Lịch sử bóng đá Việt Nam ghi nhận Công Vinh là cầu thủ đầu tiên sang châu Âu, dù có thông tin chỉ theo dạng như “ký gửi” nhưng không thể phủ nhận câu chuyện này là một cột mốc quan trọng cho bóng đá Việt Nam. Bản thân Công Vinh cũng từng có thời gian sang Nhật Bản chơi bóng.
Công Phượng là cầu thủ đầu tiên của Việt Nam có một bản hợp đồng chuyên nghiệp theo dạng cho mượn 1 năm. Tức được nhìn nhận dưới góc độ chuyên môn chứ không phải “ký gửi” để học việc, hay đánh bóng tên tuổi.
Nhìn ở góc độ tiếng nói lịch, Lê Công Vinh chính là hình mẫu để nhiều cầu thủ Việt Nam noi theo. Công Vinh không chỉ có tài năng mà còn biết hoàn thiện chính mình, từ chuyên môn đến hình ảnh và tầm ảnh hưởng lớn trong một thời gian của bóng đá Việt Nam.
Hình ảnh của Công Vinh từng có một thời gian được ví như sự thu nhỏ để thế giới biết về bóng đá Việt Nam. Nhưng điều đáng nói rằng, sau Công Vinh thì câu chuyện cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài chơi bóng dừng lại trong bối cảnh tối tăm. Người mở ra lại cánh cửa xuất ngoại cho bóng đá nước nhà là bầu Đức với quyết định “gả” Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường đi nước ngoài chơi bóng vào cuối năm 2015.
Năng lực của Tuấn Anh, Công Phượng, Xuân Trường được kiểm chứng qua những màn trình diễn ấn tượng trước U19 Úc, U21 Thái Lan, U19 Tottenham… Nhưng câu chuyện xuất ngoại của các cầu thủ này chỉ ra những khoảng cách lớn của cầu thủ Việt Nam so với châu lục. Tức những tinh hoa tốt nhất của bóng đá nước nhà khi xuất ngoại vẫn không có nhiều cơ hội chơi bóng vì có sự giới hạn lớn ở nhiều mặt.
Công Phượng sang Bỉ chơi bóng là ví dụ thiết thực. HLV trưởng CLB Sint-Truiden đánh giá Công Phượng rất cao: Đó là một cầu thủ thông minh, kỹ thuật điêu luyện, có cá tính ngôi sao và dám thể hiện. Nhưng thuyền trưởng Sint-Truiden cũng không quên nói về những nhược điểm của Công Phượng là khả năng chạy chỗ, di chuyển không bóng.
Với tiền đạo, vấn đề di chuyển, chạy chỗ như thế nào khi không có bóng thực sự rất quan trọng. HLV CLB Sint-Truiden chỉ ra được nhược điểm của Công Phượng và hứa hẹn sớm giúp tiền đạo xứ Nghệ khắc phục. Rõ ràng, đây là cơ hội để Công Phượng phát triển lên một tầm cao mới.
Thực tế, Công Phượng thay đổi như thế nào từng ngày khi xuất ngoại. Chúng ta có thể nhìn thấy từ chuyện anh chơi bóng ở Incheon United khi chạy rất nhiều, chịu khó chuyền bóng và không còn ham rê bóng.
Bản thân Công Phượng từ khi trở lại Việt Nam sau một năm chơi bóng ở Nhật Bản cũng mang đến những giá trị rất lớn. Công Phượng ghi bàn nhiều nhất Việt Nam trong hai năm. Đó là sự tiến bộ vượt bậc để thấy ý nghĩa từ cuộc sức ngoại mang đến các bài học cho Phượng trưởng thành.
Một góc nhìn tích cực thế này, Công Phượng ở HAGL đương nhiên có 1 suất đá chính nhưng ra nước ngoài chơi bóng phải nỗ lực để được vào sân. Từ môi trường đến sự khác biệt về trình độ khiến cho Công Phượng phải tiến bộ nếu không muốn bị đào thải.
Bóng đá Việt Nam muốn nâng tầm thì rõ ràng cần có thêm nhiều cầu thủ xuất ngoại như Công Phượng. Điều đó sẽ mang đến giá trị quan trọng để thế hệ cầu thủ tiếp theo biết cần hoàn thiện những điều gì, sau đó mới có những cầu thủ khẳng định được tài năng ở châu Âu và trở lại giúp ĐTQG trở nên hùng mạnh.