Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Đừng để Công Phượng cô đơn!

Liệu có đúng khi Công Phượng bất ngờ bị chê vì anh ghi bàn cho đội dự bị của Sint Truidense trong một trận đấu tập?

Ngay khi có thông tin sai lệch là Công Phượng có bàn thắng ở U21 Sint Truidense, một sự so sánh diễn ra khi nhìn về Xuân Trường tỏa sáng trong ngày HAGL đá toàn nội binh trước Đà Nẵng. Nhiều ý kiến cho rằng thật xót xa cho Công Phượng, khi ngôi sao bóng đá Việt Nam phải xuống đá U21 Sint Truidense. Thậm chí, bầu Đức cần nên giải cứu Công Phượng khỏi Sint Truidense, vì điều đó là không thể chấp nhận được.

Thực sự, không hiểu vì sao có thông tin Công Phượng đá cho U21. Đó là 1 bàn thắng trong trận đấu của hai đội dự bị, chứ không hề là U21! Và sự chỉ trích hay lời chê là quá vô lý khi thông tin sai lệch.

Hãy thử đặt vấn đề: Nếu Công Phượng đá cho U21 Sint Truidense thì sao (sự thật là đá cho đội dự bị chứ không phải U21)?

Đó là một cử tập, các cầu thủ dự bị cần được tập luyện để có cơ hội thi đấu ở đội hình chính. Điều đó là bình thường thôi, một môi trường bóng đá chuyên nghiệp như Bỉ thì họ chơi theo kiểu như thế, nhằm giúp cầu thủ có cảm giác và phát triển tốt nhất.

Một góc độ khác, điều đó cũng phản ánh rất rõ trình độ của cầu thủ Việt Nam so với châu Âu còn khoảng cách rất xa. Vì Công Phượng đang là ngôi sao của bóng đá Việt Nam. Anh chưa thể tìm được chỗ đứng vững chắc thì rõ ràng có độ vênh về đẳng cấp.

Công Phượng đã ghi bàn trong 1 trận đấu của đội dự bị CLB Sint-Truidense.

Câu chuyện của Công Phượng có thể được nhìn qua những lăng kính sau đây. Cuối tháng 10 năm 2018, tuyển Việt Nam của HLV Park Hang Seo đá với CLB bét bảng hạng Nhì Hàn Quốc - Seoul E-Land, kết quả Việt Nam thất bại 0-2. Nhưng sau một tháng thì thầy trò ông Park Hang Seo là Vua Đông Nam Á.

Tuyển Việt Nam với 1 dàn sao đá tối mặt các anh hào Đông Nam Á để vô địch AFF Cup 2018 nhưng thua sấp mặt 1 đội bét bảng ở giải hạng Nhì Hàn Quốc chứ không phải K-League. Câu chuyện này có thể nhìn lại thêm quá khứ, tuyển Việt Nam vẫn hay đá với đội sinh viên Hàn Quốc.

Tại sao tuyển Việt Nam với những ngôi sao như Công Phượng, Quang Hải, Anh Đức, Văn Quyết… lại thua một đội bét bảng ở giải hạng Nhì Hàn Quốc? Đơn giản vì cầu thủ Việt Nam khi ra các nền bóng đá hàng đầu châu lục thì có độ vênh lớn về trình độ. Ngôi sao của bóng đá Việt Nam thì không có nghĩa đến Hàn Quốc sẽ là ngôi sao, bởi bóng đá Việt Nam có trình độ kém hẳn so với Hàn Quốc, nền bóng đá đã có những cầu thủ ra châu Âu chơi cho các đội bóng nổi tiếng.

Nhìn từ câu chuyện tuyển Việt Nam để thấy rằng, Công Phượng đá ở Sint Truidense, sau đó phải đá một trận đấu tập ở đội dự bị của Sint Truidense là bình thường. Đừng nhìn vào theo kiểu “ném đá”, hay chê một cá nhân, đó là sự phản ánh cho cả nền bóng đá Việt Nam. Vì Công Phượng có dự bị ở Sint Truidense thì HLV Park Hang Seo vẫn “chốt” sớm cho chuyện chắc chắn có suất ở tuyển Việt Nam, chẳng cần hội quân ở quê nhà, cứ bay thẳng sang Thái Lan.

Cần nhắc, ngày Công Phượng đi Hàn Quốc thì HLV Park Hang Seo từng nói thẳng rằng: Công Phượng là tiền đạo hay nhất Việt Nam ở hiện tại. Một cầu thủ được nhận xét hay nhất bóng đá ở đất nước hình chữ S sang châu Âu vẫn chưa tìm được chỗ đứng, thì bản ngã phải nhìn ra cái chung chứ đừng nhìn về một cá nhân, hay đơn giản một trận đấu. Vì Công Phượng đang là biểu tượng cho bóng đá Việt Nam, cầu thủ duy nhất được ra châu Âu chơi bóng với mức lương tháng bằng thu nhập cả năm ở V.League. Phần còn lại vẫn chưa thể làm được như Công Phượng, những cầu thủ khác vẫn cứ đá ở “ao nhà” khi chưa đủ năng lực được các đội bóng châu Âu mời gọi.

