswagen màu cam.
Quá nhiều thứ để nói. Nhưng hãy khởi đầu với một… mùi hương.
Đấy là một trong những thứ đầu tiên tôi nhớ trong đời. Lúc ấy tôi tầm 6 tuổi, đang được gia đình cho đi nghỉ hè. Dẫu chẳng phải đến trường, nhưng tôi vẫn thức dậy lúc 7h30 sáng và cầm quả bóng xuống bãi biển Botafogo.
Đấy là Rio, thành phố của những cầu thủ hay nhất thế giới!
Công viên cạnh bờ biển có một sân bóng futsal và một khoảnh sân nhỏ cho bọn trẻ. Đến đây, bao giờ chúng tôi cũng thấy một ông già đứng la hét với bất kỳ chiếc xe nào đỗ vào công viên: “Một đô! Một đô! Một đô!”.
Tôi không bao giờ quên được giọng nói ấy, nhưng nhớ hơn cả vẫn là mùi đất. Một chiếc ống nước bị vỡ mãi chẳng ai sửa, nước tràn ra mặt đất, biến một khoảng sân futsal thành bùn. Mỗi sáng cầm quả bóng vào công viên chơi, tôi đều ngửi thấy cái mùi bùn đất ấy.
Sân bóng là lãnh địa của đám fan cuồng của CLB Botafogo. Đến muộn, hết chỗ thì đành phải tự đá bóng một mình quanh đó. Cũng có những ngày chẳng có ai buồn đến công viên đá bóng cả. Mặc kệ, Marcelo bé nhỏ luôn hiện diện.
Mùi hương nhớ đời, và cảm giác bóng chạm vào chân cũng không cách gì quên được. Cho đến tận bây giờ, sau bao nhiêu năm vẫn thế. Cứ bóng đến chân, những muộn phiền như tan biến. Có bóng trong chân, cậu nhóc Marcelo thậm chí chẳng cần ai chơi cùng. Ta với bóng, thế là đủ rồi.
Mùa hè năm ấy là World Cup 1994 trên đất Mỹ. Ở Brazil, trước khi giải đấu khởi tranh, mọi người tràn ra đường vẽ tranh cổ động. Họ trang trí mọi thứ với ba màu xanh lá, xanh dương và vàng, từ đường xá, hàng rào, bức tường đến những gương mặt người. Đấy là những ký ức để đời của đám trẻ Brazil. Làm sao quên được câu chuyện về Ronaldo, kể lại công việc tương tự mà chúng tôi đang làm. World Cup 1982, anh ấy chỉ là một cậu bé, và đã vẽ lên tường một bức họa của Zico.
Và anh biết gì không, Ronaldo? Ở tuổi lên 6, tôi đã vẽ hình anh lên mặt. Bởi vì anh là người hùng của bọn tôi, ký ức về anh khắc sâu trong lòng chúng tôi. Mà ký ức ấy là một cái gì đó thật khó tả, thật sâu đậm nhưng cũng thật mơ hồ. Tôi không nhớ nhiều về diễn biến của trận chung kết, tất cả như một mớ sương mù. Nhưng tấm ảnh trên trang nhất của tờ nhật báo địa phương thì như khắc sâu vào đá.
Đội tuyển quốc gia vừa bay trở về nhà, và Romario đã thò đầu ra khỏi cửa sổ theo đúng nghĩa đen, tay vẫy quốc kỳ Brazil, như thể anh ta vừa giúp đất nước này thống trị thế giới. Nhìn hình ảnh ấy, trái tim tôi dâng lên một niềm tự hào khôn tả. Tôi nghĩ trong lòng: Chúa ơi, con cũng muốn được giống như anh ấy.
Tất nhiên, đấy là một giấc mơ hoang đường vì nhiều lý do. Đầu tiên, có 200 triệu người Brazil muốn làm cầu thủ (kể cả… những ông già). Thứ hai, tôi thậm chí còn chưa là cầu thủ. Toàn bộ “kinh nghiệm trận mạc” của cậu nhóc 6 tuổi ấy chỉ là những trận đấu futsal 5 người. Để di chuyển đến các CLB là điều rất không thực tế với gia đình tôi lúc đó. Người dân ở Mỹ và Anh có lẽ chẳng hiểu được, nhưng xăng dầu ở Brazil vào thời điểm ấy cực kỳ đắt đỏ.
