Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Đừng để bóng đá là 'nghề nguy hiểm' cho cầu thủ Việt Nam!

Sau khi CLB Quảng Ninh giải tán, ba CLB chuyên nghiệp đã xảy ra chuyện nợ tiền cầu thủ trong nhiều tháng.

Gần nhất, CLB Cần Thơ và Phù Đổng đang xảy ra chuyện nợ tiền cầu thủ. Cần Thơ nợ lương (2 tháng), tiền ăn (3 tháng), tiền thưởng (5 trận). Phù Đổng FC bị các cầu thủ viết tâm thư kể nợ 5 tháng lương. Hai đội bóng này đang chơi chuyên nghiệp khi thi đấu ở giải hạng Nhất.

Hồi tháng 4 năm nay, CLB Nam Định bị các cầu thủ phản ánh về chuyện nợ lương. Nhà tài trợ đã kịp thời giải quyết chuyện tiền bạc để toàn đội tiếp tục thi đấu.

Đừng để bóng đá là 'nghề nguy hiểm' cho cầu thủ Việt Nam! Ảnh 1
Nhiều cầu thủ của CLB Phù Đổng đăng tâm thư bị nợ lương lên mạng xã hội. Ảnh chụp màn hình

Năm ngoái, CLB Quảng Ninh âm ĩ chuyện nợ tiền bạc. Đội bóng đất Mỏ hứa hẹn các kiểu, sau đó giải tán. Vấn đề đội bóng giải tán thì các cầu thủ coi như mất trắng, bởi CLB “chết” theo diện phá sản.

Chuyện CLB Quảng Ninh trở thành bài học chung cho bóng đá chuyên nghiệp. Trường hợp một đội bóng nợ tiền và giải tán thì cầu thủ coi như mất trắng về số tiền bị nợ.

Bây giờ chuyện cũ tái diễn khi Phù Đổng và Cần Thơ nợ tiền. Hai đội bóng này hoàn toàn có thể rơi vào cảnh bỏ giải. Đây là chuyện xảy ra nếu các cầu thủ làm theo đúng luật được Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) ban hành vào đầu năm 2021.

Cụ thể, điều 14 bis luật FIFA quy định: CLB không trả lương đúng hạn trong vòng 2 tháng, cầu thủ có lý do chính đáng để chấm dứt hợp đồng. Điều kiện là cầu thủ thông báo bằng văn bản cho CLB trước 15 ngày.

Với những chuyện nợ tiền liên tục xảy ra, các cầu thủ Việt Nam cần tự cứu chính mình bằng cách hành xử chuyên nghiệp. Những tâm thư trên mạng xã hội không có giá trị, họ cần có đơn khiếu nại CLB và gửi đơn lên VFF (Liên đoàn bóng đá Việt Nam).

Vấn đề quan trọng khác là VPF, VFF cần bảo vệ quyền lợi cho cầu thủ. Một đội bóng nợ tiền nhiều tháng thì đối diện nguy cơ giải thể. Điển hình CLB Phù Đổng đá giải hạng Nhất từ tháng 3 năm nay. Các cầu thủ viết “tâm thư” kể bị nợ lương: “Đã 5 tháng kể từ tháng 3-2022 tập thể BHL và anh em cầu thủ trong đội bóng chưa nhận được bất kì chế độ nào và cũng chưa nhận được bất kì thông tin chính xác nào từ phía ban lãnh đạo đội bóng”.

Một thông tin nghe như… trò đùa. Vì câu chuyện kể trên theo phản ánh của các cầu thủ Phù Đổng thì chuyện nợ tiền diễn ra từ đầu mùa giải đến hiện tại. Tại sao một đội bóng không có tiền trả lương cho cầu thủ vẫn được chơi chuyên nghiệp?

Đừng để bóng đá thành 'nghề nguy hiểm' với cầu thủ Việt Nam! Ảnh 2
Đội Cần Thơ đang nợ tiền các cầu thủ trong hai tháng, bao gồm lương, thưởng và tiền ăn. Ảnh: VPF

Quảng Ninh FC đã trở thành bài học đau buồn cho cả nền bóng đá. Những Phù Đổng FC, Cần Thơ FC liệu có đạp tiếp lên vết xe đổ này hay không? Đây là câu hỏi dành cho VPF, VFF về tính chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam.

Câu hỏi thứ hai: Ai chịu trách nhiệm nếu các cầu thủ bị đội bóng quỵt nợ?

Nên nhớ, câu chuyện của CLB Quảng Ninh là bài học nhãn tiền. Nhưng các CLB có thể nhìn vào chính đội bóng đất Mỏ để diễn lại cảnh hết tiền nghỉ chơi, sau đó phủi tay về khoản nợ với các cầu thủ.

Thật nghịch lý nếu bóng đá không thể đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cầu thủ. Thậm chí nhìn vào bức tranh chung hiện tại dễ tạo ra suy nghĩ đá bóng trở thành “nghề nguy hiểm” khi cầu thủ đối diện nỗi lo bị mất trắng tiền bạc và công sức cống hiến vì đội bóng, người hâm mộ và bóng đá nước nhà.

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Văn Nhân

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual