Trọn một mùa chơi cho Mito Hollyhock, Công Phượng có vỏn vẹn 5 lần ra sân ở J-League 2 năm 2016. Chàng trai quê Nghệ An xuất hiện dày đặc trên báo, nhưng trớ trêu thay, đấy hầu hết là những hình ảnh ngoài chuyên môn. Vỏn vẹn 1 năm ở Nhật Bản, Công Phượng về nước, kết thúc chuyến “du học” không thành công.
Nhưng hôm nay, Công Phượng, và có thể cả Quang Hải lẫn Văn Hậu lại sẵn sàng xách vali lên và phiêu lưu đến những phương trời khác. Không chỉ đi cho riêng mình, họ đi vì bóng đá Việt Nam - nền bóng đá muốn vươn mình đến bầu trời cao bằng những cánh chim nay đã thấm đượm nắng gió châu lục.
Bóng đá Việt Nam và “vùng trắng” xuất ngoại
Chiều 7/2, Văn Lâm chính thức ra mắt CLB Muangthong United, đặt bút ký vào bản hợp đồng mang lại cho cựu thủ môn Hải Phòng mức lương 10.000 USD/tháng. Sự kiện này tốn không ít giấy mực, băng thông mạng ngay khi tin đồn vừa mới manh nha.
Trước Văn Lâm, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh từng sang Nhật Bản, Hàn Quốc chơi bóng. Trước nữa, Lê Công Vinh có thời gian “dùi mài” ở Leixoes (Bồ Đào Nha) hay Consadole Sapporo (Nhật Bản). Xa hơn, thế hệ tiền bối Lê Huỳnh Đức, Lương Trung Tuấn,… cũng từng rời khỏi mảnh đất hình chữ S để tìm thử thách mới. Thế nhưng, Văn Lâm là cầu thủ hiếm hoi (nếu không muốn nói là duy nhất tính đến lúc này) được đội bóng quốc tế theo đuổi với lý do chuyên môn thuần tuý.
Nói cách khác, thủ môn mang hai dòng máu Việt - Nga được ký hợp đồng để chơi bóng thuần tuý, thay vì đóng một vai trò nào khác. Lạ lùng thay, với bóng đá Việt Nam, như thế đã được coi là… thành công.
Trong một bài báo đăng tải trước thềm Asian Cup, báo chí Iran cho rằng tuyển Việt Nam là một đội bóng vô danh, với tất cả các tuyển thủ đang thi đấu ở trong nước. Bạn có thể phật lòng nhưng cũng phải thẳng thắn thừa nhận: bóng đá Việt Nam sẽ khó tiến xa nếu các cầu thủ chỉ đóng đinh ở các giải đấu quốc nội, sống chung với những mâu thuẫn, tiêu cực và mảng đen âm ỉ tồn tại từ lâu, khiến các sân bóng thiếu vắng khán giả, phải chờ cú hích U23 Việt Nam để được sống lại lần nữa.
“Toàn cầu hoá” là xu hướng tất yếu của bóng đá thế giới, còn Việt Nam chưa đủ mạnh để có thể đi ngược xu hướng này mà vẫn giữ vững đà phát triển. Bóng đá Việt Nam cần những chuyến phiêu lưu để đưa hình ảnh đất nước tới thế giới. Mỗi cầu thủ là một đại sứ và những chuyến đi tới những miền đất khác nhau chính là thời cơ để nói với thế giới có một Việt Nam yêu bóng đá đến nhường nào.
Thời cơ đảo chiều lịch sử
Lý giải về việc cầu thủ Việt Nam hầu như không ra nước ngoài thi đấu, chân sút kỳ cựu Lê Công Vinh cho rằng có những nỗi sợ vô hình đè nặng lên tất cả: “Họ không tự tin chơi bóng xa nhà, ngại với những món ăn khác biệt. Nỗi sợ hãi đó khiến họ thay vì mơ mộng thi đấu ở nước ngoài, lại quyết định trở về thực tại”.
Công Phượng cũng nói lên tiếng lòng khi cho rằng “cầu thủ Việt Nam thường có tâm lý không tốt khi ra nước ngoài, chúng ta thường mặc cảm rằng mình đến từ nền bóng đá không phát triển nên không thể hiện hết được khả năng”.
Những cuộc “viễn chinh” của cầu thủ Việt Nam trước đây mang tính nhỏ lẻ, không tạo thành xu thế hay hiệu ứng đủ mạnh để thay đổi tư duy cũ kỹ của cả nền bóng đá. Còn ngày nay, với “pháo hiệu mở đường” của Văn Lâm cùng triển vọng xuất ngoại sáng sủa của Công Phượng, Quang Hải, một trang sử mới chuẩn bị chờ bóng đá nước nhà lật mở.
Vị thế bóng đá Việt Nam hôm nay đã rất khác thời điểm Công Vinh ký hợp đồng với Consadole Sapporo năm 2013 hay Tuấn Anh chuyển tới Yokohama FC năm 2016. Nếu thành công của U23 Việt Nam ở Trung Quốc hay Olympic Việt Nam ở Indonesia chỉ được nhìn nhận như hiện tượng thì chức vô địch AFF Cup 2018 và màn trình diễn xuất sắc trước Jordan, Nhật Bản tại Asian Cup 2019 đã cho thấy sự trưởng thành của bóng đá Việt Nam.
