Theo VPF thông báo về Điều lệ giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia 2023, đúng như Saostar từng thông tin về việc giải đấu chỉ có 0,5 đội rớt hạng. Cụ thể, Điều lệ V.League 2 ghi rõ như sau:
21. Các quy định sau khi xếp hạng toàn Giải
a) CLB xếp thứ Nhất toàn Giải là CLB Vô địch, CLB xếp thứ Nhì là CLB Giải Nhì, CLB xếp thứ 3 là CLB Giải Ba, tiếp đến là CLB xếp thứ 4, CLB xếp thứ 5... đến CLB xếp thứ 10.
b) CLB Vô địch được thăng hạng, chuyển lên thi đấu tại Giải bóng đá Vô địch Quốc gia 2023-2024.
c) CLB xếp thứ 10 sẽ thi đấu trận Play-off với CLB được thi đấu trận Play-off tại Giải bóng đá hạng Nhì Quốc gia 2023. CLB thắng tại trận Play-off được quyền tham dự Giải bóng đá hạng Nhất Quốc gia 2023-2024; CLB thua sẽ thi đấu ở Giải bóng đá hạng Nhì Quốc gia năm 2024.
Sau khi CLB Cần Thơ và Sài Gòn FC bỏ giải, giải hạng Nhất 2022 có 10 đội tham dự gồm: Bình Thuận, Hòa Bình, PVF-Công an Nhân dân, Phù Đổng, Huế, Long An, Phú Thọ, Quảng Nam, CLB Bà Rịa Vũng Tàu và Bình Phước. Giải hạng Nhất 2023 thay đổi thể thức thi đấu với hình thức đá 18 vòng và 90 trận đấu. Về tiền thưởng được tăng lên gấp đôi, CLB vô địch được nhận 2 tỷ đồng, Á quân có 1 tỷ đồng, đội xếp thứ Ba có 500 triệu đồng. Nhà vô địch sẽ lên chơi V.League 2024.
Cũng chung tình cảnh với V.League 2, giải futsal vô địch Quốc gia 2023 đang rơi vào cảnh ngày càng "teo tóp" về số đội. Năm 2021 có 10 đội, 2022 có 9 đội và năm nay (2023) có 8 đội. Đây là nỗi lo cho futsal Việt Nam.
Câu chuyện kể trên mang đến nỗi buồn lớn cho bóng đá Việt Nam bởi cả hai giải đấu đều được gọi là giải Quốc gia. Cả hai giải đấu đều gắn với tham vọng World Cup nhưng rõ ràng chân đế lung lay dữ dội với cảnh bỏ giải, hay đá thiếu tính cạnh tranh đúng nghĩa.
Cần nhắc, giải V.League 2023 có 1 suất xuống hạng. Con số này thua xa giải Thai League 1 của Thái Lan với 3 đội phải rớt hạng.