Nhiều người thừa nhận rằng cộng đồng mạng bây giờ thực sự quá… đáng sợ. Chỉ vì một clip của người nổi tiếng trên Facebook có thể khiến nhiều người trở thành nạn nhân của trào lưu của đám đông.
Mới nhất, PewPew phải dừng cuộc chơi khi bị “tấn công” bởi fan của Khoa Pug. Tiệm bánh mì của PewPew đang nhận được đánh giá 1 sao từ cộng đồng mạng. Nguyên nhân sâu xa là PewPew đăng quan điểm cá nhân liên quan đến vụ Khoa Pug “bóc phốt” resort trên Facebook.
Trước đó, resort Aroma, hay bất kỳ khách sạn nào có tên Aroma, hoặc một cái tên nào liên quan chữ Aroma cũng bị “vạ lây” bởi cơn tức giận từ cư dân mạng. Nguồn gốc đến từ chuyện một chàng trai nổi tiếng trên mạng xã hội là Khoa Pug “bóc phốt” một resort có tên Aroma.
Câu chuyện kể trên chỉ ra rằng: Đám đông trên mạng xã hội thực sự quá đáng sợ. Họ có thể bị dẫn dắt bởi một nhân vật nổi tiếng có được lượt like và share nhiều trên mạng xã hội. Vấn đề là hậu quả có thể khiến cho một doanh nghiệp, một cá nhân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, còn người tạo ra “làn sóng” nghiễm nhiên được đám đông xem là “nạn nhân”.
Sự bùng nổ của mạng xã hội rõ ràng có thể giúp cho một nhân vật nổi tiếng thao túng đám đông từ một thông tin đăng tải trên trang cá nhân. Họ có thể tạo ra làn sóng bằng thủ thuật, sau đó đứng nhìn đám đông làm công việc còn lại.
Một câu chuyện khác có thể xảy ra từ đám đông là nhân vật chính được ủng hộ trở thành “nạn nhân bất đắc dĩ”. Tức có sự ủng hộ của đám đông thì chưa chắc là điều tốt đẹp. Nguyễn Công Phượng, chàng tiền đạo đang chơi bóng cho Incheon United là ví dụ.
Những nhận xét thiếu tích cực đang xuất hiện dành cho K-League và HLV trưởng CLB Incheon United. Nhiều CĐV Việt Nam cho rằng Công Phượng đang bị cô lập ở Incheon United, còn HLV Andersen bị chỉ trích là không biết sử dụng tiền đạo người xứ Nghệ.
Thậm chí, một số ý kiến nhận định Incheon United quá kém, không có cầu thủ đủ đẳng cấp để đá với Công Phượng. Một nhận xét rất buồn cười khi phần lớn quên rằng, tuyển Việt Nam từng khổ sở thế nào khi đá với đội sinh viên Hàn Quốc. Incheon United từng chơi thứ bóng đá khác biệt như thế nào ở sân Thống Nhất trước đội liên quân của CLB TP.HCM và CLB Sài Gòn FC.
Công Phượng liên tục đá chính ở K-League đã là một sự ghi nhận lớn cho hành trình tiến bộ của chân sút này. Bản thân Công Phượng cũng hiểu rõ vì sao cần nỗ lực, khi chính anh từng bị đám đông chỉ trích không tiếc lời trên mạng xã hội vào năm 2017. Thời điểm đó, Công Phượng đá hỏng phạt đền trước Thái Lan, còn U22 Việt Nam sớm rời SEA Games 29 từ vòng bảng. Có CĐV Việt Nam còn đòi Công Phượng phải giải nghệ ngay lập tức để làm tấm gương cho các cầu thủ khác.
Bây giờ, nhiều CĐV đang chỉ trích Incheon United, tạo thành làn sóng không tích cực. Đó chắc chắn không phải là cách yêu Công Phượng đúng cách. Điều này chỉ tạo thêm áp lực cho chính Công Phượng, thậm chí gây khó cho tiền đạo người xứ Nghệ hòa nhập cùng đội bóng. Chính các ý kiến kiểu “chửi” trên mạng xã hội mới đẩy Công Phượng vào thế bị cô lập.
Nếu những ai từng đọc cuốn “Tâm lý học đám đông” của Gustave Le Bon sẽ hiểu được điều quan trọng: Đám đông theo trào lưu thì không còn có chỗ cho lý trí, hay sự khoan nhượng. Câu chuyện của Khoa Pug, PewPew, hay Công Phượng đang phản ánh đầy đủ về điều này.
Làm cách gì để tránh tạo ra làn sóng đám đông? Câu trả lời là cần phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều mặt, tỉnh táo đón nhận hay tạo ra thông tin trên mạng xã hội. Vì những bình luận, hoặc “like và share” theo theo đám đông có thể tạo ra những hệ quả khôn lường.