Trong ngày ký hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Việt Nam, HLV Troussier tự tin tiếp nối thành công của HLV Park Hang Seo, kèm theo mục tiêu chưa từng có trong lịch sử bóng đá Việt Nam: Dự World Cup 2026.
Tuy nhiên, HLV Troussier đã thất bại ngay trong giải đấu đầu tiên. U22 Việt Nam chỉ giành được HCĐ SEA Games 32. Điều đáng nói là Việt Nam thua Indonesia - bại tướng quen thuộc thời HLV Park Hang Seo. Hình ảnh đọng lại ở trận bán kết là HLV Park Hang Seo ngồi trên khán đài tỏ ra bực tức, giận dữ và bỏ ra về. Không chỉ HLV Park mà bất cứ ai cũng khó hài lòng, U22 Việt Nam được chơi hơn người nhưng để cho đối thủ ghi bàn thắng quyết định ở cuối hiệp 2 sau một pha phản công nhanh.
Ở cấp độ đội tuyển, HLV Troussier bắt đầu cuộc thay đổi gần như toàn diện về con người. Hoàng Đức - nhân tố quan trọng nơi hàng tiền vệ thời HLV Park được ông Troussier đẩy lên đá tiền đạo, sau đó không đáp ứng được yêu cầu nên bị đẩy lên ghế dự bị. Công Phượng mất suất lên tuyển, hai cầu thủ được lựa chọn là Văn Tùng và Thanh Nhàn. Hồ Tấn Tài, Hồng Duy không được lên tuyển, Minh Trọng và Phan Tuấn Tài được trao cơ hội. Thái Sơn trở thành nhân tố mới nơi hàng tiền vệ tuyển Việt Nam. Có thể thấy bộ khung thời HLV Park đã được ông Troussier thay đổi.
Không ít ý kiến cho rằng ông thầy người Pháp dũng cảm trao cơ hội cho cầu thủ trẻ, nhưng quan điểm này không hợp lý. Đội tuyển quốc gia dành cho những người được HLV trưởng đánh giá giỏi nhất. Ví dụ một tiền đạo bước sang tuổi 38 vẫn có thể lên tuyển nếu đáp ứng tốt về thể lực và ghi bàn liên tục. Câu chuyện tương lai chỉ dành cho cấp độ U, còn đội tuyển phải nói về kết quả và thành tích. Do đó, chuyện thay đổi nhân sự của tuyển Việt Nam không liên quan gì việc trẻ hóa, mà đơn giản HLV Troussier đưa ra lựa chọn về con người để phù hợp với triết lý của ông.
Gần một năm, HLV Troussier đã làm việc với các học trò từ nhiều cầu cấp độ khác nhau, trải qua ít nhất 3 giải đấu chính thức. Nhưng lối chơi của tuyển Việt Nam vẫn là dấu hỏi lớn dành cho người hâm mộ. Không ít người phải thắc mắc: HLV Troussier đang xây lối chơi tấn công hay phòng ngự?
Các trận đấu của tuyển Việt Nam có điểm chung là bóng được chuyền nhiều ở phần sân nhà và đến giữa sân thì phất dài ra hai biên. Những miếng đánh ở 1/3 sân đối thủ gần như vô hại, thiếu ý tưởng và bị hóa giải. Ví dụ bàn mở tỷ số vào lưới Philippines xuất phát từ đường chuyền vượt tuyến, đối thủ mắc sai lầm và Văn Toàn trừng phạt. Cầm bóng nhiều, dồn ép đổi thủ và ghi bàn nhiều, có lẽ chỉ trên lý thuyết khi thực tế lối chơi của tuyển Việt Nam chỉ có một bài kể trên.
Năm 2024, tuyển Việt Nam có 3 giải đấu quan trọng gồm VCK Asian Cup 2024, vòng loại World Cup 2026 và AFF Cup 2024. Ngoài ra, U23 Việt Nam dự U23 châu Á 2024. Đây là năm quyết định dành cho HLV Troussier. Đúng hơn, "bản hợp đồng triệu đô" Philippe Troussier đến lúc cho đáp án thành công, hay thất bại. Hy vọng HLV Troussier không phải là "canh bạc" thất bại...