Sau trận hòa 1-1 của CLB Incheon United với Jeju ở khuôn khổ vòng 1 K-League, vô số lời bình luận chê bai, chửi rủa của các CĐV Việt Nam xuất hiện đầy rẫy trên trang chủ của của đội bóng xứ Hàn chỉ vì “thần tượng quốc dân” - Công Phượng … không được HLV Andersen cho ra sân thi đấu.
Các CĐV Việt Nam có lý do tại sao họ lại bực tức đến vậy khi Sân Incheon Stadium vừa chứng kiến một kỷ lục ngay trong ngày khai màn K-League. Gần 20.000 khán giả đã có mặt tại sân và phủ kín bốn khán đài, tạo ra khung cảnh đối nghịch so với mùa trước (chỉ có khoảng 5.000 khán giả đến xem Incheon United đá mỗi trận). Hiệu ứng này được tạo ra từ bản hợp đồng mang tên Công Phượng, hay nói cách khác, sự góp mặt của tiền đạo gốc Đô Lương đã thôi thúc khán giả đến sân theo dõi Incheon United nhiều hơn.
Và thế là, các CĐV Việt Nam mặc định, tiền đạo xuất sắc nhất Việt Nam phải được ra sân đặc biệt sau khi Công Phượng đã có màn trình diễn tốt ở những trận giao hữu gần nhất của đội bóng xứ Kim chi. Dẫu vậy, đời không như là mơ!
Hơn ai hết, Công Phượng hiểu được lý do phải ngồi dự bị trong trận khai màn của đội bóng Hàn Quốc. Một cầu thủ có xuất phát điểm ở một quốc gia “bé hạt tiêu” trong một khu vực được mệnh danh là “vùng trũng” bóng đá như Đông Nam Á, chắc chắn khi xuất ngoại sẽ mang ít nhiều sự hoài nghi về năng lực.
Mặc dù, trước đó HLV Incheon United đã có những tuyên bố “chắc nịch” rằng Công Phượng đến đây vì yếu tố chuyên môn và quan trọng hơn hết đội bóng cần anh như một sự bổ sung chất lượng cho hàng công. Vậy nên Công Phượng hiểu rằng để có thể sải những bước chân trên mặt cỏ của một giải vô địch hàng đầu châu lục như K.Leaue, tiền đạo 24 tuổi này phải thật sự kiên trì và nhẫn nại chứng minh giá trị thực sự của bản thân.
Không đâu xa “Bầu Đức” chính là một trong những tấm gương về sự kiên trì nhẫn nại mà Công Phượng phải học hỏi. Có lẽ không phải ai cũng biết rằng ông đã từng thi trượt đại học đến 4 lần. Và rồi từ hai bàn tay trắng, chàng trai trẻ “không tiền, không nhà cửa, không nghề nghiệp” đã bươn chải khắp nơi để rồi trở thành một người rất thành công bây giờ.
Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG là công trình để đời mà vị “kiến trúc sư” Đoàn Nguyên Đức một tay gây dựng nên. Để rồi với sự nhiệt huyết và “cái tâm cái tầm” của một người yêu bóng đá, những Công Phượng, Xuân Trường,.. đã được sản sinh ra từ “cái nôi” ấy.
Có một sự thật mà từ trước đến nay không ai có thể phủ nhận, đó là thành công nào cũng phải trả giá để có được. Bất kỳ ai cũng phải đánh đổi, phải vật lộn, phải chiến đấu trong một thời gian dài thì mới có thể đạt được những gì mình muốn.
Ba năm trước chàng trai trẻ Công Phượng đã ngậm ngùi chia tay Mito Hollyhock vì không để lại bất kỳ dấu ấn sau 5 lần hiếm hoi được ra sân ở CLB hạng 2 của Nhật Bản. Vậy nên, nếu không muốn một lần nữa trở về nước trong nỗi ê chề thất bại, Công Phượng tuổi 24 sẽ phải vượt qua chính mình, tự tin chơi bóng như cái cách anh đã “làm khổ” Nhật Bản ở ASIAN Cup đầu năm.
Thực tế thì Công Phượng bây giờ đã khác rất nhiều so với chính anh vài năm về trước. Mặc kệ những chỉ trích bủa vây, những sự so sánh bập bênh, “cậu bé vàng” của năm 2014 vẫn lừng lững sống sót qua những giông bão cuộc đời.
Sau ánh hào quang ở Việt Nam, giờ đây chàng trai Đô Lương một lần nữa phải chứng minh cho cả Châu Á thấy tài năng thực sự của mình. Chỉ cần đi qua những này tháng tăm tối trước mắt, mong rằng “trò cưng” của Park Hang Seo sẽ chạm vào được ánh sáng phía xa để một lần được hít thở bầu không khí náo nhiệt của K.League và mang sự tự hào cho bóng đá Việt Nam.