Năm 2001, lịch sử Hoa hậu Hoàn vũ thế giới đã sang trang khi Agbani Darego - cô gái người Nigeria giành vương miện. Tức tròn nửa thế kỷ, cuộc thi sắc đẹp lâu đời nhất thế giới có cô gái da màu đầu tiên đăng quang, khi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1951.
Đêm qua, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam cũng ghi nhận một cột mốc lịch sử sau 10 năm ra đời: H'Hen Niê - cô gái dân tộc đầu tiên đăng quang. Cô gái dân tộc Ê-đê giành chiến thắng được xem là một bất ngờ dành cho phần lớn người hâm mộ Việt Nam.
Trong phần câu hỏi chung: Bạn hãy chia sẻ về dự án cộng đồng mà bạn dự tính làm nếu trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam?
H'Hen Niê trả lời rằng: “Khi trở thành Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, điều tôi muốn làm đầu tiên là giúp đỡ trẻ em mồ côi ở Bảo Lộc. Nơi đây, tôi có đồng cảm với các trẻ em bị bỏ rơi. Tiếp theo, tôi muốn giúp đỡ các phụ nữ và những người bị nhiễm HIV vì đây là những người dễ tổn thương nhất. Tôi là phụ nữ nên đồng cảm với họ cũng như nên có sự sẻ chia với cương vị Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam”.
Sự khác biệt lớn nhất trong câu trả lời của H'Hen Niê, Hoàng Thị Thùy và Mâu Thủy là Cô gái dân tộc Ê-đê nói từ điều gần gũi nhất. Cô muốn giúp đỡ trẻ em mồ côi ở Bảo Lộc - một địa điểm cụ thể và nơi mà tân Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam biết rõ về sự khó khăn.
Trưởng ban giám khảo Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 - bà Xuân Trang cũng khẳng định rất thích câu trả lời của H'Hen Niê vì gần gũi và chân thật. Đây có lẽ là yếu quan trọng nhất cùng sự ấn tượng xuyên suốt cuộc thi giúp cho Cô gái dân tộc Ê-đê giành chiến thắng, dù câu trả lời về mạng xã hội bị một số ý kiến nhận định lạc đề.
Không chỉ cuộc thi Hoa hậu mà bất kỳ điều gì trong cuộc sống thì tất cả chúng ta cũng cần làm tốt việc nhỏ trước khi nghĩ đến sự lớn lao: Hãy thay đổi thế giới từ những điều nhỏ nhất.
Chủ nhân của chiếc vương miện Hoa hậu Hoàn vũ việt Nam cũng được đánh giá qua 3 yếu tố: Chân - thiện - mỹ. Qua đó, sứ mệnh của Hoa hậu là thông qua hình ảnh để có trách nhiệm với xã hội chứ không phải vì danh xưng, hay được sự hậu thuẫn của sắc đẹp vượt trội cùng danh tiếng trong dư luận.
Cô gái dân tộc Ê-đê đăng quang bất ngờ rõ ràng mang đến một bài lớn trong cuộc sống: Hãy làm việc nhỏ và gần gũi nhất trước khi nghĩ đến điều to lớn.
Cách đây không lâu, bóng đá Việt Nam cũng xảy ra tranh cãi lớn về chuyện Công Phượng bất ngờ bị bật khỏi Top 5 Quả bóng Vàng 2017. Xét về sự cống hiến lẫn quá trình nỗ lực, Phượng không chỉ xứng đáng có mặt ở Top 5 mà có thể giành Quả bóng Vàng.
Thế nhưng, vấn đề là nhiều người cho rằng Phượng không có thành tích tốt với CLB HAGL, trong khi đó U22 Việt Nam thua bẽ bàng ở SEA Games 29. Do vậy, Phượng cống hiến nhiều, hiệu ứng truyền thông tốt, có lượng fans “khủng” nhất, nhưng vẫn không thể thuyết phục vì thành tích ở CLB không thể so với Thanh Trung (vô địch V.League), Anh Đức (Bình Dương vào chung kết Cúp Quốc gia, Anh Đức giành danh hiệu Vua phá lưới V.League).
Trước sự lập luận ấy, Công Phượng bây giờ muốn nghĩ đến Quả bóng Vàng cần giúp HAGL “lột xác”, có thành tích tốt ở V.League, hoặc phải có một dấu ấn thật sự ấn tượng ở màu áo ĐTQG. Chỉ có vậy, Phượng mới nhận được sự ủng hộ của số đông, trong bối cảnh chơi bóng trong sự soi mói và bị định kiến ăn sâu trong tâm trí người hâm mộ: nổi tiếng không chỉ dựa vào tài năng, mà còn nhờ sự PR.
Xuyên suốt lịch sử Quả bóng Vàng Việt Nam, chưa có bất kỳ cầu thủ HAGL nào được xướng tên lên bục cao nhất. Hãy chờ xem Công Phượng có thể thay đổi lịch sử cho đội bóng của bầu Đức trong tương lai, giống như H'Hen Niê - cô gái dân tộc đầu tiên đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam sau 10 năm ra đời sân chơi nhan sắc này.