Theo BLV Quang Huy, ngoài sáu ngọn núi là Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Saudi Arabia, Uzbekistan, bóng đá Việt Nam có thể chơi ngang ngửa hoặc trội hơn phần còn lại ở châu Á. Sức mạnh của thầy trò HLV Park Hang-seo buộc cả châu lục phải nhìn Việt Nam với ánh mắt khác chỉ sau 1 năm.
Thành công ấy không chỉ mang lại cho bóng đá Việt Nam vị thế mới, mà còn thu hẹp đáng kể khoảng cách về cả tâm thức và trình độ của cầu thủ Việt Nam với cầu thủ quốc tế. Không còn hình ảnh sợ sệt, lóng ngóng khi phải đối đầu với… Thái Lan. Ngay cả với Iraq, Nhật Bản, lứa cầu thủ hôm nay cũng không chịu kém cạnh khi so tài.
Tuyên bố “cầu thủ Việt Nam không thua Hàn Quốc, Nhật Bản” của HLV Park Hang Seo vì thế không mang tính xã giao. Ông đã đúng, và người hâm mộ đã rất mãn nguyện khi bóng đá Việt Nam “bơi” ở biển lớn châu lục với tâm thế mới.
Song tâm thế ấy chỉ có thể trọn vẹn nếu cầu thủ Việt Nam thể hiện được mình ở sân chơi quốc tế. Nhiều cầu thủ Việt Nam đủ khả năng xuất ngoại và chơi ở những giải đấu trên tầm V-League - giải đấu đang cải thiện, nhưng tốc độ thay đổi còn chậm so với đòi hỏi thực tiễn.
Theo chuyên gia kỳ cựu Steve Darby, Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh, Văn Hậu,… cần tìm đến những chân trời mới, thay vì tiếp tục thi đấu ở “ao nhà” với chiếc áo vốn đã quá chật so với tiềm năng của họ.
Hãy cứ đi rồi mới có đường
Đúng, họ phải đi. Muốn thành đường, nhất định chúng ta phải đi, cứ đi mãi rồi cũng thành đường, chứ kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có sẵn đường cho chúng ta đi.
Tuổi 24 của Công Phượng, 23 của Duy Mạnh hay 22 của Quang Hải không thể cứ mãi gọi là “trẻ” được nữa. Bóng đá châu Âu và Nam Mỹ không có hệ thống giải cho lứa cầu thủ U23 (tối đa là U21), bởi các cầu thủ trên 21 tuổi là đã ở ngưỡng trưởng thành, có thể cạnh tranh ở sân chơi đỉnh cao. Cầu thủ châu Á trưởng thành chậm hơn cầu thủ ở các châu lục khác do đặc trưng văn hoá, xã hội cũng như bóng đá, song điều đó không có nghĩa bóng đá Việt Nam phải o bế, che chở cho các tài năng.
Khi đã đủ lông đủ cánh, đàn chim phải rời tổ ấm để tìm đến khoảng trời, vì đó là nơi chúng thuộc về. Thế hệ cầu thủ hôm nay được đào tạo bài bản, kỹ lưỡng bởi công nghệ, thay vì được dạy dỗ bằng kinh nghiệm. Cả đội tuyển được tập luyện, thi đấu nước ngoài thường xuyên, cộng với nhiều năm ăn tập theo chuẩn quốc tế trước đó, rõ ràng các học trò của HLV Park Hang Seo có lợi thế hơn nhiều so với các đàn anh để có thể làm nên chuyện.
Nhưng nếu thất bại nữa thì sao?
Nếu Quang Hải ngồi dự bị, Công Phượng không chứng minh được khả năng, Văn Hậu bị trả về sau một mùa xuất ngoại thì sao?
Câu trả lời không dành cho người nhụt chí. Thế hệ hôm nay có được bao nhiêu chiến tích cũng nhờ những thất bại trong quá khứ. U19 Việt Nam của Quang Hải, Đình Trọng giành vé đi World Cup sau những cú ngã đau đớn trước Thái Lan, Australia. U23 Việt Nam thời Công Phượng, Xuân Trường, Duy Mạnh giành ngôi á quân châu lục sau thất bại muối mặt ở SEA Games 2017.
Đội tuyển Việt Nam đã nhìn thấy bình minh Asian Cup sau bao nỗi thăng trầm, khó nhọc ngay từ vòng loại. Tất cả những bài học ấy rèn giũa nên một thế hệ không bao giờ biết cúi đầu, kể cả ở những chuyến xuất ngoại hứa hẹn nhiều gian truân.
Đến lúc này, cần phải nhắc lại “nỗi sợ thất bại” - thứ gông cùm kìm hãm giấc mơ xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam mà Công Vinh từng đề cập. Không chỉ cầu thủ, mà cả nền bóng đá, người hâm mộ hay CLB đều sợ hãi điều đó. Sợ rằng ai đó chỉ được ra sân 6 trận trong hai năm, phải đi phát tờ rơi hay chấn thương mãi không dứt hẳn. Sợ không được thi đấu nhiều, cầu thủ sẽ sa sút, đánh mất cảm giác thi đấu.
Vì nỗi sợ vô hình đó, bóng đá Việt Nam đã đánh mất không ít cơ hội vươn tới chân trời mới, để rồi trầm uất trong khó khăn, khủng hoảng nhiều năm.
Chỉ đến khi HLV Park Hang-seo và lứa cầu thủ này xuất hiện, niềm tin mới được rót đầy trở lại. Đừng để cơ hội vuột khỏi tay, đừng sợ sệt mà hãy xách vali lên và khám phá bóng đá 4 phương trời.