Đằng sau tấm HCV SEA Games 30 của Lý Hoàng Nam là những câu chuyện dài về hành trình đam mê bất tận và mối nhân duyên kỳ lạ với môn tennis.
6 tuổi bén duyên tennis và hành trình ngủ gật trên lưng bố
Ngay sau khi biết con trai giành HCV SEA Games 30, bà Đỗ Thanh Yến (mẹ của Lý Hoàng Nam) chia sẻ với Saostar: “Tôi thực sự rất vui. Niềm vui không có gì tả nổi khi mọi sự nỗ lực của con trai đã được đền đáp. Tôi cũng biết đó là tấm HCV đầu tiên của quần vợt Việt Nam ở sân chơi SEA Games. Thế nên, gia đình tôi rất hạnh phúc khi thấy con trai cuối cùng cũng thực hiện được giấc mơ giành HCV SEA Games”.
Sáng nay (6/12), Lý Hoàng Nam đã đi vào lịch sử quần vợt Việt Nam khi giành HCV đơn nam môn quần vợt SEA Games 2019. Lý Hoàng Nam đã xuất sắc đánh bại đàn anh Daniel Nguyễn với tỷ số 2-0 (6-2, 6-4) ở trận chung kết toàn Việt Nam.
Lý Hoàng Nam là tài năng đặc biệt của quần vợt Việt Nam. Hoàng Nam có hành trình đến với quần vợt nhờ gia đình có niềm đam mê môn thể thao này.
“Lúc nhỏ, Nam thường được tôi chở đến sân tennis để chơi. Thế nhưng những cây vợt ngày ấy đắt tiền lắm nên tôi không dám đưa cho con cầm chơi. Khi đó, nó còn rất nhỏ nên chỉ thường chạy nghịch với bóng và một lần giải lao thì người bạn của tôi đưa vợt cho Nam đánh thử. Bất ngờ, Nam có những động tác cho thấy có năng khiếu nên người bạn khuyên tôi cho con học tennis. Chuyện Nam đến với tennis bất ngờ như thế đấy”.
Đó là chia sẻ của bà Đỗ Thanh Yến với người viết về những ngày đầu con trai bắt đầu biết đến quả bóng tennis. Bà Yến có niềm đam mê quần vợt nên thường đến sân tập cùng các bạn bè. Hoàng Nam mới 6 tuổi đã được mẹ dẫn theo và rất thích nghịch cùng trái bóng. Mối nhân duyên của Hoàng Nam và tennis đã giúp cho quần vợt Việt Nam có một tài năng dị biệt.
Trước sự đam mê và những tố chất của một cậu bé có thể chơi tennis giỏi, bà Yến cho con tập quần vợt tờ năm 7 tuổi. Hoàng Nam nhanh chóng cho thấy được tài năng của một thần đồng khi vô địch U.10 tại Nha Trang vào năm 9 tuổi. Chức vô địch nảy cũng đưa Hoàng Nam đến với B.Bình Dương, lò đào tạo quần vợt hàng đầu Việt Nam.
“Hàng tuần, Nam tập ở B.Bình Dương từ thứ Hai đến thứ Sáu và mỗi lần đón đi, đón về vất vả lắm. Từ nhà sang Gò Đậu phải mất đến 60km nhưng chồng tôi bất kể nắng mưa, ngày nào cũng đưa đón Nam đi tập.
Nhiều hôm, tôi nhìn cảnh hai cha con đi mà thấy thương lắm. 5h sáng Nam phải dậy và nằm ngủ trên lưng chồng tôi cho đến tận Bình Dương. Thật sự, vất vả vô cùng vì đường xá ngày ấy không thuận lợi lắm”, bà Yến kể lại những ngày Hoàng Nam ngủ gật trên lưng bố để đi tập tennis ở B.Bình Dương.
