Tạp chí điện tử Saostar
Đến tin mớiTin Mới Đến tin hotTin Hot
Nhập từ khoá tìm kiếmTìm kiếm
Sao Sport

Công Vinh, Hữu Thắng và chuyện giọt mực trên tờ giấy trắng

Một tờ giấy trắng bị vẩy lên 1 vết mực thì phần lớn chúng ta đều có thói quen nhìn vết mực ấy mà quên đi phần trắng sạch. Bóng đá Việt Nam cũng đang trải qua những câu chuyện buồn như thế khi một bộ phận người hâm mộ và quan chức thích soi mói thay vì cảm ơn, hay nhìn nhận đúng bản chất…

Từ chuyện của Công Vinh

Cuộc đời quần đùi áo số của Công Vinh luôn mang đến một sự tranh cãi lớn cho người hâm mộ lẫn giới truyền thông. Ở đó, có người ghét Vinh nhưng cũng có những người nhìn nhận theo hướng tích cực để thừa nhận và trân trọng đóng góp của cầu thủ được AFF gọi là huyền thoại bóng đá Việt Nam.

Công Vinh được giới chuyên môn và truyền thông quốc tế đánh giá là một trong những cầu thủ tốt nhất mà bóng đá Việt Nam từng sản sinh ra.

Tuổi 14, Công Vinh về quê nhà dự đám cưới chị phải mượn bộ đồ và đôi dép của các bạn. Tuổi thơ cơ hàn ấy đã rèn giũa nên một Công Vinh luôn phấn đấu mỗi ngày để tiến lên. Sự quyết tâm của Vinh lớn đến mức anh từng cầm giày tự đập vào đầu và mắng bản thân vì một màn trình diễn kém cỏi.

Cái nghị lực hơn người ấy cùng tài năng giúp cho Công Vinh trở thành cầu thủ thành công nhất bóng đá Việt Nam. Anh giành 3 Quả bóng Vàng, vô địch AFF Cup 2008, 2 lần vô địch V.League, 2 HCB SEA Games, 85 lần khoác áo ĐTVN, ghi 51 bàn thắng.

Nhưng rồi nhiều người cố tình lờ đi sự đóng góp to lớn ấy, họ cứ so sánh Công Vinh với Văn Quyến về khái niệm khổ luyện và tài năng. Cái vòng luẩn quẩn ấy đeo bám Vinh như nỗi ám ảnh trong suốt sự nghiệp. Đến tận hôm nay, nhiều người vẫn tranh luận về Vinh và Quyến - ai giỏi hơn ai?

Ngày Công Vinh giã từ sự nghiệp trong nước mắt thì họ vẫn không buông tha. Họ phủi sạch đi 12 năm ròng rã khổ luyện, tận tụy cống hiến đến giọt mồ hôi cuối cùng của Vinh. Họ chăm chăm nhìn vào sự thất bại của ĐTVN trước Indonesia để chê trách Vinh mà quên mất 8 năm trước cũng tại sân Mỹ Đình, Vinh có cú đánh đầu ngược mang về danh hiệu vô địch AFF Cup cho bóng đá Việt Nam.

Còn gì nghiệt ngã hơn cho Công Vinh khi cùng một địa điểm, cùng một giải đấu cùng những giọt nước mắt, nhưng phần lớn dư luận lại nhìn nhận sự việc theo hai hướng khác nhau: Yêu và ghét.

Cái định kiến của dư luận tiếp tục đeo bám khi Công Vinh giã từ bóng đá để làm Chủ tịch CLB TP.HCM. Anh đem hết những hành trang từng thi đấu ở Nhật Bản, Bồ Đào Nha và nhiều năm thi đấu chuyên nghiệp để cố gắng xây dựng một CLB TP.HCM chuyên nghiệp. Nhưng ít người chịu nhìn nhận sự tích cực, sự cầu thị của Vinh - họ cứ soi mói để phán xử đầy bất công.

Vậy nên, Công Vinh tự tay đi bán vé, xuống sân xin lỗi khán giả vì đội nhà thất bại… Thay vì nhìn tích cực thì một số người định kiến bảo Vinh làm màu, giả tạo mà không chịu nhìn nhận là Vinh đang góp phần làm thay đổi cái suy nghĩ cũ kỹ của những người làm bóng đá Việt Nam.

Gần nhất là chuyện phòng truyền thống của bóng đá TP.HCM. Lẽ ra trân trọng và tán thưởng cho suy nghĩ gìn giữ và phát huy những giá trị đẹp của Công Vinh dành cho thế hệ cầu thủ đi trước thì một số người thốt lên những lời cay nghiệt. Họ ném đá, quy kết tội cho Vinh một cách vô lý, dù nhiều cựu danh thủ đánh giá rất cao ý tưởng thiết thực của Vinh cho bóng đá TP.HCM.

Có lẽ Công Vinh là trường hợp độc nhất vô nhị bị dư luận định kiến theo kiểu lằn ranh yêu - ghét một cách khó hiểu nhất. Nhưng Vinh vẫn luôn vững tin là “mình làm tốt và cố gắng làm thật tốt là được, còn cuộc đời không thể làm hài lòng tất cả mọi người”.

Đến nỗi đau tột cùng của Hữu Thắng

Trong suốt sự nghiệp cầu thủ và nghiệp cầm quân thì HLV Nguyễn Hữu Thắng không ít lần dính điều tiếng không hay. Nhưng có một điều cần được thẳng thẳn nhìn nhận là anh đã thay đổi mọi thứ kể từ ngày xung phong dẫn dắt ĐTQG.

