Chỉ có một con đường cứu CLB Quảng Ninh là cần có doanh nghiệp tài trợ, chấp nhận chi 70 tỷ để trả sạch nợ. Điều này có lẽ rất khó khi đội bóng đất Mỏ đang tiến hành thanh lý hợp đồng cho các cầu thủ. Nói thẳng thì đang "giải tán" đội bóng!
Chuyện CLB nợ lương, nợ lót tay ở V.League không hiếm. Chuyện các đội bóng ở Việt Nam bị "khai tử" vì hết tiền thường xuyên xảy ra. CLB Khánh Hoà, Đồng Tháp FC "chết đi, sống lại" trong nhiều năm qua là ví dụ. CLB HAGL của bầu Đức cũng từng rơi vào cảnh bị nợ lương 1 tháng vào cuối năm 2016.
Tất cả cho thấy rằng số phận đội bóng phụ thuộc vào "bầu sữa" của ông chủ, doanh nghiệp. Họ làm kinh tế thuận lợi, thành công thì đội bóng sống tốt và sống khoẻ. Ngược lại, đội bóng sẽ khó khăn, hoặc bị "khai tử".
Bầu Đức từng nói rất sòng phẳng với các cầu thủ trẻ của Học viện HAGL vào năm 2019 rằng: "Mấy năm qua thì các cháu bị thiệt thòi vì chú làm kinh tế khó khăn, nên các cháu không được đi nước ngoài tập huấn như khoá của Công Phượng, Xuân Trường... Năm nay, các cháu sẽ được đưa đi nước ngoài cọ xát".
Ông chủ CLB HAGL nói thật với truyền thông về chuyện mấy năm không thể theo sát đội bóng do tập trung vào kinh doanh. Và HAGL thi đấu tốt ở V.League 2021 có dấu ấn rất lớn từ sự trở lại của bầu Đức, từ chuyện đến sân Pleiku dõi theo mọi trận đấu đến sự đầu tư về con người ở hàng thủ để khắc phục điểm yếu cho đội bóng phố Núi.
Và điều đáng nói nhất trong hành trình làm bóng đá của bầu Đức chính là sự tử tế với cầu thủ. Đây là câu chuyện quan trọng hơn cả việc mở Học viện bóng đá HAGL, mời ông Park Hang Seo về Việt Nam.
Xuyên suốt 2 thập kỷ qua, bóng đá Việt Nam ghi nhận có rất nhiều ông chủ được gọi là ông bầu bóng đá đến rồi đi. Có những người đến trong sự ồn ào, sau đó rút lui chóng vánh. Nhưng bầu Đức luôn gắn bó với bóng đá, kể cả thời điểm ông từng nói "nhiều lúc kiếm 50 tỷ thôi nhưng kiếm mãi không ra, nghĩ lại thật cay đắng".
Cũng chỉ có bầu Đức mới làm được những điều khác biệt nhất cho các cầu thủ là trả mức lương 15-20 triệu đồng/tháng cho lứa Công Phượng dù họ chỉ ở độ tuổi 17-18. Bầu Đức gửi tiền về cho gia đình các cầu thủ, tránh cho "các đứa con" của ông sớm nghĩ đến vấn đề tiền bạc khi đi đá bóng.
Sự khác biệt có thể nhìn qua câu chuyện mẹ tiền vệ Phan Văn Đức từng kể con trai đi đá U19 Việt Nam thì phải xin tiền mẹ mua giày. Mỗi tháng, Phan Văn Đức nhận được số tiền ít ỏi chỉ đủ... mua kem đánh răng và vài thứ khác.
HAGL là đội bóng đầu tiên tiến hành chuyện cầu thủ vừa học vừa đá bóng. Các cầu thủ được cho học đến Đại học, và học ngoại ngữ.
Cựu danh thủ bóng đá Thái Lan - Thonglao nói về bầu Đức là không thể so sánh ông chủ CLB HAGL với bất kỳ ai, vì ông chăm lo cho các cầu thủ HAGL giống như người cha đối xử với các đứa con.
Thế nên, khi nói về bầu Đức thì phải nhắc điều đầu tiên là sự tử tế với các cầu thủ chứ không phải nhìn vào thành công của bóng đá Việt Nam, qua đó đo đếm xem ông đóng góp những gì. Bởi sự đầu tư và chăm lo tốt cho các cầu thủ đã là sự đóng góp lớn cho cả nền bóng đá.
Đúng hơn, các cầu thủ không được chăm lo tốt, không được nuôi dưỡng tử tế thì khó có một ĐTQG hùng mạnh. Không ai đi đá bóng phải có trách nhiệm cống hiến hết mình khi bị nợ tiền, còn vợ con không đủ ăn - đủ mặc. Vì bóng đá là một nghề mưu sinh như nhiều ngành nghề khác.
Bóng đá Việt Nam thực sự cần nhiều ông bầu đam mê thật, làm thật để chăm lo một cách tử tế cho các cầu thủ, thay vì vui thì chơi tưng bừng nhưng sau đó "chia hành lý". Hay một kịch bản khác là cầu thủ vươn đến đỉnh cao cùng ĐTQG thì lại ra mặt nhận theo kiểu "nó là quân của tôi", thưởng tiền để dư luận chú ý. Làm như thế là nhận vơ, đánh tráo khái niệm với người hâm mộ.