Thế tại sao chúng ta không ủng hộ Công Phượng? Phải ủng hộ chứ! Đừng để Công Phượng cô đơn hay cái nhìn chủ quan với suy nghĩ ngôi sao bóng đá Việt Nam đang chịu nỗi buồn, phải thế này mới đúng, phải được đá chính ở Sint Truidense. Quan điểm đó chỉ góp phần khiến Công Phượng cảm thấy thêm áp lực nơi xứ người, vì sự chỉ trích hay một quan điểm thiếu tích cực không bao giờ tốt cho cầu thủ khi bản ngã vấn đề đã sai về bản chất.

Một ví dụ để người hâm mộ có thể nhìn rõ hơn về câu chuyện Công Phượng trong sứ mệnh cầu thủ Việt Nam xuất ngoại ở châu Âu. Kazuyoshi Miura - cầu thủ được người Nhật tôn sùng là King Kazu, có 7 năm lưu lạc ở Brazil khi rời Nhật Bản từ năm 15 tuổi. King Kazu trải qua nhiều đội bóng nhưng chẳng có dấu ấn gì về chuyên môn vẫn được chào đón như vị vua cho cả nền bóng đá Nhật Bản.

Sau đó, người Nhật còn có cả một chiến dịch đưa King Kazu sang Italia chơi bóng. Miura đến Serie A không phải vì có chuyên môn giỏi được CLB Genoa để ý, mà tiền lương do một hãng truyền hình Nhật trả, còn đổi lại thì tất cả trận đấu của Genoa được phát trực tiếp ở Nhật Bản. Bởi người hâm mộ Nhật Bản muốn xem King Kazu chơi bóng.

Truyền thông Ý thời điểm đó thường làm những clip, các bài báo chê King Kazu chơi bóng nghiệp dư… Nhưng người Nhật Bản không quan tâm, họ ủng hộ King Kazu hết mình.

Chỉ ở Italia trong 1 mùa bóng, King Kazu phải về lại Nhật Bản. Sau đó, huyền thoại bóng đá xứ hoa Anh đào còn thi đấu ở một vài nền bóng đá châu Âu. Tất cả đều không có giá trị lớn về câu chuyện chuyên môn do King Kazu không thể hiện được gì nhiều. Tuy nhiên, bóng đá Nhật Bản đã lần đầu tiên dự World Cup vào năm 1998, tức 4 năm sau khi King Kazu sang Serie A đá bóng trong sự giễu cợt của truyền thông Ý.

Người Nhật đã chọn King Kazu để tông sùng như một vị vua của bóng đá xứ hoa Anh đào. Đáng nói, Yasuhiko Okudera là cầu thủ đầu tiên của Nhật ra châu Âu (chơi tại Đức), thể hiện được giá trị chuyên môn nhưng người Nhật lại chọn King Kazu để tôn sùng. Lý do là họ không nhìn về chuyện King Kazu phải dự bị ở Italia, hay chẳng để giá trị lớn gì về chuyên môn, mà họ nể phục cầu thủ này có 1 ý chí, 1 tư tưởng dám nghĩ dám làm, thay vì đá ở Nhật Bản để làm ngôi sao thì đi nước ngoài làm kẻ vô danh (thậm chí bị chế giễu), chấp nhận sự đánh đổi để học hỏi.

Từ câu chuyện của Kazuyoshi Miura được người Nhật Bản ủng hộ, bảo vệ và tôn sùng, người hâm mộ Việt Nam nghĩ gì về câu chuyện Công Phượng chơi bóng ở Bỉ? Công Phượng được mời bằng bản hợp đồng có giá trị chuyên môn chứ không phải như King Kazu. Tại sao chúng ta không ủng hộ, không cỗ vũ cho Công Phượng, mà chọn cách chê?

Công Phượng từ bỏ mác ngôi sao bóng đá Việt Nam để sang Bỉ chơi bóng là một điều rất đáng trân trọng.

Chẳng phải Công Phượng đã nói rõ về sự chọn lựa của bản thân: “Tôi ở Việt Nam khi ra đường phải đeo khẩu trang (vì quá nổi tiếng), còn ở Bỉ thì tôi là người vô danh”. Đó rõ ràng là một sự chấp nhận đánh đổi, bỏ nhiều giá trị lẫn danh tiếng để chấp nhận đến một môi trường đẳng cấp để học hỏi và hoàn thiện chính mình của Công Phượng.

Đừng để Công Phượng phải cô đơn nơi xứ người, vì không phải cầu thủ Việt Nam nào cũng có cơ hội ra châu Âu chơi bóng, hay dũng cảm bỏ mác ngôi sao quê nhà để sắm vai người vô danh ở Bỉ. Đúng hơn, cần trân trọng Công Phượng bằng suy nghĩ tích cực, bởi chẳng biết bao nhiêu năm nữa thì chúng ta mới có thêm 1 cầu thủ đi châu Âu chơi bóng nếu cứ chê và so sánh các kiểu.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất