Bầu Đức - Trường ca 20 năm của người đưa đò thầm lặng
Ít ai biết rằng, bầu Đức gắn bó bóng đá Việt Nam xuyên suốt kể từ ngày trở lại sân chơi khu vực. Từ giữa năm 90, nhiều cầu thủ Việt Nam thế hệ HLV Hữu Thắng, Huỳnh Đức đã quen mặt với hình ảnh người đàn ông mặc áo da bò xuống sân thưởng tiền đô cho họ. Người đó là bầu Đức, thời điểm trước khi làm bóng đá.
“Thai nghén” về tình yêu bóng đá của bầu Đức đã cho ra đời đứa con tinh thần mang tên CLB HAGL. Một cột mốc lịch sử để tạo nên những câu chuyện có 1 không 2 về sau cho bóng đá nước nhà.
Bầu Đức bắt đầu cuộc chơi bóng đá theo cách kỳ lạ và phi thường khi chiêu mộ thành công ngôi sao nổi tiếng nhất Đông Nam Á thời đó là Kiatisak.
Hồi đó, Kiatisak vang danh cả Đông Nam Á nhưng CLB HAGL thì không ai biết. Bầu Đức xác định phải mua bằng được danh thủ người Thái Lan. Bầu Đức qua Thái Lan ở một tháng ròng rã tại khách sạn để gặp gỡ và xúc tiến hợp đồng với “Zico Thái”.
Vì không ai biết đến do mới làm bóng đá nên bầu Đức cảm nhận được cái ánh mắt tỏ ra coi thường khi hỏi mua một ngôi sao lớn như Kiatisak. Ông chủ CLB HAGL càng hạ quyết tâm phải có Kiatisak, không chỉ câu chuyện bóng đá mà còn vì sự tự ái của người Việt Nam khi bước ra ngoài khu vực.
Ngày “đấu giá” Kiatisak có bầu Đức cùng hai đội bóng của Malaysia và Singapore. Hai bên kia trả lương hậu hĩnh kèm theo chuyện cấp xe, biệt thự cho “Zico Thái”. Bầu Đức tuyên bố: “Xe thì tôi mới mua, biệt thự cũng có sẵn. Tôi chỉ nói một câu thế này, những người kia trả lương bao nhiêu không cần biết, riêng tôi trả gấp đôi”.
Sự quyết tâm phải thắng bằng mọi giá của bầu Đức đã thành công. Một phi vụ có thể gọi là gây tiếng vang cho cả Đông Nam Á. Thay lời giới thiệu về CLB HAGL và bóng đá Việt Nam bước lên một nấc thang mới ở khu vực.
Nếu như Kiatisak là lời giới thiệu về hình ảnh bóng đá Việt Nam ra khu vực thì “cú bắt tay” với CLB Arsenal để xây Học viện bóng đá của bầu Đức giống như sự chuyển mình ra thế giới.
Bầu Đức gặp HLV Wenger để thỉnh giáo về bóng đá. Từ cuộc trò chuyện với vị HLV nổi tiếng thế giới, bầu Đức trở về Việt Nam xây Học viện bóng đá HAGL - Arsenal - JMG. Một câu chuyện có thể gọi là “bàn thắng cuộc đời” của bầu Đức cho bóng đá Việt Nam. Nó giống như cuộc khai sáng cho những người làm bóng đá ở V.League hiểu thế nào là bóng đá chuyên nghiệp phải xây từ gốc, thay vì cứ “xây nhà từ nóc”.
Thương hiệu HAGL của bầu Đức tạo ra một cột mốc riêng biệt và có ý nghĩa lớn lao khi xuất hiện tại giải đấu số 1 thế giới - Premier League.
Bầu Đức xây Học viện với giấc mơ nâng tầm bóng đá Việt Nam lên số 1 Đông Nam Á, vươn ra thế giới. Đó là một tư tưởng có thể nói quá lớn lao khi nhìn về V.League, nơi tồn tại nhiều mặt xấu và thiếu chuyên nghiệp. Cũng vì mang một khát vọng phi thường so với phần còn lại, bầu Đức trở thành “nạn nhân” khi nhiều ý kiến buông lời dèm pha, ném đá các kiểu.
