Vì sao bầu Tú tiếp tục ngồi ghế Tổng giám đốc VPF?
Sau cuộc họp ngày 10/4, bầu Tú đã tiếp tục ngồi ghế Tổng giám đốc VPF vì Hội đồng quản trị không chấp nhận cho ông Tú nghỉ. Theo đó, chỉ có 1 thành viên bỏ phiếu trắng, còn tất cả muốn bầu Tú tiếp tục tại vị.
Theo một thành viên có mặt ở cuộc họp Hội đồng quản trị VPF cho chia sẻ với Saostar, cuộc họp thiếu ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ tịch CLB SLNA vì bận dẫn đội bóng đi thi đấu ở AFC Cup 2018. Ông Thanh đã ủy quyền lại cho ông Trần Mạnh Hùng - phó Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF.
Tại cuộc họp, bầu Tú đã xin rút nhưng Hội đồng quản trị VPF không đồng ý. Lý do được vị này chia sẻ: “Bầu Tú xin rút mãnh liệt lắm. Tuy nhiên, thời điểm này chưa chuẩn bị được nhân sự nên chưa thể quyết được.
Muốn đưa người lên làm Tổng giám đốc thì cần có nhiều con người để Hội đồng quản trị chọn chứ. Trong khi chỉ đưa có một mình anh Hoài là chưa đủ. Nếu tìm được người đủ khả năng thì Hội đồng quản trị đã cho thay rồi”.
Như vậy, bầu Tú buộc phải ngồi lại ghế Tổng giám đốc VPF trong bối cảnh không có sự chọn lựa nào khác ngoài ông Nguyễn Trọng Hoài của CLB Thanh Hóa. Tuy nhiên, Hội đồng quản trị VPF không tín nhiệm ông Hoài. Đúng hơn, ghế Tổng giám đốc VPF bây giờ đang trong tình trạng… ế khách nên không có con người để thay bầu Tú.
Cần tách bạch ghế VFF và VPF
Chuyện ghế Tổng giám đốc VPF đang âm ỉ, với việc ông Trần Anh Tú tiếp tục kiêm nhiệm vì Hội đồng quản trị không cho nghỉ. Thực tế, chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của bầu Tú mới là quyền lực nhất và được củng cố vững chắc nhờ đại diện vốn cho VFF ở VPF (35,4% gồm ông Trần Anh Tú, ông Lê Hoài Anh và bà Đinh Thị Thu Trang).
Do vậy, bầu Tú có ngồi ghế Tổng giám đốc VPF hay không, điều ấy cũng không ảnh hưởng gì đến vị thế ở Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Điều này chỉ khiến ông Tú bị dư luận chỉ trích, có thể mất điểm trong việc tranh ghế phó Chủ tịch VFF.
Nguyên nhân là vị thế của bầu Tú ở VPF có thể bị lung lay, hoặc mất trắng nếu không còn tư cách đại diện vốn cho VFF. Vì muốn tiếp tục sắm vai là người của VFF ở VPF thì ông Trần Anh Tú cần chiến thắng ghế phó Chủ tịch tài chính VFF nhiệm kỳ VIII.
Tuy nhiên, điều ấy xảy ra sẽ không đúng với mục đích ra đời của VPF là tách bạch khỏi VFF. Tức ông Tú là người VFF thì không nên làm ở VPF, ngược lại ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị thì đừng tranh cử phó Chủ tịch tài chính VFF.
Trả lời Saostar vào ngày 4/4, bầu Thắng cũng nói thẳng: VFF và PPF cần tách bạch, không được lấn cấn với nhau. Thời ông Võ Quốc Thắng làm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF cũng từ chối tham gia ở VFF, kể cả vị trí ủy viên Ban chấp hành.
Vậy nên, bầu Tú có buông ghế Tổng giám đốc, Trưởng giải hay tiếp tục kiêm nhiệm thì mấu chốt vẫn không quan trọng bằng việc có thể ngồi chức phó Chủ tịch tài chính. Một điều không nên khi các ông bầu phải đấu tranh rất nhiều mới có thể cho ra đời VPF.
Ngược lại, bầu Tú đắc cử ghế phó Chủ tịch tài chính VFF sẽ đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam với tư cách người đầu tiên được ngồi một lúc cả hai chức vụ to ở VFF và VPF. Tất cả có thể quay trở lại bản ngã ban đầu, phí hoài công sức của những ông bầu như Nguyễn Đức Kiên, Đoàn Nguyên Đức, Võ Quốc Thắng…
Hệ lụy ấy được tạm chốt bằng việc trích lại phát biểu của bầu Kiên: “Tôi gắn bó với bóng đá chuyên nghiệp 11 năm đủ để nhận ra nếu VFF cứ kéo dài việc không tuân thủ Luật thể thao là sai phạm lớn, giải chuyên nghiệp phải thuộc về các CLB chuyên nghiệp”.