Gần hai năm nắm chức HLV trưởng ĐTQG, Hữu Thắng già đi rất nhiều. Một người đàn ông điển trai, lãng tử từng làm đắm say hàng triệu khán giả nữ Việt Nam đã có thêm nhiều vết chân chim trên khuôn mặt, mái tóc bạc đi nhiều khi phải khổ tâm suy nghĩ để cống hiến tốt nhất cho bóng đá Việt Nam.

HLV Hữu Thắng tạ lỗi với người hâm mộ sau khi tuyển U22 Việt Nam phải sớm chia tay SEA Games 29 từ vòng bảng.

Sống khổ hạnh trong gần hai năm, Hữu Thắng đã được nhiều người tán thưởng sau những trận thắng đẹp của U22 Việt Nam và ĐTVN. Nên có rất ít định kiến về Hữu Thắng, phải chăng chỉ là số ít người cho rằng anh gọi nhiều cầu thủ xứ Nghệ lên Tuyển.

Nhưng câu chuyện ấy chỉ như cơn gió thoảng mỗi khi ĐTVN hay U22 Việt Nam thi đấu chưa được hay. Lẽ đó, sau mỗi trận đấu thì nhiều người đọc báo hiếm khi thấy Hữu Thắng bị chê trách về chuyên môn hay cách dùng người sai.

“Về chuyên môn, có lẽ mọi người điều biết rõ. Hữu Thắng giúp SLNA vô địch V.League, thể hiện được tài cầm quân ở CLB Hà Nội, biết xây dựng một lối chơi bài bản, đẹp mắt”, bầu Đức nhận xét.

Sự tốt đẹp đó tiếp diễn xuyên suốt trong cả 3 trận thắng đầu tiên của U22 Việt Nam ở SEA Games 29. Hàng triệu người sung sướng, giới chuyên môn nhận định Việt Nam sẽ vô địch SEA Games và ngợi ca tài cầm quân của Hữu Thắng.

Ấy vậy, chỉ một trận hòa kém may mắn trước U22 Indonesia với hàng tá cơ hội ngon ăn bị ném đi từ những Tuấn Tài, Công Phượng, Văn Toàn… dư luận bắt đầu chỉ trích, ném đá không thương tiếc. Họ tạo ra thứ áp lực vô hình đầy đáng sợ, dù U22 Việt Nam đang đứng đầu bảng B và chỉ cần 1 trận hòa trước U22 Thái Lan sẽ vào bán kết với ngôi đầu bảng.

Cuối cùng, một người đàn ông “thép” như Hữu Thắng đã gục ngã, đứng chết lặng sau trận thua trước U22 Thái Lan. Bao công sức trong gần hai năm đóng góp cho bóng đá Việt Nam bị phủi sạch sau một trận thua. Chẳng còn ai nhớ về những chiến thắng đẹp mắt, họ chỉ chăm chăm nhìn vào thất bại trước người Thái để mang Hữu Thắng ra phán xử như “tội đồ” của bóng đá Việt Nam.

Cay đắng và nghiệt ngã nhất là ông Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia - Nguyễn Sỹ Hiển và VFF bày ra “trò mèo” không mời Hữu Thắng họp báo trong ngày anh phải giải trình về thất bại tại SEA Games 29. Họ không có một lời cảm ơn mà dồn đổ tất cả vào Hữu Thắng theo kiểu đá đùn đẩy trách nhiệm, với những phán xét về sai lầm chuyên môn.

Tận hiến hết mình trong gần hai năm và chỉ một trận đấu thất bại thì bị xóa đi tất cả những đóng góp cho bóng đá Việt Nam, vậy có công bằng với Hữu Thắng hay không, thưa ông Nguyễn Sỹ Hiển và các sếp VFF?

Công - tội là cái lằn ranh rất mong manh trong bóng đá. Nhưng bóng đá cũng như cuộc đời, làm gì có ai toàn vẹn để trăm trận trăm thắng, hoặc không có những sai sót?

“Đã chọn nghề HLV thì tôi phải chấp nhận, vinh nhục luôn song hành với nhau”, HLV Hữu Thắng trải lòng sau khi bị Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia “đá trách nhiệm” về thất bại ở SEA Games 29.

Nhân vô thập toàn - đó là lời dạy của người xưa mà bất kỳ ai trong chúng ta cũng ít nhất một lần được nghe. Câu chuyện về Công Vinh và Hữu Thắng bị chăm chăm nhìn vào vết mực để phán xét mà quên đi phần trắng sạch - tức sự đóng góp to lớn của họ cho bóng đá Việt Nam - đó là điều nghịch lý và rất bất công của người hâm mộ lẫn VFF.

Phải chăng chính vì cách nghĩ nhỏ hẹp theo kiểu “soi giọt mực trên tờ giấy trắng” ấy đã và đang góp phần lớn khiến cho bóng đá Việt Nam không thể phát triển?

Copy Link
Chia sẻ

Bài viết Bá Hổ

Được quan tâm

Tin mới nhất
Hồ Ngọc Hà lại 'nóng bỏng tay'
Top 30 biệt đội KOLS nhí 2024 bùng nổ visual
Trải Nghiệm Sân Chơi Băng Tuyết Độc Đáo Giữa Lòng Thành Phố