Những điều đặc biệt sau tấm HCV SEA Games 30 của Lý Hoàng Nam
Với thể thao Việt Nam, tennis là một môn thể thao tốn rất nhiều kinh phí cho chuyện đầu tư để VĐV phát triển tài năng. Độc giả có thể nhìn qua lăng kính những câu chuyện bi hài như nhà vô địch Olympic 2016 - Hoàng Xuân Vinh phải tập… chay vì thiếu đạn. Hoàng Nam đến với tennis dưới sự đầu tư có thể nói là “cực khủng” so với phần còn lại của thể thao Việt Nam.
Lò B.Bình Dương đầu tư cho Hoàng Nam ở thời điểm năm 2015 với con số mỗi năm lên đến gần 200 nghìn USD (hơn 4 tỷ đồng). Số tiền này bao gồm cả chi phí trả lương cho HLV ngoại, các chuyến tập huấn, thi đấu trong và ngoài nước.
Theo Saostar tìm hiểu, Lý Hoàng Nam được đầu tư vào khoảng 200 nghìn USD/năm kể từ năm 2015. Đây là con số cực lớn, chỉ kém mỗi kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên - VĐV tập luyện ở Mỹ trong nhiều năm qua. Có thể nói Hoàng Nam là “VĐV triệu đô” của quần vợt Việt Nam.
Lò B.Bình Dương từng được xem là nơi đào tạo VĐV quần vợt số 1 Việt Nam. Họ bỏ rất nhiều tiền để đầu tư cho các VĐV và có lộ trình rất bài bản. Mỗi VĐV đều có kế hoạch 5 năm để phát triển, với những mục tiêu cụ thể.
Một điều đáng nói, Lý Hoàng Nam đã chia tay lò B.Bình Dương hồi tháng 9 năm nay. Hoàng Nam về đầu quân cho một đơn vị mới ở quê nhà Tây Ninh.
Từng là đơn vị chủ quản của Lý Hoàng Nam trong nhiều năm (B.Bình Dương), ông Lê Việt Cường (Tổng thư ký Liên đoàn quần vợt Bình Dương) nói về chuyện Hoàng Nam giành HCV SEA Games 30: “Tôi thật sự bất ngờ khi nhận được điện thoại chúc mừng. Tôi nghĩ mọi người quên mất rồi.
Thực sự, tôi rất vui khi biết Nam có HCV SEA Games 30 dù em đã trở về lại Tây Ninh hồi tháng 9 năm nay. Chúng tôi vui không phải vì câu chuyện thành tích, hay bảo kể công là nơi đào tạo ra Lý Hoàng Nam. Chúng tôi vui ở đây là chung tay đóng góp cho thể thao nước nhà.
Chúng tôi có nhiều thay đổi với kế hoạch trong 10 năm tới, B.Bình Dương đầu tư vào học đường, đó là nguồn lực thể thao quan trọng để có thể sản sinh ra hàng trăm, hàng nghìn tài năng cho quần vợt Việt Nam…”.
Với Hoàng Nam, câu chuyện không chỉ được ăn tập ở một lò quần vợt hàng đầu Việt Nam, anh còn đánh đổi nhiều thứ trong cuộc sống để theo nghiệp banh nỉ. Hoàng Nam tập chuyên nghiệp từ năm 10 tuổi, xa gia đình, mỗi ngày tập luyện và thi đấu rất nhiều. Gia đình Hoàng Nam cũng cảm nhận được sự mất mát tuổi thơ của con trai, bởi thua thiệt bạn bè về nhiều mặt như không có tuổi thơ, ngay từ nhỏ đã phải gắn bó với quả bóng đến tận ngày hôm nay.
Đằng sau tấm HCV lịch sử của Lý Hoàng Nam ở SEA Games 30 thực sự rất đặc biệt, đó là cả một hành trình đam mê của Lý Hoàng Nam từ năm 6 tuổi đến chuyện chắp giấc mơ cho con của gia đình. Và một điều không thể bỏ qua chính là lò B.Bình Dương, dù Hoàng Nam đã về Tây Ninh nhưng bệ phóng từ một lò đào tạo bài bản, có sự đầu tư “khủng” trong công cuộc “trồng người” cho quần vợt Việt Nam thật sự đáng ghi nhận.