Khuya ngày 16/9, tuyển futsal Việt Nam chạm trán Panama. Nếu muốn đi tiếp ở FIFA Futsal World Cup 2021, cả hai buộc phải có ba điểm trong trận đấu “sinh tử” này.
Tuyển futsal Việt Nam đã khởi đầu vô cùng ấn tượng khi Minh Trí và Châu Đoàn Phát ghi liên tiếp hai bàn giúp đội nhà dẫn trước 2-0. Chỉ hai phút sau đó, Castrellon rút ngắn tỷ số còn 1-2 cho Panama.
Phút thứ 11, thủ thành Hồ Văn Ý có tình huống phát bóng đưa bóng đập 2 cột dọc. Bban huấn luyện tuyển futsal Việt Nam đã sử dụng quyền yêu cầu trọng tài chính xem lại video trên sân khi cho rằng bóng đá đi qua vạch vôi.
Ở mùa giải năm nay, FIFA lần đầu tiên áp dụng công nghệ VS (tương tự như VAR ở sân 11 người). Nhưng sau khi trọng tài chính và trợ lý xem lại băng ghi hình, định không có bàn thắng nào dành cho tuyển futsal Việt Nam khiến thầy trò HLV Phạm Minh Giang rất thất vọng.
Đây không phải là lần đầu tiên các đội tuyển quốc gia Việt Nam "kém duyên" với công nghệ hỗ trợ trọng tài. Trước đó, đội tuyển Việt Nam cũng hai lần gặp bất lợi với VAR tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022.
Ở lượt trận mở màn gặp Saudi Arabia, trọng tài sau khi tham khảo công nghệ VAR đã xác định Duy Mạnh phạm lỗi bóng chạm tay trong vòng cấm khiến trung vệ sinh năm 1996 phải nhận thẻ vàng thứ 2 rời sân và đối thủ được hưởng một quả penalty.
Đến trận tiếp Australia trên sân Mỹ Đình, Hồng Duy có pha dứt điểm bóng trúng tay cầu thủ đối phương. Trọng tài chính cũng tham khảo VAR nhưng sau đó lại xác định không có lỗi, đồng nghĩa với việc tuyển Việt Nam không được hưởng quả phạt đền nào.
Lần đầu tiên, bóng đá Việt Nam được trải nghiệm VAR là tại tứ kết Asian Cup 2019 với đối thủ Nhật Bản. Ở trận đấu này, trọng tài có hai lần tham khảo VAR.
Tình huống đầu tiên, trọng tài từ chối bàn thắng của Nhật Bản sau khi xác định cầu thủ để bóng chạm tay trước khi ghi bàn vào lưới Đặng Văn Lâm.
Tình huống còn lại là pha phạm lỗi của Bùi Tiến Dũng với cầu thủ đối phương trong vòng cấm. Sau khi tham khảo VAR, trọng tài cho Nhật Bản hưởng phạt đền. Ritsu Doan thực hiện thành công để mang về chiến thắng 1-0 cho Nhật Bản.