Thật may là tôi còn có ông nội, người quan trọng nhất trong câu chuyện mà tôi đang kể. Ông là một nhân vật rất ngầu, luôn đeo kính mát chất lừ và có những câu nói không bao giờ đụng hàng. Làm sao để dịch câu nói của ông sang tiếng của các bạn nhỉ.
Kiểu thế này: “Chúng mày giương mắt lên mà nhìn bố này. Bố đếch có một xu trong người, nhưng bố vui bỏ xừ ra!”.
Ông nội chở tôi đi đá bóng trên chiếc Volkswagen Variant đã cũ, chắc phải đời 1969. Nhưng khi tôi bắt đầu phải di chuyển đến nhiều nơi với đội, ông không còn đủ tiền đổ xăng nữa. Ngay cả tiền ăn trưa và sinh hoạt thôi đã quá chật vật rồi. Nên ông đi đến một quyết định làm thay đổi đời tôi.
Ông bán chiếc xe thân yêu nhất của mình để trả tiền vé xe buýt cho tôi. Hy sinh đến dường ấy, hẳn ông phải buồn lắm? Nhưng không. Ông rất vui. Và ông nói với mọi người: “Cháu tao là cầu thủ dữ nhất cái Rio này. Cầu thủ dữ nhất Brazil luôn. Phi thường! Không thể ngăn cản!”.
Trong mắt ông nội, tôi chưa bao giờ phạm một lỗi lầm nào. Ông ấy đến xem các trận đấu của tôi rồi về nói với bố tôi: “Mày phải đến xem con mày đá bóng đi. Xem nó làm những gì trên sân. Chúa ơi, chân nó ma thuật lắm!”.
Bố tôi nghe thế, nhưng thời gian đâu mà xem, vì bố phải làm việc quần quật kiếm ăn mà. Lúc đó, chắc bố nghĩ ông nội đã già và lẩm cẩm mất rồi. Ngay cả những trận đấu tôi đá tệ và đội thua bét nhè, ông nội tôi vẫn chỉ rụt vai và nói: “Ờ, thua thôi mà, có sao đâu con”.
Ông nội làm cho tôi có cảm giác mình là Ronaldo. Ở cái tuổi lên 9 ấy, tôi đã thề với Chúa, một ngày nào đó tôi sẽ bước vào nhà, ngực ưỡn lên và nói: “Con đã là một cầu thủ bóng đá!”.
Rồi một ngày nọ, khi tôi tầm 12 tuổi, ông nội đến xem một trận đấu của tôi, lái một con Volkswagen Beetle màu cam.
Hết trận, ông dẫn tôi ra bãi xe và nói: “Lái về nhà đi con”.
Tôi sửng sốt kiểu: “Ơ, xe này ở đâu thế ông?”
Ông nói: “Jogo do Bicho.”
Ở Rio, thuật ngữ ấy gọi là… đánh đề. Trò ấy không hoàn toàn hợp pháp. Mỗi người chọn một con số, ứng với một con vật, rồi cuối ngày người ta sẽ tiến hành xổ số. Tôi không biết ông nội đã đánh cược bao nhiêu vào trò này để có thể đủ tiền tậu cả một chiếc Volkswagen Beetle.
Đấy là một chiếc xe rất ngầu. Chúng tôi đã lái nó đến mọi nơi. Năm lên 15, tôi được mời đến thử chơi sân 11 người với đội trẻ Fluminense. Vấn đề là sân tập ở Xerem, cách nhà tôi hai giờ lái xe. Tiền xăng đâu để mà di chuyển hàng ngày đây. Nên tôi quyết định xin ở lại ký túc xá. Những ngày đầu tiên thật buồn, làm gì cũng lủi thủi một mình.
Mỗi tối thứ Bảy, ông nội sẽ đến rồi chở tôi về lại Rio. Tôi sẽ có một ngày Chủ nhật ở nhà, rồi ông chở tôi đến ký túc xá. Ông đã trúng đề, nhưng không phải trúng số độc đắc. Nên con Beetle kia cũng chỉ là xe cũ mua lại, model từ tận 1970. Mỗi lần đánh lái hơi mạnh, radio chuyển sang kênh khác liền.
Sau một thời gian đi đi về về giữa Rio và Xerem, tôi cảm thấy mình giống như nô lệ của bóng đá vậy. Đám bạn ngày xưa của tôi suốt ngày ra biển chơi đùa, còn tôi chỉ biết tập và tập.
Một ngày nọ ông đến rước tôi, tôi chịu không nổi nữa và nói: “Con không đá bóng nữa, con về nhà thôi”.
Và ông nói: “Không, không, không. Con không được làm vậy. Sau tất cả những gì đã bỏ ra, con muốn từ bỏ ư?”.
“Con chỉ được ngồi dự bị, con đang hoài phí tuổi trẻ của con. Con chẳng ngóc đầu lên nổi đâu”. Tôi nói rồi bật khóc.
Ông dỗ: “Marcelo, bình tĩnh lại con. Con không nghỉ được. Ông ráng sống để chờ đến ngày nhìn con chơi bóng tại Maracana mà”.
Lời nói ấy đã thức tỉnh tôi. Và tôi nói: “Thôi để con ráng một tuần nữa vậy”.
Hai năm sau đó, tôi hoàn thành tâm nguyện của ông nội. Tôi đã bước vào sân vận động huyền thoại Maracana với đội một Fluminense, và ông ngồi trên khán đài. Khi tôi bước qua tuổi 18, các CLB châu Âu đã nhăm nhe mang tôi đi. Có CSKA Moscow, rồi Sevilla nữa. Lúc ấy Sevilla đang chơi rất bốc, lại có nhiều cầu thủ Brazil trong đội hình. Tôi nghĩ: “Chà, Sevilla coi bộ ngon”.
Rồi một ngày, một tay môi giới gọi tôi: “Mày có muốn sang Real Madrid không?”
“Hả? Ừ, tất nhiên rồi”, tôi trả lời theo phản xạ dù không biết người gọi điện là ai.
Ông ta nói: “Vậy thì sang Real Madrid thôi, viết giấy cam kết đi”.
Một vài tuần sau, chúng tôi đá một trận ở Porto Alegre, và đại diện của Real Madrid đã đến gặp tôi tại khách sạn. Tôi xuống sảnh chờ và một quý ông bước đến, giới thiệu bản thân. Nhưng ông ta không mang phù hiệu Real, cũng chẳng đưa cho tôi một danh thiếp nào cả. Câu chuyện của ông ấy cũng có vẻ mông lung.
“Thế cậu đã có bạn gái chưa?”
“Dạ rồi”.
“Cậu sống với ai?”
“Với bà ạ”
Không một câu hỏi nào về bóng đá, không có gì chính thức cả. Tôi bắt đầu tự hỏi: “Việc này có thật không?”. Nhưng hai ngày sau, một cuộc gọi đến thông báo: Real Madrid muốn tôi sang làm thủ tục khám sức khỏe.
Đến tận 16 tuổi, tôi thậm chí còn không biết có một đấu trường gọi là Champions League. Lần đầu tiên tôi biết giải này là khi cùng xem một trận đấu với các đồng đội tại Xerem. Porto gặp Monaco. Tôi sững sờ: Sao khán đài lại đông thế, đèn lại sáng thế, cỏ lại xanh thế kia. Trận đấu cứ như diễn ra ở một hành tinh khác vậy.
Giữa trận đấu, tôi buộc miệng hỏi: “Cái này là giải gì thế?”
“Champions League đó”
“Champions gì cơ?”:
“Trời ơi, chung kết Champions League đó mày”.
Tôi còn không biết bạn tôi đang nói gì. Ở Brazil, Champions League chỉ được phát trên những kênh truyền hình trả tiền. Người dân đa số không đủ tiền để xem.
Vậy mà đùng một cái, tôi thấy mình đang ngồi máy bay đến Madrid. :D
Nhưng lúc ấy tôi vừa 18. Tôi thề có Chúa: tôi chỉ nghĩ mình sang đó để nói chuyện, thương thảo gì đó. Vậy mà đến nơi, tôi đã thấy bản hợp đồng trên bàn, logo Real Madrid to oạch. Tôi… ký không cần nghĩ. Rồi mấy nhân vật áo xống chỉnh tề dẫn tôi ra thẳng sân bóng để… giới thiệu cho truyền thông. Gia đình tôi ở Brazil còn chẳng dám tin vào sự thật cho đến khi họ đọc được bản tin trên nhật báo Globo Esporte:
“CHÀNG TRAI 18 TUỔI MARCELO RA MẮT Ở REAL MADRID”.
Tôi không dám tin vào điều này vì lúc đó, Roberto Carlos chính là thần tượng của tôi. Ở hành lang cánh trái mà tôi thi đấu, anh ấy thật sự là một vị thần. Trời ơi, tôi chuẩn bị đá cùng đội với vị thần ấy ư?
Bước vào trong phòng thay quần áo, tôi thấy toàn đồng hương: Robinho, Cicinho, Julio Baptista, Emerson, Ronaldo, Roberto Carlos. Tất nhiên là còn những Casillas, Raul, Beckham, Cannavaro. Cậu bé Marcelo, là tôi đây, rụt rè ngồi xuống, cạnh những người mà nó chỉ thấy trên trò chơi điện tử. Họ có thể ăn tươi nuốt sống mình chứ chả chơi.
Nhưng Real Madrid là một CLB thật sự đặc biệt. Thấy tôi rụt rè, Roberto Carlos bước đến và nói: “Điện thoại của tao nè. Cần gì, cứ gọi nhen”.
Giáng sinh đầu tiên của tôi ở Madrid, anh ấy gọi cho vợ tôi và mời cả gia đình sang chơi. Roberto Carlos là thần tượng, cũng là người tôi phải cạnh tranh vị trí hậu vệ trái. Ở vị thế của anh ấy, việc gì phải đối xử tốt với một đứa nhóc con. Nhưng đấy là Roberto Carlos, anh ấy cực kỳ tự tin, mà tự tin là chỉ dấu của một người đàn ông chân chính.
Tôi tập luyện và thi đấu với nguồn cảm hứng từ anh ấy. Carlos lên công về thủ như một con quái vật. Tôi phải tấn công, với tôi nó không phải là một sở thích nữa, mà là lẽ sống. Vào trận là phải nghĩ chuyện ghi bàn, ép sân đối thủ đã. Chừng nào bị ép thì tính tiếp, chừng nào sai thì sửa. Nhưng trước tiên phải tấn công.
Bạn chỉ có thể chơi bóng với sự tự do này một khi thấu hiểu các đồng đội của mình. Fabio Cannavaro luôn đá gần tôi, và nói: “Cứ lên đi, Marcelo. Anh sẽ ở đây. Thoải mái vào, anh là Cannavaro mà chú lo gì”.
Casemiro vẫn nói thế với tôi giai đoạn gần đây. “Lên đi anh, để tụi nó đó em hốt cho”.
Trời ơi, Casemiro thật sự giải cứu tôi. Với cậu ấy sau lưng, tôi có thể chơi bóng đến năm 45 tuổi!
Trong thời gian đấu ở Madrid, Cannavaro “bảo kê” cho tôi rất nhiều. Anh ấy ra một luật: cứ lên tấn công thoải mái, nhưng mất bóng thì phải chạy về. Còn chạy về không kịp thì xác định ăn chửi. Cannavaro rất nghiêm khắc trong việc này, và điều đó tốt cho tôi.
Ở Real Madrid, đòi hỏi cực cao. Kết thúc mùa bóng đầu tiên, một sếp gọi tôi vào phòng. Lúc ấy còn trẻ trâu, tôi đội mũ bóng chày bước vào, ngỡ như chỉ nói chuyện qua loa. Nhưng ông ấy bảo muốn mang tôi cho CLB khác mượn. Tôi hiểu Real muốn tôi trau dồi kinh nghiệm. Nhưng tôi đã sợ: lỡ đi rồi không trở lại thì sao?
Nên khi vị ấy chìa tờ giấy ra, tôi nói: “Nếu tôi không ký, thì tôi không phải đi, đúng không?”.
“Đúng. Nhưng tôi nghĩ cậu nên đi để lấy kinh nghiệm”.
“Tôi sẽ tự rút kinh nghiệm được mà không cần phải đi”.
Và tôi rời khỏi căn phòng ấy.
Carlos rời Real Madrid trong mùa hè ấy và tôi được ra sân nhiều hơn. Marcelo bé nhỏ bắt đầu bung lụa.
Mỗi lần về lại Brazil nghỉ hè, tôi hay đến thăm ông nội. Và chiếc rương của ông ngày một đầy thêm. Đấy là chiếc rương mà ông vẫn dùng để lưu giữ những kỷ niệm đá bóng của đứa cháu, từ khi nó lên 6 tuổi. Tranh ảnh, cúp, những bài báo. Ông dán tất cả những bài viết, những tấm ảnh vào quyển sổ, ông lấy kéo cắt ra, dán vào, trang trí các kiểu. Trở lại từ Real, tôi thấy ông vẫn làm việc ấy. Chúng tôi vô địch La Liga, báo chí viết nhiều vô kể, nhưng ông không muốn bỏ sót một bài báo nào.
Tôi muốn thêm hai thứ vào bộ sưu tập ấy của ông: chiếc Cup Champions League và chức vô địch World Cup. Khi máy bay hạ xuống, tôi sẽ thò đầu ra cửa sổ máy bay, như Romario vậy.
Chung kết Champions League 2014, chúng tôi đá với Atletico và ông ốm nặng. Trước trận chung kết, tôi đá bốn trận liên tiếp và sẵn sàng cho trận đấu cuối cùng của mùa giải. Nhưng HLV lại chọn một cầu thủ khác cho vị trí hậu vệ trái. Tất nhiên là buồn kinh khủng, và giận nữa. Nhưng thâm tâm tôi cảm nhận có một điều gì đó đang chờ đợi phía trước.
Atletico sớm vươn lên dẫn 1-0. Phút thứ 90, tôi vẫn chờ đợi một điều gì đó lớn lao. Và Sergio Ramos gỡ hòa phút thứ 93, kéo chúng tôi trở lại từ cõi chết. Tôi không hiểu sao anh ấy luôn có khả năng ghi bàn ở những phút chót như thế, có thể do kiểu tóc. Rồi HLV gọi tôi và Isco ra khởi động, tôi đã vào sân với rất nhiều sự giận dữ, nhưng là giận dữ tích cực. Tôi muốn chinh phục sân bóng này.
Khi ghi bàn trong hiệp phụ, đầu óc tôi không còn nghĩ được gì nữa. Tôi đã nghĩ đến việc cởi áo ăn mừng, nhưng bản năng vẫn ngăn lại: thẻ phạt chết. Thế là thay vì cởi áo, tôi bật khóc, thật là điên.
Lúc ấy là 10 năm kể từ khi tôi xem trận Champions League đầu tiên trên TV, nhìn ánh sáng tuyệt đẹp, bãi cỏ thật xanh và mở mồm hỏi: “Cái này là giải gì thế?”. 10 năm sau, tôi cầm trên tay chiếc Cup Champions League thứ 10 trong lịch sử Real.
Vài tháng sau trận chung kết đó, ông tôi qua đời ở Rio.
Tôi hạnh phúc và tự hào khi ông được tận mắt nhìn thấy tôi nâng cao chiếc Cúp ấy. Vì không có ông, làm sao tôi đi xa được đến vậy.
Đôi khi tôi thức dậy và nghĩ: “11 mùa bóng ở Real Madrid, 11 năm chơi cho đội tuyển Brazil, lại tấn công điên cuồng mất trí, sao tôi có thể trụ lại được đến giờ?”.
Mỗi ngày đi tập, đỗ xe rồi vào phòng thay quần áo của Real, tôi đều có một cảm giác gì đó thật mãnh liệt. Vì được là một phần trong di sản của CLB là điều vô giá.
Nhưng tôi vẫn còn một nhiệm vụ cuối cùng.
Ở vòng chung kết World Cup 2018, Brazil sẽ trở lại. Hãy ghi ra giấy đi, hãy nhớ, với Tite trên ghế huấn luyện, chúng tôi sẽ lại làm quốc kỳ Brazil tung bay tự hào ở vị trí cao nhất. Vì Tite là một nhân vật xuất chúng.
Khi nhận công việc HLV trưởng đội tuyển, ông ấy gọi tôi và nói: “Tôi không hứa sẽ gọi cậu, nhưng nếu tôi gọi, cậu có sẵn sàng khoác áo đội tuyển nữa không?”.
Tôi nói: “Thưa thầy, chỉ cần cuộc gọi này với tôi đã là quá sung sướng. Tôi đã khoác màu áo này từ năm 17 tuổi, không nề hà gì bay 20 tiếng dù phải dự bị. Giờ tôi có thể chối từ ư? Hãy gọi tôi bất cứ lúc nào ông cần”.
Cuộc gọi ấy với tôi là tất cả. Đấy là lần đầu một HLV đội tuyển gọi cho tôi dù tôi đã ăn cơm tuyển 11 năm. Tôi có thể giết người vì Tite, và tôi có thể làm mọi thứ để bổ sung chiếc Cup duy nhất còn thiếu vào chiếc rương của ông nội tôi.
Còn lỡ tôi không thể mang chiếc Cúp ấy về thì sao? Tôi sẽ nói:
Thì tôi vẫn là Marcelo thôi. Vui bỏ xừ ra!