Robin Gosens - chàng trai đã ghi 1 bàn thắng, 2 đường kiến tạo giúp Đức hạ Bồ Đào Nha 4-2 tại EURO 2020. Anh cũng vượt qua Ronaldo để trở thành cầu thủ xuất sắc nhất trận đấu. Một câu chuyện thú vị là Robin Gosens rất thần tượng Ronaldo, từng xin đổi áo nhưng ngôi sao Bồ Đào Nha từ chối.
Robin Gosens thi đấu cho Atalanta và anh xin đổi áo trong trận thắng Juventus của Ronaldo. Sự từ chối của thần tượng khiến cho Robin Gosens trở thành trò cười cho nhiều người, còn anh đem câu chuyện này vào tự truyện: Mọi ước mơ đều đáng giá.
Ngoài Ronaldo, Robin Gosens thần tượng Thomas Muller - người đồng đội của anh ở EURO 2020. Muller từng có câu chuyện thú vị như Robin Gosens là bị huyền thoại Diego Maradona từ chối ngồi họp báo chung, còn chế giễu anh là cậu bé nhặt bóng. Đoạn kết là chính Muller chấm dứt hành trình của Maradona và Argentina ở World Cup 2010.
Nói về Robin Gosens, cuộc đời của anh đến với bóng đá giống như câu chuyện cổ tích, ở đó điểm nhấn là sự vươn lên từ ước mơ phi thường. Robin Gosens từng muốn làm cảnh sát nhưng bị điểm khuyết là chân thấp, chân cao. Anh tìm kiếm cơ hội khác cho cuộc đời khi đến với bóng đá từ năm 17 tuổi.
Robin Gosens phải đi làm nhân viên đổ xăng và nuôi dưỡng giấc mơ cầu thủ. Sự khát vọng phi thường với trái bóng đã đưa Robin Gosens từ một cầu thủ nghiệp dư đến chuyên nghiệp và trở thành ngôi sao mới của tuyển Đức ở EURO 2020.
Câu chuyện của Robin Gosens thực sự đáng để cho tất cả cùng đọc chứ không riêng những cậu bé có ước trở thành cầu thủ trong tương lai.
Câu chuyện của Robin Gosens cũng khiến cho tôi nhớ đến câu nói của bầu Đức: "Bất cứ vinh quang nào đi liền với nó là sự trả giá".
Cái giá để cho Robin Gosens thực hiện được ước mơ chính là sự nỗ lực không ngừng nghỉ, chưa bao giờ ngừng khát vọng, cũng như biết vượt qua được sự mặc cảm và sự tự ti về bản thân. Cái giá đó thực sự ý nghĩa và rất đẹp để nói về số phận một cậu bé miệt mài theo đuổi giấc mơ cùng trái bóng, đúng hơn là thay đổi cuộc đời.
Chúng ta có thể nhìn về bầu Đức và 20 năm gắn bó cùng bóng đá. Ông chủ HAGL từng nói với tôi sau VCK U23 châu Á 2018 rằng: "Không có thứ gì từ trên trời rơi xuống đâu. Từ ngày anh xây Học viện bóng đá đến hôm nay (năm 2018) là 12 năm phải đội mũ cối, đôi lúc buồn lắm như thời gian đầu ông Park đến Việt Nam thì có nhiều ý kiến, nhưng mình không dám làm thì ai làm...".
12 năm đội mũ cối của bầu Đức hiểu đúng là 12 năm bị "ném đá" nên phải đội mũ cối, tức nhiều ý kiến soi mói về chuyện ông mở học viện HAGL, hay mời HLV Park Hang Seo sang Việt Nam.
Tôi vẫn còn nhớ ngày U22 Việt Nam thua Thái Lan ở SEA Games năm 2017. Bầu Đức phải rời ghế phó chủ tịch VFF vì đứng ra nhận trách nhiệm về thất bại của U22 Việt Nam, không ít người gọi ông là "Đức nổ".
Sau khi U23 Việt Nam làm nên lịch sử với Á quân U23 châu Á 2018, bầu Đức không có mặt trong lễ vinh danh. Ông còn nhận thêm quả đắng với chuyện không đủ tư cách tranh ghế lãnh đạo ở VFF dù đã chính thức rút lui, với lý do không có bằng cử nhân. Một câu chuyện mà nhiều người gọi là "qua cầu rút ván" khi chính bầu Đức có 3 lần sang Hàn Quốc mời ông Park về Việt Nam và bỏ tiền túi trả lương.
Bóng đá hay cuộc sống thì mọi thứ đều cần thời gian trả lời, kể cả hành trình ước mơ hay sự quyết tâm muốn tạo ra điều khác biệt. Thời gian đã trả lời cho ước mơ của Robin Gosens với hành trình ở EURO 2020, hay sự đóng góp của bầu Đức cho bóng đá Việt Nam.
Với bầu Đức, nhiều người không chỉ nợ ông một lời cảm ơn, đó còn là một lời xin lỗi khi từng đã "ném đá" ông rất nhiều trong thời điểm bóng đá Việt Nam chưa đến ngày thành công.