Câu lạc bộ bóng đá Cảng Sài Gòn - đội bóng từng giàu thành tích nhất bóng đá Việt Nam với 4 lần vô địch quốc gia. Đây là lý do khi nói về bóng đá thì hai tiếng Sài Gòn có ý nghĩa đặc biệt trong lòng người hâm mộ, có tính lịch sử và sự trang trọng giống Thể Công.
Đội Cảng Sài Gòn là một cái tên đầy tự hào với người hâm mộ. Dù không còn nhưng Cảng Sài Gòn luôn sống mãi trong lòng khán giả, là một thương hiệu có tầm vóc lịch sử, là biểu tượng của bóng đá Việt Nam.
Hơn một thập kỷ qua, bóng đá TPHCM đã xuất hiện ở V.League với ba đội bóng gắn hai tiếng Sài Gòn gồm Navibank Sài Gòn, CLB Sài Gòn Xuân Thành và Sài Gòn FC. Điểm chung cả ba đội bóng này đều không có gốc ở TPHCM và xuất hiện nhờ sự chuyển giao. Tuổi thọ của Navibank Sài Gòn, CLB Sài Gòn Xuân Thành thuộc diện ngắn nhất trong lịch sử V.League.
Sài Gòn Xuân Thành là một ví dụ lớn, là nỗi đau của bóng đá TPHCM. Đội bóng này có gốc ở Hà Tĩnh, sau đó bầu Thụy mua suất đá hạng Nhất 2011 của đội Hòa Phát. Sài Gòn Xuân Thành vô địch giải hạng Nhất 2011, tiếp tục suýt vô địch V.League 2012. Đội bóng của bầu Thụy bị Hà Nội T&T cầm hòa nên mất chức vô địch về tay CLB Đà Nẵng. Bầu Thụy phản ứng bầu Hiển là một ông chủ hai đội bóng (Hà Nội T&T và CLB SHB. Đà Nẵng).
Bi kịch của Sài Gòn Xuân Thành xảy ra vào cuối năm 2013. Họ bị Liên đoàn bóng đá Việt Nam trừ 4 điểm với lý do thi đấu thiếu tích cực. Bức xúc vì cảm thấy cuộc chơi không công bằng nên Sài Gòn Xuân Thành bỏ giải.
Ba năm sau khi Sài Gòn Xuân Thành của bầu Thụy bỏ giải và từng lên báo nói về bầu Hiển - "một ông chủ hai đội bóng", một CLB khác lấy tên Sài Gòn để thi đấu ở V.League 2016. Tuy nhiên, đội bóng này chỉ "chuyển hộ khẩu" vào Nam và đổi tên thành Sài Gòn FC, còn tên ban đầu là CLB Hà Nội - "người em" của đội Hà Nội FC (tên gọi lúc đó là Hà Nội T&T).
Sài Gòn FC đá V.League trong cảnh vắng khán giả, bởi ai cũng biết đội bóng này bản chất không thuộc về bóng đá TPHCM. Bầu Hiển có lần công khai thưởng cho Sài Gòn FC tại sân Thống Nhất, dù ai cũng biết ông bầu này là ông chủ của Hà Nội FC. Dù liên quan theo kiểu gì thì ông bầu Đỗ Quang Hiển công khai thưởng khiến cho thương hiệu bóng đá Sài Gòn trở nên không đẹp trong mắt khán giả.
Trong 6 năm ở TPHCM, Sài Gòn FC có 5 đời chủ tịch khác nhau. Đội bóng này đã thoát ly khỏi nhóm bị bầu Đức gọi "5 đánh 1" từ mùa bóng 2020. Tuy nhiên, Sài Gòn FC chưa có đủ thời gian xây chân đế và hình ảnh vẫn bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì xuất thân kể trên. Hậu quả là Sài Gòn FC sa sút không phanh và đối diện nguy cơ rớt hạng ở V.League 2022. Tình cảnh của Sài Gòn FC chẳng khác gì "trò đùa" của bóng đá Việt Nam. HLV không thể liên hệ lãnh đạo. Cầu thủ bị HLV Phùng Thanh Phương nói không chuyên nghiệp. Hai ngoại binh không theo đội với lý do ốm. Ban đầu hứa thưởng to, bây giờ nợ tiền 2 trận thưởng...
Có thể nói trong 1 thập kỷ qua, hai tiếng Sài Gòn gắn với bóng đá trở thành nỗi buồn ở V.League. Càng buồn hơn khi nghĩ về thương hiệu bóng đá Cảng Sài Gòn lừng lẫy một thời vang bóng. Ấy vậy, các đội bóng chuyển "hộ khẩu" để gắn tên Sài Gòn với cách làm bóng đá đầy ồn ào và không bền vững, điều đó chẳng khác gì làm hoen ố thương hiệu bóng đá Sài Gòn.