Ở thập niên 90, nước Mỹ tự hào khi có 3 nhân vật nổi tiếng được ví là “bộ ba Mike”: Michael Jackson (âm nhạc), Mike Tyson (quyền Anh) và Michael Jordan (bóng rổ).
Huyền thoại bóng rổ Michael Jordan, vận động viên thể thao vĩ đại nhất thế kỉ 20 do tạp chí ESPN bình chọn vào năm 1999. Sự nghiệp lẫy lừng của Michael Jordan đạt thành công đến mức năm 2015 thì ông trở thành tỷ phú đầu tiên xuất thân từ thể thao. Và nhiều người càng cảm phục khi biết Michael Jordan qua câu chuyện bán áo.
Lúc nhỏ, Michael Jordan được cha đưa cho chiếc áo cũ và nói: “Con nghĩ chiếc áo này đáng giá bao nhiêu tiền?”.
“Khoảng 1 đô la”, Michael Jordan trả lời.
“Con có thể bán nó với giá 2 đô la không?”, người cha hỏi.
Michael Jordan đáp: “Con sẽ thử xem, nhưng con không chắc có thể bán được”.
Sau 6 tiếng đồng hồ chào bán, chiếc áo đã có người mua với giá 2 đô la.
Người cha tiếp tục đưa 1 cái áo cũ và nói: “Con có thể bán chiếc áo này với 20 đô la không?”.
Michael Jordan nghĩ ra cách vẽ Donald và một chú Mickey lên chiếc áo. Sau đến 1 ngôi trường có nhiều học sinh giàu để chào bán. Một người đã mua với giá 20 đô la và bo thêm 5 đô la.
Cha của Michael Jordan đưa tiếp một chiếc áo và nói: “Con có thể bán chiếc áo này với giá 200 đô la được không?”.
Hai tháng sau, nữ diễn viên chính Farrah Fawcett của bộ phim “Những Thiên Thần của Charlie” đến thành phố, nơi Michael Jordan ở để quảng bá. Chàng trai liền tìm cách xin được chữ ký. Sau đó, chiếc áo được bán qua một cuộc đấu giá lên đến 12 nghìn đô la.
Người cha hỏi Michael Jordan: “Con trai, sau khi bán 3 chiếc áo này, con học được điều gì nào?”.
“Cha động viên con. Miễn là chúng ta động não, mọi chuyện đều có cách. Nơi nào có ý chí, nơi đó có con đường”, Michael Jordan đáp.
Người cha nói tiếp: “Cha muốn nói với con rằng, chiếc áo cũ giá 1 đô la vẫn có cách để tăng giá trị của mình, cớ sao chúng ta phải bi quan với cuộc sống này?
Chúng ta tuy nghèo một chút, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể làm tăng giá trị bản thân. Con thấy không đến 1 chiếc áo cũ còn có thể làm nên điều kì diệu”.
20 năm sau bài học bán áo, Michael Jordan nghèo đói ngày nào đã trở thành tỷ phú trong sự ngưỡng mộ của hàng triệu người. Một điều đặc biệt khác là huyền thoại bóng rổ người Mỹ rất giỏi trong việc giữ gìn thương hiệu, đến tận năm 2014 thì ông vẫn thu về 100 triệu đô la dù đã nghỉ hưu.
Thương hiệu là một điều cực kỳ quan trọng kể cả trong cuộc sống lẫn thể thao. Một VĐV muốn có nhiều tiền từ quảng cáo thì trước hết phải xây dựng được thương hiệu cá nhân, sau đó mới tập trung vào thương hiệu tài trợ.
Kể một câu chuyện về Michael Jordan, tôi muốn nói đến chuyện hợp đồng của HLV Park Hang Seo và VFF. Khúc mắc được quan tâm là VFF trả bao nhiêu tiền cho HLV Park và tiền ở đâu để trả. VFF gần như phải có sự hỗ trợ từ nguồn tiền xã hội hóa nếu muốn ký lại với ông Park.
Tại sao trải qua rất nhiều năm thì VFF chưa thể tự trả lương cho HLV ngoại?
HLV Park Hang Seo đang được bầu Đức trả 20 nghìn đô la/tháng. Trước HLV Park Hang Seo, HLV Calisto được bầu Thắng hỗ trợ một phần lương. Vậy vấn đề nằm ở đâu?
VFF có nhiều giải đấu để kinh doanh nhưng gần như bán đi tất cả. Các hệ thống giải U đều bán ra ngoài. VFF cũng không còn quyền tổ chức giải V.League, họ chỉ nhận được hơn 10 tỷ đồng từ VPF với ý nghĩa hỗ trợ cho bóng đá trẻ. Nguồn tiền lớn nhất của VFF chính là thương quyền ĐTQG.
Chiếc áo ĐTQG đang mang về cho VFF rất nhiều tiền nhưng sự hiệu quả vẫn chưa đủ lo tiền lương cho HLV Park Hang Seo. Đồng nghĩa trong nhiều năm qua thì chiếc áo ĐTQG được “bán” với giá chưa tốt, vì “bán” tốt thì VFF đã có thể tự chủ về tài chính.
Điều cốt lõi là VFF trong nhiều năm qua có quá nhiều điều tiếng. Thương hiệu VFF chưa đẹp trong mắt người hâm mộ. Điều này được kiểm chứng từ chính niềm tin và cái nhìn của nhiều người yêu bóng đá Việt Nam.
Ví dụ như chuyện phó chủ tịch tài chính Cấn Văn Nghĩa mới từ chức. Nhiều người ngạc nhiên không hiểu sao ông Nghĩa có thể nhận đến 36 phiếu bầu để ngồi vào ghế phó chủ tịch VFF. Liệu những người bầu chọn có trách nhiệm hay chưa?
Trước chuyện ông Cấn Văn Nghĩa, VFF xảy ra vụ lùm xùm với bầu Đức. Rồi một vị phó chủ tịch VFF phải nghỉ ngang vì scandal trước thềm đại hội VFF khóa 8…
Hình ảnh VFF chưa đẹp trong mắt người hâm mộ, tức chưa có được một thương hiệu cá nhân tốt thì rất khó để có thêm các nguồn thu, dù hình ảnh ĐTQG đang rất đẹp dưới thời HLV Park Hang Seo. Thế nên, chỉ mỗi ĐTQG cố gắng thì chưa đủ, bản thân VFF phải tự làm đẹp chính mình, điều này cần sự chung tay của các thành viên.
Tin rằng thương hiệu ĐTQG sẽ rất đắt, thu được rất nhiều tiền nếu VFF cố gắng trở thành một thương hiệu đẹp trong mắt người hâm mộ.