Đúng hơn, bầu Đức đã đi trước sự phát triển của bóng đá Việt Nam quá sớm. Những gì bầu Đức làm và ấp ủ quá khác biệt so với cách làm của phần còn lại. Phần lớn chưa hiểu được bước đi của bầu Đức, vì chưa bao giờ có tư tưởng vượt ra khỏi “giấc mơ con” vô địch V.League.
Thế nên, bầu Đức bị “đánh hội đồng” đến mức từng ngậm ngùi nói: “12 năm làm Học viện bóng đá là 12 năm tôi phải đội mũ cối, vì bị ném đá. Họ không tin tôi nhưng bản thân tôi không được phép dừng lại, chấp nhận mọi thứ để làm đến cùng”.
Luồng ý kiến trái ngược đó góp phần tạo nên tấn bi kịch khó tin, kỳ lạ nhất dành cho bầu Đức sau khi U22 Việt Nam thất bại tại SEA Games 2017 trên đất Malaysia.
Một buổi chiều nắng vàng rất đẹp nhưng ở đó những chàng tuổi đôi mươi của bầu Đức như chết lặng, mọi thứ chẳng khác gì bầu trời sụp đổ sau thất bại trước Thái Lan. Họ biết đã không thể hoàn thành giấc mơ cho “người cha” là bầu Đức.
Càng đau đớn thay, khi giấc mơ lớn trong hơn 20 năm của cả nền bóng đá không thành hiện thực nhưng trách nhiệm lại thuộc về một lứa cầu thủ non trẻ và ông chủ CLB làm tất cả vì bóng đá nước nhà. Trớ trêu và nghịch lý đến thế là cùng!
Số đông đã quên một điều rất quan trọng: Việt Nam thất bại ở SEA Games 2017 thì bầu Đức là người đau nhất. Bầu Đức ấp ủ giấc mơ này ròng rã từ năm 1997 đến 2017, tức tròn 20 năm dành tình yêu và khát vọng cho bóng đá Việt Nam. Bầu Đức đã tốn hàng nghìn tỷ đồng làm bóng đá, bỏ rất nhiều tâm huyết, thậm chí từng có thời gian gác công việc để hỗ trợ bóng đá nước nhà.
Lẽ đó, ông bầu tâm huyết với bóng đá Việt Nam cần có một sự đồng cảm hơn bao giờ hết. Nhưng phần lớn chọn cách ngược lại là đả kích, “ném đá” bầu Đức.
Bóng đá đôi khi bạc bẽo đến ác nghiệt. Một số ý kiến bỏ qua hành trình để nhìn vào một kết quả để phán xét!
Người Hàn Quốc gọi HLV Park Hang Seo là “phù thủy”, là huyền thoại bóng đá Việt Nam. Nhưng với người hâm mộ Việt Nam, không có kỳ công và tâm huyết của bầu Đức thì ông Park không có được ánh hào quang như hiện tại.
Câu chuyện bầu Đức trả lương, ba lần mời HLV Park Hang Seo sang Việt Nam để mở ra giai đoạn thành công rực rỡ được nhắc đến rất nhiều, nhưng giá trị lớn nhất từ câu chuyện tình đẹp này thì chưa được nói đến.
Nếu không có tâm huyết, quyết tâm tột cùng và tình yêu dành cho bóng đá thì bầu Đức sẽ buông bỏ mọi thứ khi bị “đánh hội đồng” sau SEA Games 2017. Đây cũng là thời điểm bầu Đức gặp nhiều khó về việc làm ăn, thậm chí có thời điểm thì ông chủ CLB HAGL khó đến mức cần 50 tỷ đồng để xoay sở công việc nhưng không có.
Trong bối cảnh khó khăn theo kiểu “ngàn cân treo sợi tóc”, một điều bất diệt là bầu Đức luôn nghĩ và lo cho bóng đá Việt Nam. Thử hỏi có ai làm được như bầu Đức?
Trước khi HLV Park Hang Seo đến Việt Nam, một bộ phận dư luận có ý muốn đưa HLV Hoàng Anh Tuấn lên làm HLV trưởng tuyển Việt Nam thay HLV Hữu Thắng - người từ chức sau thất bại ở SEA Games. Bầu Đức là người đấu đến cùng, xác định không thể chọn ông Tuấn vào ghế HLV ĐTQG.
