Nhiều người làm bóng đá Việt Nam, trong đó có cả bầu Đức lẫn bầu Thắng phải bất ngờ khi nghe câu chuyện xảy ra ở buổi họp báo của VPF ngày 10/4. Những người ở nhiệm kỳ mới khen nhau đến mức… không thẹn.
Ông phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF nói tại buổi gặp mặt báo chí vào ngày 10/4: “Tôi không cần biết chủ tịch HĐQT giữ bao nhiêu chức chỉ cần biết ông ấy làm được gì cho bóng đá Việt Nam. Từ khi HĐQT mới lên đã làm tốt hơn rất nhiều, tăng thu giảm chi. Còn quan điểm của một số ông bầu thì đó là quan điểm cá nhân ông ấy…
Bốn tháng vừa rồi, tôi thấy VPF hoạt động rất tốt. Lý do gì sao phải từ chức, vì vậy nên tôn trọng tập thể”.
Chỉ vỏn vẹn 4 tháng nhưng người mới đã tự nhận VPF hoạt động tốt. Liệu có thỏa đáng hay không khi chỉ qua lời nói còn không kể ra những cái làm được cho người hâm mộ biết?
Nếu bảo V.League 2018 đang có lượt khán giả đến sân đông là công sức của những người mới thì không đúng. Ai cũng hiểu đó là hiệu ứng U23 Việt Nam nên không thể nhận vơ.
Một thông tin khác được những người làm bóng đá chia sẻ là nhà tài trợ chính của V.League 2018 vẫn chưa ký hợp đồng chính thức với VPF?!. Thế nên, họ chỉ mới chuyển một số tiền, chứ hoàn toàn chưa chuyển hết cho VPF. Nếu đúng thì thật sự đáng lo cho VPF, vì đồng nghĩa nhà tài trợ có thể rút.
Trước khi mùa bóng mới bắt đầu, VPF lùm xùm chuyện bản quyền truyền hình. Mới nhất, một trọng tài qua đời vì thiếu quy trình kiểm tra y tế, VPF cũng không thể thoát khỏi một phần trách nhiệm.
Đó là chưa kể các vấn đề tồn đọng đầy nan giải mà những người tiền nhiệm vẫn không thể giải quyết được là chuyện 1 ông bầu có nhiều đội bóng ở V.League. Giải hạng Nhất có số đội ít hơn V.League. Những người mới cũng chưa thể xử lý được các chuyện này.
Vậy bốn tháng vừa rồi, VPF hoạt động rất tốt là thế nào? Chẳng lẽ là thay đổi cách làm so với những người tiền nhiệm bằng việc một người ngồi nhiều ghế, dùng tiền VPF mua xe, thuê nhà cho thành viên ở Hội đồng quản trị đi làm việc. Hay có những việc làm không cần báo với Ban kiểm soát VPF, tự làm tự quyết như Trưởng ban Lê Hồng Cường nói với Saostar.
Nếu làm tốt thì chắc chắn người hâm mộ sẽ nhìn thấy và thừa nhận, còn tô vẽ, khen nhau đôi khi trở thành lố bịch. Vì VPF ra đời có mục đích cuối cùng là giúp bóng đá Việt Nam phát triển thông qua giải đấu chuyên nghiệp, sạch và nhận được sự ủng hộ từ dư luận, người hâm mộ.
Câu hỏi đặt ra cho những người có trách nhiệm với bóng đá Việt Nam: VPF bây giờ liệu có tốt như như những người mới tự nhận?
Câu hỏi ấy cũng là nỗi đau cho bầu Đức lẫn bầu Thắng, hai người tâm huyết với bóng đá Việt Nam cũng như phản biện rất nhiều về VPF trong thời gian qua. Không biết họ có buồn hay không, khi lên người mới của VPF lý giải như thế tại buổi họp báo và mọi thứ vẫn không thay đổi.
Thực sự rằng, quá đau cho bầu Đức khi VPF xem HAGL nghỉ giải cũng chẳng khác gì V.Ninh Bình của năm 2014. Ông Đức làm bóng đá vì tâm huyết, niềm đam mê, làm nghiêm túc để góp phần phát triển bóng đá Việt Nam, đến mức cầu thủ đá láo còn cấm nửa mùa. Nhưng bây giờ không muốn ngồi chung với những người ở VPF, ông Đức nói thẳng là không có tự trọng nên không ngồi.
Ông Đức từng lo lắng là “Mafia sẽ thao túng bóng đá”. Bây giờ, ông Đức gần như bất lực trong việc đấu tranh và chuẩn bị sẵn lộ trình cho HAGL rút khỏi V.League. Theo những lời của ông Đức nói về chuyện tham quyền, tham chức thì bóng đá rõ ràng có nguy cơ bị lợi dụng.
Trong khi đó, ông Thắng đến lúc chuẩn bị nghỉ VPF (cuối tháng 11/2017) vẫn làm việc với đại diện Toyota và các nhà tài trợ. Mục đích là hy vọng họ có thể tài trợ cho V.League, nhằm chia sẻ bớt gánh nặng với nhiệm kỳ sau.
Bây giờ, bầu Thắng rất đau. Ông làm trong 6 năm đóng góp nhiều, bỏ thêm tiền túi hàng chục tỷ đồng nhưng bị mang điều tiếng này nọ, vừa nghỉ thì báo chí lập tức đăng tải về tài chính, một đòn quá đau.
Đau cho bầu Đức, bầu Thắng là thế. Đó cũng là nỗi đau cho những người làm bóng đá nghiêm túc, khi ông Thắng, ông Đức lo bóng đá bị lợi dụng nên lên tiếng nhưng mọi thứ không lay chuyển.