Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Giải mã 'căn bệnh Việt Nam' khiến ĐT Anh luôn ngã ngựa ở các giải đấu lớn

Là 2 nền bóng đá có lịch sử phát triển và trình độ hoàn toàn khác biệt nhau, nhưng giữa ĐT Anh và Việt Nam lại tồn tại nhiều điểm chung đến kỳ lạ. Những điều đó lý giải tại sao Anh, cũng như Việt Nam thường xuyên thất bại tại các giải đấu lớn.

Trước mỗi giải đấu lớn như World Cup hay EURO, ĐT Anh luôn bước vào với tâm thế hướng tới ngôi vô địch, nhưng họ mới chỉ giành Cúp đúng 1 lần trên sân nhà cách đó quá nửa thế kỷ. Những lần tham dự còn lại, Anh chưa bao giờ lọt vào chung kết một giải đấu lớn. Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với Việt Nam, khi mới chỉ 1 lần vô địch AFF Cup.

Lý do tại sao? Anh có Premier League, giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Việt Nam sở hữu V.League, giải vô địch quốc gia từng được đánh giá “hấp dẫn hàng đầu khu vực Đông Nam Á”. Nhưng đó là sự hấp dẫn ở bề nổi, chứ không phải từ những giá trị nội tại.

Áp đảo tại Champions League 2007/08, nhưng ĐT Anh lại muối mặt thất bại ở vòng loại EURO 2008.

Ở Premier League cũng như V.League, những ngôi sao hàng đầu luôn là ngoại binh, với khả năng chơi bóng vượt xa những đồng nghiệp trong nước. Lối chơi lạm dụng ngoại binh của các CLB khiến các đội bóng phải vận hành lối đá theo ngoại binh đó, và không thể kịp làm quen khi lên thi đấu ở đội tuyển quốc gia.

Với Premier League, bằng chứng rõ nhất cho hậu quả của việc lạm dụng ngoại binh chính là ở mùa giải 2007-2008. Sở hữu tới 3 CLB Liverpool, Chelsea, và M.U lọt vào bán kết Champions League, nhưng đội hình nòng cốt làm nên chiến thắng cho các CLB đó lại là ngoại binh. Điều đó khiến ĐT Anh thua đau đớn ở vòng loại EURO và phải ngồi nhà xem giải đấu qua truyền hình.

Bên cạnh đó tại giải vô địch quốc gia, giá trị chuyển nhượng của các cầu thủ thường bị đẩy lên vượt xa giá trị thực rất nhiều. Dù chưa có một hệ thống chuyển nhượng sôi động và chuyên nghiệp như Premier League, nhưng Việt Nam đã xuất hiện những bản hợp đồng triệu đô.

Về phía ĐT Anh, mọi thứ về bóng đá được phơi bày rõ ràng nhất ở vòng tứ kết EURO 2016. 4 ngày sau khi bỏ phiếu rời EU, Anh thua đau Iceland, một quốc gia chưa đầy nửa triệu dân, trong số đó thậm chí còn có cầu thủ bán chuyên nghiệp. Đã gần 70 năm kể từ lúc hòa mình vào bóng đá quốc tế, người Anh mới chỉ có đúng 1 lần tận hưởng vinh quang chiến thắng, và quá nhiều lần cúi đầu rời giải.

ĐT Anh với các ngôi sao đình đám Premier League đã bị đội 'tí hon” Iceland hạ gục tại vòng 1/8 EURO 2016.

Những chứng nhân lịch sử cho chức vô địch World Cup 1966 của Anh nay đều đã ở tuổi gần đất xa trời, nhiều người trong số họ đã tạ thế. Gordon Banks, Geoff Hurts, Bobby Charlton là những huyền thoại sống, còn đội trưởng Bobby Moore đã mất từ lâu. Sau giải đấu đó, Anh bắt đầu thi đấu trồi sụt và gần như không cải thiện được thành tích.

V.League cũng thế. Sau chức vô địch AFF Cup 2008, Việt Nam cũng chưa thể lọt vào một trận chung kết ở cấp độ đội tuyển quốc gia. Lứa cầu thủ vô địch ngày đó giờ đây chỉ còn một vài cá nhân thi đấu như Quang Thanh, Thành Lương, còn lại đa phần đã giải nghệ. Vậy đâu là nguyên nhân?

Ceve Linde, một nhà báo Thụy Điển từng tổng kết điều này sau nhiều năm quan sát bóng đá Anh: “Họ như người đạp xe trượt chân khỏi bàn đạp và giờ cứ rơi, rơi mãi. Phần đáng tiếc nhất là người Anh, với rất ít trường hợp ngoại lệ, lại không thể tự nhận thấy điều đang xảy ra. Họ tự thỏa mãn, tự cho mình là hay nhất vì là quê hương sản sinh ra bóng đá, và thất bại cứ thế đến”.

ĐT Anh mới chiến thắng Nigeria 2-1 trong trận giao hữu tiền World Cup.

“Sự thực là bóng đá Anh có vô vàn những thứ phải học từ thế giới như cách tập luyện, chiến thuật, mô hình tổ chức, chiến lược phát triển… Nước Anh phải tìm được tinh thần truyền thống để vực dậy bóng đá. Điều đó nói nghe có vẻ dễ dàng, nhưng sao có thể làm được khi bản sắc bóng đá đã phai nhạt trong thời gian dài? Có thể thấy sự mệt mỏi nằm trong bóng đá Anh. Họ thiếu sức mạnh chiến đấu”.

Lần duy nhất ĐT Anh thể hiện được bản sắc và tinh thần của họ chính là ở World Cup 1966, giải đấu tổ chức trên sân nhà. Ở trận chung kết trên sân Wembley, ĐT Anh đã chơi đầy kiên cường trước Tây Đức. Bị dẫn trước từ rất sớm, Anh không hề mất bình tĩnh và gỡ hòa, rồi vượt lên. Bị gỡ hòa ở cuối hiệp 2, họ vẫn điềm tĩnh bước vào hiệp phụ để ghi thêm 2 bàn khép lại trận đấu.

Nhưng kể từ sau giai đoạn đó, bóng đá Anh bắt đầu thoái trào. Cộng với sự toàn cầu hóa, mở rộng tiếp nhận cầu thủ nước ngoài đến thi đấu, các tuyển thủ Anh nhanh chóng lép vế ngay tại chính sân nhà của họ.

Thế hệ vàng của Owen, Beckham, Lampard, Gerrard, Ferdinand, Terry, Rooney chưa bao giờ vượt qua được vòng tứ kết World Cup hay EURO. Ở mỗi giải đấu thất bại, họ có thể đổ lỗi cho việc thiếu may mắn, nhưng nếu thất bại liên tục, đó là câu chuyện hoàn toàn khác.

Nếu như ở giai đoạn “thế hệ vàng” trước đó, bóng đá Anh luôn đau đầu trong việc chọn người xứng đáng đeo tấm băng đội trưởng, thì ở giai đoạn hiện tại, họ gần như không có một cái tên nào làm chỗ dựa tinh thần cho toàn đội. Harry Kane chỉ được ấn định đeo băng đội trưởng ngay trước khi World Cup diễn ra, trước đó là 2 năm bị treo.

Với những vấn đề như hiện tại, liệu có thể kỳ vọng gì cho ĐT Anh ở kỳ World Cup tới? Có lẽ là không nhiều. Bản thân Kane cũng khẳng định Anh không phải ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch. Với một đội hình trẻ và một HLV trẻ, ĐT Anh có lẽ sẽ trưởng thành hơn trong tương lai. Còn ở hiện tại, khi bóng đá được phát triển theo mô hình giải trí, chỉ cần một vài bàn thắng, một vài khoảnh khắc xuất thần là đủ.

Danh sách chính thức 23 cầu thủ tuyển Anh sang Nga dự World Cup

Thủ môn: Jordan Pickford (Everton), Jack Butland (Stoke), Nick Pope (Burnley)

Hậu vệ: John Stones (Manchester City), Gary Cahill (Chelsea), Phil Jones (Manchester United), Harry Maguire (Leicester), Kyle Walker (Manchester City), Trent Alexander-Arnold (Liverpool), Ashley Young (Manchester United), Danny Rose (Tottenham), Kieran Trippier (Tottenham)

Tiền vệ: Eric Dier (Tottenham), Jordan Henderson (Liverpool), Dele Alli (Tottenham), Ruben Loftus-Cheek (Chelsea), Jesse Lingard (Manchester United), Raheem Sterling (Manchester City), Fabian Delph (Manchester City)

Tiền đạo: Harry Kane (Tottenham), Jamie Vardy (Leicester), Danny Welbeck (Arsenal), Marcus Rashford (Manchester United)

Danh sách dự bị: Lewis Cook, Tom Heaton, James Tarkowski, Jake Livermore và Adam Lallana.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Theo BĐ&CS

Được quan tâm

Tin mới nhất
Giới trẻ nghĩ gì về Yamaha Janus hoàn toàn mới, nâng cấp có xứng đáng?
Lee Hooyeon kể trải nghiệm thú vị khi cùng Wukong hẹn hò tại New World Phu Quoc