Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam: 'Chết chìm' trên đỉnh cao!

CLB Quảng Ninh muốn thi đấu trở lại phải bắt đầu từ giải hạng Ba. Đó là lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam.

Đội bóng của bầu Hùng trong 5 năm qua luôn ở trong nhóm các đội bóng mạnh nhất V.League. Mùa bóng 2021, Quảng Ninh FC có mặt ở Top 3 và có khả năng được đá AFC Cup 2022. Bây giờ đội bóng đất Mỏ chính thức đi vào dĩ vãng ở sân chơi chuyên nghiệp do nợ tiền, và không còn khả năng hoạt động.

CLB Quảng Ninh lần đầu dự V.League vào năm 2014, hai mùa bóng kế tiếp có sự tài trợ kinh phí từ doanh nghiệp của bầu Hiển. Đội bóng đất Mỏ vô địch Cúp quốc gia vào năm 2016 sau chiến thắng trước Hà Nội FC. Nhưng càng chơi thì Quảng Ninh FC càng lún sâu vào bài toán "tiền đâu để tiếp tục chơi". Mọi thứ cứ dồn theo từng mùa và bi kịch là Quảng Ninh FC không còn có tên ở V.League 2022.

Quảng Ninh FC có thể nói là "chết chìm" trên đỉnh cao. Một cuộc sụp đổ như là cảnh báo cho bóng đá Việt Nam về nỗi lo cho nhiều CLB có thể "đạp lên vết xe đổ" của đội bóng đất Mỏ nếu không thay đổi cách làm.

Lời cảnh báo cho bóng đá Việt Nam: 'Chết chìm' trên đỉnh cao! Ảnh 1
CLB Quảng Ninh bây giờ chỉ còn là dĩ vãng ở V.League khi "chết chìm" trên đỉnh cao. Ảnh: VPF

Thực tế, bóng đá Việt Nam đã ghi nhận rất nhiều CLB "chết chìm". Thậm chí, một số địa phương đang có đội bóng chuyên nghiệp thì trở thành vùng trắng trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Điển hình như Vissai Ninh Bình, Navibank Sài Gòn, Kienlong Bank Kiên Giang, Sài Gòn Xuân Thành...

Hãy lấy một ví dụ cụ thể là Sài Gòn Xuân Thành (SGXT) của bầu Thụy - doanh nhân đang thu hút dư luận về chuyện liên quan đến Hồ Văn Cường của showbiz Việt Nam.

Đội bóng của bầu Thụy là trường hợp kỳ lạ bậc nhất lịch sử bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Ông Nguyễn Đức Thụy mua lại suất đá hạng Nhất vào năm 2010 và CLB Xi măng Xuân Thành Hà Tĩnh (tiền thân CLB Sài Gòn Xuân Thành) vô địch giải hạng Nhất 2011 để giành suất dự V.League 2012. Đội bóng này "chuyển hộ khẩu" vào TPHCM và đổi thành CLB Sài Gòn Xuân Thành. Sự đầu tư rầm rộ giúp cho CLB SGXT đăng quang Cúp quốc gia và suýt vô địch V.League 2012. Đội bóng của bầu Thụy hụt chức vô địch trong ồn ào "hai đánh một", tức đội bóng này được dư luận nhìn nhận là bị CLB Đà Nẵng và Hà Nội T&T của bầu Hiển "đánh hội đồng".

Sau một năm SGXT lên V.League và suýt vô địch, bầu Thụy tuyên bố sẽ bỏ bóng đá nếu VFF không "xử" chuyện bầu Hiển là ông chủ của hai CLB. Cuối năm 2012, ông Nguyễn Đức Thụy chính thức rút lui để nhường lại ghế Chủ tịch cho ông Nguyễn Xuân Thủy - em trai của bầu Thụy. Kết cục cuối cùng là SGXT chính thức "chết chìm" vào cuối mùa bóng 2013.

Có hai vấn đề về "cái chết" của SGXT: Thứ nhất, sự mâu thuẫn với việc thiếu minh bạch ở V.League, trong đó nổi bật là chuyện bầu Thụy công khai "đòi xử" hai đội bóng của bầu Hiển. Thứ hai, cơ chế quản lý và cách làm bóng chuyên nghiệp tồn tại quá nhiều vấn đề.

Ở vế thứ hai của SGXT có điểm tương đồng rất lớn với CLB Quảng Ninh, cả hai cùng "chết" trên đỉnh cao và liên quan đến vấn đề tài chính. SGXT chi rất nhiều tiền trong hai năm liên tiếp để lập tức có thành công, đến năm thứ ba thì giảm lương toàn đội và "chết chìm".

Từ SGXT đến CLB Quảng Ninh phản ánh đầy đủ về thực trạng đáng buồn của bóng đá Việt Nam: Một CLB ở V.League có thể "chết" ngay trên đỉnh cao chứ không cần phải rơi vào cảnh xuống hạng. Và có nhiều tấm gương lớn trong quá khứ nhưng rốt cuộc thì V.League vẫn tồn tại chuyện CLB giã từ cuộc chơi vì hết tiền.

Nỗi lo lớn cho bóng đá Việt Nam là sau Quảng Ninh FC thì có thêm những đội bóng khác rơi vào cảnh tương tự. 

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất