Hoàng Hà Giang đã từng mang tới hy vọng lớn cho taekwondo Việt Nam khi giành HCB Á vận hội 2006 tại Doha (Qatar) và sau đó là 2 HCV Giải Vô địch trẻ thế giới năm 2006 và 2008.
Hoàng Hà Giang là thành viên của thế hệ vàng taekwondo TP.HCM cùng với các tên tuổi khác như Châu Tuyết Vân. 17 tuổi, cái tuổi bẻ gãy sừng trâu cũng là lúc Giang đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, của vinh quang nhưng lại phải giải nghệ vì mắc căn bệnh nan y - lupus.
Làm đủ nghề tự kiếm tiền chữa bệnh
Căn bệnh này không cho phép Giang hoạt động mạnh và ra ánh nắng mặt trời. Với một nữ võ sĩ, đây là “bản án tử”. Giang từ giã sàn đấu cũng đồng nghĩa với việc em tay trắng về sống với bệnh tật.
8 năm chống chọi với bệnh tật, với Giang không phải là một chặng đường mà là một cuộc đời đầy đau khổ.
Nhưng Giang không từ bỏ. Giang đã làm đủ mọi việc miễn sao có tiền để chữa bệnh với hy vọng có thể viết lên một trang đời mới. Khoản trợ cấp hơn 3 triệu đồng/tháng không đủ để em chi trả cho tiền thuốc điều trị bệnh mỗi tháng, nói chi đến ăn uống hàng ngày.
Để chia bớt bất hạnh với Giang, lãnh đạo Sở Thể dục thể thao thành phố và Hội Taekwondo thành phố đã nhận Giang vào làm việc văn phòng và hưởng mức lương 1,4 triệu đồng/ tháng.
Ngoài việc làm thư ký tại Hội Taekwondo thành phố, Giang còn làm nhân viên bán vé ở hồ bơi Vân Đồn, quận 4 với thu nhập 3 triệu đồng. Rồi Giang đi dạy võ thêm (lớp phong trào) ở quận 4, quận 7 với thu nhập 100.000 đồng/ buổi.
Nhờ những nguồn thu này, cuộc sống của Giang dần bớt khó khăn. Giang dè sẻn lo ăn uống chi tiêu hàng ngày cùng bà ngoại đã 80 tuổi và chi phí chữa bệnh.
Sau này, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, Giang có một số vốn nho nhỏ để mở shop bán hàng quần áo online.
Tưởng chừng đó công việc đã là quá tải với một cô gái nhỏ nhắn mang căn bệnh nan y trong người. Thế nhưng, Giang vẫn tiếp tục học bổ túc văn hóa để tốt nghiệp cấp 3 và thi đậu vào trường Arena ngành đồ họa.
Nhưng lại một lần nữa, ông trời tàn nhẫn với em. Khi mà mọi sóng gió tưởng đã ngừng thổi thì một cơn cuồng phong khác lại ập tới.
Trong một lần chạy xe đi dạy võ, Giang bị tai nạn ô tô. Tai nạn làm Giang gãy xương đùi, phải mổ bắt ốc. Vậy là cô gái nhỏ phải từ bỏ mọi công việc mưu sinh hàng ngày. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt mọi nguồn thu em có.
Những ngày tháng đó, Giang sống nhờ lòng bao dung của mọi người. Sự giúp đỡ của Hội Taekwondo thành phố, của HLV Quang Hà, của bạn bè, của học trò giúp Giang đi tiếp.
Thủy, lứa đàn em của Giang ở Hội Taekwondo thành phố nói: “Chị Giang bình tĩnh và gan lắm. Khi xảy ra chuyện chị luôn bình tĩnh xử lý tình huống chứ không cuống như mọi người”.
Nhưng, ít ai biết được rằng, cô gái trẻ có bề ngoài lầm lì gan dạ ấy đã không ít lần ngồi khóc thầm bên những chiếc huy chương khi nghĩ về tương lai mịt mù phía trước và những bất hạnh trong cuộc đời mình.