Bầu Đức nói rằng: “Chuyện HLV trưởng ĐTQG thì cả xã hội quan tâm và có trách nhiệm. Tôi xin nghỉ VFF vẫn không thể đứng ngoài được. Tôi phải chung tay làm điều này, vì giúp được gì cho bóng đá thì phải làm hết mình”.
Nói là làm!. Bầu Đức sang Hàn Quốc mời HLV Park Hang Seo và tự nguyện trả lương với bản hợp đồng 2 năm. Thế nên, không có bầu Đức, bóng đá Việt Nam chắc chắn không có HLV Park.
Một trong những trường ca vĩ đại nhất của thế giới là kiệt tác Thần khúc của nhà thơ Ý Dante Alighieri. Trường ca này chia làm 3 phần: Hỏa ngục (Inferno), Luyện ngục (Purgatorio) và Thiên đường (Paradiso). Thần khúc có một ý nghĩa đặc biệt khi trở thành cầu nối giữa văn hóa Trung cổ và văn hóa thời đại Phục hưng.
Hơn 20 năm tâm huyết với bóng đá Việt Nam của bầu Đức giống như một trường ca lưu danh sử sách. Bầu Đức làm bóng đá trải qua đủ mọi cay đắng, buồn tủi để đến ngày được thấy bóng đá nước nhà bước lên một tầm cao mới. Đó chẳng khác nào kiệt tác Thần khúc của Dante khi đi từ Hỏa ngục đến Luyện ngục và cuối cùng là Thiên đường.
Bầu Đức sắm vai người dẫn đường, làm hồi sinh tình yêu của người hâm mộ, tái tạo lại sự thành công cho bóng đá Việt Nam.
Thế nên, chúng ta nhìn vào vinh quang thời HLV Park nhận xét thì chỉ là bề nổi của câu chuyện về bầu Đức. Điều quan trọng nhất là tạo ra một thứ văn hóa bóng đá mới, thay đổi những sự xấu xí bằng những điều tốt đẹp, đi cả một hành trình dài để làm nên ca khúc khải hoàn.
Chúng ta hãy thử nghĩ: Vinh quang trong bóng đá liệu có phải thứ quan trọng nhất? Câu hỏi này khó vì bóng đá cần thành tích nhưng vinh quang ngắn ngủi, nhà vô địch rời bục trao giải sẽ bắt đầu lại mọi thứ. Do đó, hành trình đi đến thành công mới có ý nghĩa đặc biệt, giống như một di sản cho cả nền bóng đá.
HLV Park Hang Seo có tài ba đến tầm cỡ nào thì cũng không thể thành công nếu bóng đá Việt Nam chưa hội tụ đủ các yếu tố và sức mạnh tích lũy trong nhiều năm qua. Vấn đề này phải nhìn lại trường ca 20 năm của bầu Đức, người tiên phong mở đường.
Bầu Đức xây Học viện bóng đá đã khiến phần còn lại bắt đầu nhìn vào, học theo trong việc đào tạo trẻ. Nó giống như một tấm gương phản chiếu, không có bầu Đức dám nghĩ, dám làm thì rất khó có những người khác bước theo con đường bóng đá chuyên nghiệp.
Nhờ vậy, bóng đá Việt Nam sản sinh ra nhiều cầu thủ giỏi. Đó là tiền đề quan trọng để cả nền bóng đá hồi sinh và phát triển.
Bầu Đức tiên phong trong việc cho các cầu thủ ra nước ngoài tập luyện, du đấu, cọ xát và tham gia nhiều giải đấu lớn nhỏ. Có thất bại mới trưởng thành. Bóng đá thì càng thi đấu nhiều với những đối thủ giỏi sẽ tự tạo ra những ý nghĩa nhất định cho các cầu thủ học hỏi, trưởng thành.
Hơn hết, bầu Đức quán triệt giáo dục trong bóng đá: Cầu thủ phải học văn hóa trước, sau đó mới học chơi bóng. Cầu thủ được học tiếng Anh, học Đại học. Học đi đôi với hành, tức cầu thủ có văn hóa thì cấm đá láo, đá xấu, cấm hỗn với người hâm mộ, có thể phân bua với trọng tài nhưng cấm xúc phạm.
Bầu Đức đứng răn đe cầu thủ từ ngay thuở nhỏ. Ông chủ CLB HAGL giáo dục cầu thủ như một người cha dạy các con trưởng thành. Vì họ cần có văn hóa trước khi đá bóng đá giỏi, ra đời sẽ là một người có tri thức để làm một công dân có ích cho đất nước.
Chính cái Tâm và cái Tầm của bầu Đức đã cho ra đời lứa cầu thủ đặc biệt để thắp lại tình yêu của người hâm mộ cả nước.
Và trong một hành trình dài như thế thì chúng ta không thể bỏ qua vấn đề tài chính, vì làm bóng đá phải đầu tư rất nhiều tiền bạc. Trong hai thập kỷ làm bóng đá, bầu Đức tính sơ bộ bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng.
Một nền bóng đá từng rơi vào cảnh chợ chiều nhờ có bầu Đức nên được phục hồi dần dần, tích lũy các giá trị cần thiết và sức mạnh theo thời gian. Tất cả là tiền đề để đến ngày huy hoàng dưới thời HLV Park Hang Seo.
Nhìn lại một hành trình dài để thấy tầm ảnh hưởng của bầu Đức lớn như thế nào trong sự thành công bóng đá nước nhà.
Bầu Đức có cá tính dị biệt, có những phát ngôn đanh thép, dám nói thẳng vào sự thật, không ngại bất kỳ nhân vật bóng đá nào. Nhưng ông chủ CLB HAGL có một đức bình dị là không xuất hiện ở những “điểm nóng” như mừng công, vinh danh của bóng đá nước nhà.
Hôm tuyển Việt Nam thắng Thái Lan ở King's Cup 2019, bầu Đức vui mừng trong niềm vui tột cùng. Vì một trong những tâm nguyện lớn nhất của bầu Đức kể từ ngày mở Học viện bóng đá là tuyển Việt Nam đánh bại Thái Lan, đối thủ từng gieo quá nhiều nỗi buồn từ sân chơi SEA Games đến AFF Cup.
Nụ cười của bầu Đức trong ngày Việt Nam thắng Thái Lan đẹp như chính cách ông chủ CLB HAGL đóng góp cho bóng đá nước nhà. Một cách thầm lặng nhất, không đi đến sân để cổ vũ, chỉ chọn một nơi ở quê nhà để cùng bạn bè xem đá bóng, tận hưởng cảm giác chiến thắng trong hạnh phúc.
Ngày tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018 thì bầu Đức cũng chọn theo cách như trên. Bầu Đức và bầu Thắng cổ vũ cho thầy trò HLV Park Hang Seo, sau đó ôm nhau ăn mừng trong hạnh phúc.
Đó là những mẩu chuyện nhỏ để thấy được bầu Đức chưa bao giờ cầu danh theo cách phô trương. Vì bản thân ông chủ CLB HAGL tạo ra nhiều giá trị tốt đẹp thì người hâm mộ cảm nhận được, ghi khắc trong tim.
Với các cầu thủ, họ nhìn về bầu Đức như một người cha, không chỉ đơn thuần là chuyện người làm bóng đá với người làm công. Một ông chủ làm bóng đá có những nét đẹp tâm hồn và hết mực yêu thương cầu thủ. Đó là những giá trị tốt đẹp về tính cách đáng để khắc ghi trong cuộc đời mỗi ai may mắn được tiếp xúc và làm việc cùng bầu Đức.
Danh thủ Thái Lan - Thonglao nói về bầu Đức: “Bạn không thể so sánh bất kỳ ai với bầu Đức. Ông ấy chăm sóc chúng tôi giống như người bố chăm sóc con mình. Ông ấy làm những điều nhỏ nhặt nhất vì chúng tôi. Đó là một người rất dễ thương và yêu bóng đá cuồng nhiệt”.
Cựu trung vệ tuyển Việt Nam - Nguyễn Mạnh Dũng nói: “Bầu Đức làm bóng đá có tâm và tầm nhìn rất sâu, rộng. Ông ấy không làm theo kiểu ăn xổi. Bầu Đức đóng góp quá nhiều cho bóng đá nước nhà. Đặc biệt, ông ấy rất yêu bóng đá và yêu thương cầu thủ”.
Tiếng thơm để đời, công lao không thể đong đếm, không bao giờ chấp nhận một kiếp đời làm những chuyện tầm thường. Bầu Đức làm bóng đá đúng nghĩa là người đưa đò thầm lặng!