Lợi thế lớn để vô địch
Mặc dù phải tiếp SLNA - đội bóng đa bất bại 8 trận liên tiếp ở V.League 2018 nhưng CLB Hà Nội đã giành chiến thắng tưng bừng 2-0 một cách thuyết phục để giành chức vô địch lần thứ 4. Một kỷ lục mới ở V.League khi đội bóng Thủ đô giành ngôi vô địch sớm 5 vòng đấu.
Sự khác biệt lớn nhất để giành CLB Hà Nội dễ dàng đá bại một SLNA đang bất bại là lợi thế sân nhà, tương quan lực lượng và lịch thi đấu. Chính HLV Nguyễn Đức Thắng (SLNA) đã phản ánh sau trận đấu rằng SLNA thua là do một phần cách xếp lịch từ Ban điều hành giải.
“Chúng tôi bị thiệt thòi từ chính trận đấu ở Cúp quốc gia. Cách đây 4 ngày, chúng tôi đã phải đá căng với Thanh Hóa sau đó làm khách trước Hà Nội. Đó là một lợi thế với họ. Điều này cũng diễn ra rồi nên tôi không muốn nói thêm nữa. Tôi chỉ mong Ban điều hành cân bằng với tất cả để có phương án phù hợp nhất với các đội”, HLV Nguyễn Đức Thắng nói.
Đó là sự phản ánh đúng khi SLNA và Hà Nội đều có lịch đá bán kết Cúp quốc gia vào ngày 5/9. Tuy nhiên, Hà Nội được nghỉ để chờ Ban điều hành giải xếp lại lịch đá bán kết với Bình Dương, còn SLNA phải đá với Thanh Hóa. Điều này khiến cho 2 tuyển thủ U23 Việt Nam là Phan Văn Đức và Xuân Mạnh dính chấn thương, cả hai đã không thể góp mặt trước Hà Nội.
Sứt mẻ về lực lượng nghiêm trọng cộng với việc căng sức đá với Thanh Hóa, trong khi đối thủ được nghỉ ngơi để chờ giải quyết họ lên ngôi vô địch, SLNA đã thua 0-2 tại Hàng Đẫy.
Ngoài ra, một con tính có thể nhìn thấy khá rõ khi Hà Nội hạ SLNA để lập kỷ lục trong ngày vô địch ngay tại sân nhà, còn khán đài đông như hội vì có thêm khán giả từ đối thủ. Nếu gặp một đội bóng khác thì e rằng… chưa biết ngày vui có đông người đến xem hay không, bởi nhiều năm qua thì Hà Nội vốn rơi vào tình trạng đá vắng người xem.
Vậy nên, đội bóng của bầu Hiển đã có chiến thắng “kép” khi ngày vui trở nên đông đảo với sự “tiếp viện” trên khán đài từ hơn 10 nghìn CĐV SLNA.
Chiến thắng thật, Cúp thật
Nhiều người đã nói như thế sau khi Hà Nội hạ SLNA để lần thứ 4 lên ngôi vô địch, cần bằng thành tích với CLB Bình Dương. Danh hiệu lần này của đội bóng Thủ đô quả thực không có gì để chê trách hay bị than phiền như cách đây 2 năm.
Năm nay, Hà Nội có được lực lượng đồng đều, chất lượng nhất V.League và dàn ngoại binh “khủng”. Thế nên, CLB Hà Nội thắng như “chẻ tre” vì không có đối thủ cạnh tranh. Nguyên nhân là Bình Dương - đối thủ nhiều năm chỉ còn là “cái bóng” khi đặt mục tiêu trụ hạng. Thanh Hóa đầu tư nhiều nhưng chật vật trong giai đoạn đầu và không có sự ổn định.
Với việc sớm vô địch trước 5 vòng đấu, có thể thấy được đầy đủ sức mạnh của CLB Hà Nội so với phần còn lại. Thế nên, Hà Nội vô địch rõ ràng quá thuyết phục trong mùa bóng năm nay.
Theo đó, kỷ lục cũng chưa phải là giá trị lớn nhất. Đó phải là sự thừa nhận về chuyên môn, về giá trị trong lòng khán giả. Không còn nhiều điều tiếng theo kiểu nghi ngờ này nọ với đội bóng của bầu Hiển so với lần gần nhất họ vô địch (năm 2016) khi đua với Hải Phòng đầy nghẹt thở.
Tất nhiên, câu chuyện Hà Nội vô địch cũng mang đến một nỗi buồn cho sân chơi V.League. Sau 17 năm lên chuyên nghiệp thì giải đấu dường như đang thụt lùi khi chỉ có mỗi Hà Nội độc bước về đích, các đội bóng còn lại chơi trong cảnh thiếu ổn định. Ngay đến đội bóng đang xếp thứ 2 là Khánh Hòa cũng là bất ngờ, vì họ thuộc diện nghèo nhất V.League. Mục tiêu mỗi năm đưa ra là trụ hạng.
Cứ vui thôi, phải chúc mừng CLB Hà Nội vô địch thuyết phục, không điều tiếng đã là cái may của giải đấu số 1 Việt Nam!