1. "Ở Tây Ban Nha, chẳng có ai được tôn trọng", Alvaro Morata phản ứng khi bị nhiều CĐV Tây Ban Nha chỉ trích vì anh khóc trong ngày thắng tuyển Đức.
Đây không phải lần đầu xảy ra chuyện phản ứng gay gắt của đội trưởng tuyển Tây Ban Nha với CĐV. Alvaro Morata từng tuyên bố rời tuyển Tây Ban Nha vì vợ con bị người hâm mộ xúc phạm trước thềm EURO 2024.
Trong tư thế người chồng và người bố, Alvaro Morata phản ứng để bảo vệ gia đình là chuyện đương nhiên. Vì khó ai chấp nhận được chuyện vợ con bị xúc phạm khi xuất phát từ việc CĐV không thích. Họ có thể chê Morata thi đấu chưa tốt như kỳ vọng nhưng đừng lôi vợ con của anh vào để tranh cãi.
Ở một góc độ khác, Alvaro Morata đang là đội trưởng tuyển Tây Ban Nha và phía trước là trận gặp Pháp ở bán kết EURO 2024. Mâu thuẫn giữa CĐV và Alvaro Morata chắc chắn tạo ra tác động không tốt cho "bò tót". Nếu Tây Ban Nha không thể đi tiếp thì Alvaro Morata có thể trở thành "người gánh tội". Vấn đề là CĐV Tây Ban Nha đã "châm ngòi" ở thời điểm then chốt của đội nhà dù khen - chê không thể thiếu trong bóng đá.
2. Câu chuyện của Alvaro Morata là tấn bi kịch mà nhiều cầu thủ, VĐV phải chịu đựng. Áp lực, sự chỉ trích trong thể thao thật sự tàn khốc. Người càng nổi tiếng càng thấu hiểu hơn ai hết về khả năng vùi dập từ đám đông.
Sức ép trong bóng đá rất kinh khủng nếu nhìn lại một số câu chuyện bi thương của môn thể thao vua. Không ít người đã ra đi vì áp lực quá lớn.
Thủ môn Robert Enke (Đức) lao đầu vào đoàn tàu trước thềm World Cup 2010. Bí mật được tiết lộ là Robert Enke bị trầm cảm kể từ khi chuyển đến CLB Barcelona. Anh mắc lỗi trong ngày ra mắt nên sau đó phải ngồi ghế dự bị. Áp lực tăng dần theo từng ngày dẫn đến bi kịch đau lòng của Robert Enke.
HLV trưởng đội tuyển Xứ Wales, Gary Speed đã treo cổ tại nhà riêng. Cầu thủ Justin Fashanu là người đầu tiên dám nhận bị gay, sau đó treo cổ tại nhà vì không chịu nổi điều tiếng...
3. Thể thao Việt Nam cũng không thoát khỏi câu chuyện kiểu Alvaro Morata. Lê Công Vinh dù sự nghiệp đang trên đỉnh cao hay giải nghệ cũng giữ quan điểm: Bóng đá rất bạc bẽo. Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á gọi Lê Công Vinh là huyền thoại, còn không ít người hâm mộ lại gán cho anh theo kiểu "kẻ ăn may", "kẻ gặp thời". Họ thường so sánh Công Vinh và Văn Quyến dù sự thật một người là tác giả bàn thắng giúp tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2008, một người từng dính vào vụ bán độ ở SEA Games năm 2005.
Nguyễn Công Phượng từng có một thời gian rơi vào trầm cảm. Sau thất bại của U22 Việt Nam trước Thái Lan ở SEA Games năm 2017, một chuyên gia bóng đá nhận xét Công Phượng thi đấu "như húc vào tường". Phần lớn phủi sạch sự nỗ lực của tiền đạo người xứ Nghệ, chỉ còn nhớ đến cú sút phạt đền hỏng trước Thái Lan.
"Tiểu tiên cá" Ánh Viên cũng có quãng thời gian trầm cảm như Công Phượng. Áp lực thành tích quá lớn, lời khen chê và sự so sánh đẩy Ánh Viên vào cảnh giành HCV cũng... khóc vì thông số không tốt. Tất cả khiến cho Ánh Viên chọn cách từ giã đội tuyển bơi dù SEA Games 31 diễn ra ở Việt Nam.
Bóng đá nói riêng, hay thể thao nói chung thì không ai nói trước được thành công. Hôm nay là người hùng, ngày mai có thể trở thành tội đồ. Và trước khi phê phán họ có lẽ chúng ta cần đặt ra câu hỏi: Nên động viên, hay trách cứ sẽ tốt hơn?