Từ bỏ sàn đấu lúc đỉnh cao, Giang bước sang một sàn đấu khác - cuộc đời! Nhưng dù có nỗ lực đến mấy, cuối cùng em vẫn phải chịu thua sau những cơn đau dữ dội.
Bà Lâm Thị Phương Chinh, mẹ của Giang kể: “Trước khi mất chừng nửa tháng, em nó bị đau bụng dữ quá. Em bảo: “Mẹ ơi, con chết mất. Con đau quá…”, rồi em khóc…
Tôi đưa em vào bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ nói phải mổ thì mới cứu mạng em được. Nội tạng bị viêm quá nặng do thời gian uống thuốc trị bệnh lupus kéo dài. Nhưng sau khi mổ, em không tỉnh lại nữa…”
Gia cảnh đáng thương
Trong lễ tang em, chỉ có sự hiện diện của hai người thân là bà ngoại và mẹ. Khi nghe tin em ra đi, ba em vì quá đau lòng mà bệnh suy tim tái phát.
Ông đã được đưa tới bệnh viện Bình Dân cấp cứu nhưng bác sĩ nói gia đình cần chuẩn bị tinh thần trước, “người bệnh đang trong cơn hấp hối”.
Chúng tôi đã không dám hỏi gì ba của Giang về những suy nghĩ hay cảm xúc của ông khi hay tin con gái mất, cũng như những kỷ niệm giữa hai cha con.
Vì tất cả nỗi đau tột cùng của người cha mắc bệnh suy tim phải nhập viện khi hay tin con gái qua đời đã hiện đầy lên khóe mắt đơ dại của ông khi nằm trong phòng bệnh.
Và chúng tôi cũng không dám chụp hình lại, sợ mình có lỗi với nỗi đau của ông.
Trở lại đám tang. Mặc dù đã có nhiều người đến viếng so với lúc chúng tôi đến, ở lại và đi. Hiếm có đám tang nào lại buồn đến thế, dù những người đến viếng, không ai khóc! Những người thân không ai khóc!
Nhưng một cảm giác đau xót trước gia cảnh của em cứ thế len lỏi vào lòng mỗi người.
Bà ngoại Giang cũng có mặt ở đám tang cháu gái. Bà đã 83 tuổi, tóc bạc trắng. Bà không ngồi tiếp khách. Bà đứng dựa tường và nhìn quan tài.
Cũng như mọi người, bà không khóc. Nhưng cái nhìn ngây dại của ngoại và sự im lặng kéo dài tưởng như vô tận khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm với cô cháu gái bà nuôi từ nhỏ, đã nói thay tất cả!
Bà thở dài rồi nhìn di ảnh cô cháu gái từng là niềm kiêu hãnh của cả gia đình, họ hàng. Lúc này, nước mắt bà mới chảy tràn xuống, theo vết da nhăn nheo, nhưng bà vẫn im lặng!
Bà Chinh, mẹ của Giang vốn là công nhân may, nhưng công việc cũng bấp bênh vì phụ thuộc vào hàng lúc nhiều lúc ít. Vì thế bà còn làm thêm nhiều việc khác. Ai thuê gì làm đó. Thế nên thu nhập không ổn định.
Giờ căn nhà nhỏ chưa đến chục mét vuông ở chung cư cũ kỹ trên đường Vĩnh Hội, quận 4 chỉ còn lại người bà già yếu, tấm di ảnh của cô gái qua đời khi mới 24 tuổi! Xung quanh là một màu trắng xám cũ kỹ, buồn bã!
Liệu sẽ có bao nhiêu người biết (hoặc còn nhớ) về một Hoàng Hà Giang, từng là niềm tự hào của thể thao Việt Nam trong căn nhà nghèo khổ này?